Nguồn tin: Báo Bình Dương, 23/03/2015
Ngày cập nhật:
24/3/2015
Mô hình chăn nuôi heo và gia cầm sử dụng các phế phẩm nông nghiệp như trấu, mùn cưa, rơm… để tạo ra quần thể vi sinh nhằm xử lý chất thải của vật nuôi gọi là phương pháp chăn nuôi trên đệm lót sinh học (ĐLSH). Với lợi thế giảm chi phí, giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường và đem lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình này đã được người chăn nuôi quan tâm tìm hiểu và đưa vào áp dụng tại nhiều nơi trên địa bàn huyện Phú Giáo (Bình Dương).
Ông Nguyễn Hoàng Long thành công với mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học. Ảnh: AN VÕ
Đến thăm các hộ gia đình đang thực hiện chăn nuôi gia súc, gia cầm áp dụng công nghệ chăn nuôi trên ĐLSH tại huyện Phú Giáo, nhiều hộ chăn nuôi cho chúng tôi biết điểm chung nhất có thể nhận thấy ở mô hình này là đơn giản, dễ áp dụng, ít tốn kém và hiệu quả trong suốt quá trình chăn nuôi. Theo chia sẻ kinh nghiệm của nhiều hộ chăn nuôi, nguyên lý cơ bản của mô hình chăn nuôi trên ĐLSH là dùng phế phẩm sinh học trộn vào đệm lót nền chuồng nhằm phân hủy mùi hôi của chất thải chăn nuôi để làm cho môi trường hoàn toàn không có mùi hôi. Với nhiệt độ của ĐLSH luôn ấm từ 35 - 60ºC, càng gần phía đáy nền nhiệt độ càng cao; chính vì thế nên một số vi khuẩn không có điều kiện thuận lợi để phát triển. Nhờ đó đã làm cho heo ít nhiễm bệnh về đường tiêu hóa và đường hô hấp. Từ những ưu điểm này, trong quá trình nuôi heo trên ĐLSH cũng không cần tắm, không cần dội và rửa chuồng, tiết kiệm được công tắm, dội chuồng, tiết kiệm điện, nước và giảm cả chi phí trị bệnh cho heo.
Ông Nguyễn Hoàng Long tại ấp Trảng Sắn, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, là một trong những hộ chăn nuôi thành công nhờ áp dụng phương pháp nuôi heo theo công nghệ ĐLSH. Theo lời kể của ông Nguyễn Hoàng Long, gia đình ông bắt đầu chăn nuôi heo thịt từ năm 1981. Đến năm 1994 ông tham gia lớp học tại chức tại trường Trung cấp Nông Lâm Bình Dương và nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi heo để áp dụng hiệu quả vào thực tế. Nhờ có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong chăn nuôi heo giúp ông nhanh chóng tiếp cận và áp dụng thành công phương pháp nuôi heo theo công nghệ ĐLSH. Ông Nguyễn Hoàng Long cho biết: “Từ năm 2012 tôi bắt đầu áp dụng phương pháp nuôi heo trên ĐLSH. Nuôi bằng phương pháp này không cần tắm cho heo hàng ngày mà heo vẫn sạch sẽ, không hôi nên giảm được chi phí điện nước và công người làm. Bên cạnh đó, cho heo ăn những thức ăn từ men sinh học có lợi cho tiêu hóa là rất tốt, đặc biệt là đối với heo trong giai đoạn từ heo sữa đến khoảng 20kg. Ngoài ra, việc bán phân heo thải ra hàng ngày cho bà con địa phương dùng để bón cho cây cao su cũng tăng thêm thu nhập cho người nuôi”. Từ thực tế áp dụng, ông Long cho biết với số lượng đàn heo khoảng 100 con heo nái và 250 con heo thịt, sau khi trừ chi phí đã cho ông thu nhập trên 700 triệu đồng/năm.
Đúc kết từ quá trình nuôi heo trên ĐLSH kết hợp cho heo ăn bằng thức ăn ủ men, ông Nguyễn Hoàng Long nhận thấy, phương pháp này cho kết quả tốt hơn so với khi thực hiện phương thức chăn nuôi cũ. Cụ thể, đối với heo thịt, giúp giảm mùi hôi trong chăn nuôi và giảm 80 - 90% bệnh tiêu chảy ở heo, nhất là giai đoạn heo con. Hơn nữa trong quá trình nuôi heo luôn khỏe mạnh, da hồng hào, tiêu hóa tốt và heo ăn nhiều hơn, phân thải ra ít hơn, chất lượng thịt tốt nên thương lái rất thích mua. Ngoài ra, trong quá trình nuôi khi dùng thức ăn ủ men vừa giảm được giá thức ăn vừa rút ngắn thời gian nuôi khoảng 10 - 15 ngày so với cách nuôi truyền thống trước đây. Đối với heo nái mang thai và heo nái nuôi con, khi sử dụng thức ăn ủ men cũng cho kết quả rất tốt. Theo đó heo nái nuôi con cho sữa nhiều, heo con bú sữa mẹ hồng hào, mập mạp, phân thải ít do tỷ lệ tiêu hóa tăng. Còn heo nái sau cai sữa mau lên giống và vẫn giữ được thể trạng rất tốt sau 2 tháng nuôi con. Cũng theo ông Long, sau 25 ngày nuôi heo con, đến ngày thứ 27, nghĩa là sau 2 - 3 ngày tách heo con thì heo mẹ đã lên giống và tỷ lệ phối đậu thai đạt trên 95%. Mặt khác sử dụng thức ăn ủ men chi phí thức ăn giảm hơn 10% so với thức ăn công nghiệp.
Ông Trịnh Đức Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo, cho biết hội nông dân các cấp luôn đồng hành và khuyến khích người dân thực hiện xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến theo hướng kỹ thuật cao. Với việc áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi cũng như trong sản xuất nông nghiệp, các chính sách cụ thể để hỗ trợ như: Hỗ trợ vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân, hỗ trợ mở các lớp tập huấn thường xuyên về phương thức sản xuất tiên tiến luôn được ngành nông nghiệp quan tâm để tạo thuận lợi cho nông dân phát huy hiệu quả trong sản xuất. Từ thực tế này, ông Trịnh Đức Dũng cho rằng đối với hình thức chăn nuôi heo bằng ĐLSH, hiện nay đã có rất nhiều hộ trên địa bàn huyện áp dụng và thu được hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, đây là hướng chăn nuôi được khuyến khích hỗ trợ để người dân học tập, nhân rộng mô hình nhằm tạo điều kiện cho lĩnh vực chăn nuôi heo ở huyện Phú Giáo tiếp tục phát triển mạnh theo hướng thân thiện với môi trường.
AN VÕ
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.