Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 27/03/2015
Ngày cập nhật:
29/3/2015
Ngoài lợn, gà thì bò là vật nuôi được huyện Tân Yên (Bắc Giang) coi là mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp. Để tăng số lượng, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, huyện đang thực hiện đề án phát triển đàn bò giai đoạn 2014 - 2016.
Ông Bùi Văn Ngân, thôn Sậy, xã Tân Trung chăm sóc đàn bò chuẩn bị xuất chuồng.
Khá giả nhờ nuôi bò
Tân Trung là xã điển hình của huyện về chăn nuôi bò thịt hàng hóa với tổng đàn gần 2 nghìn con. Xã có hơn 20 hộ nuôi từ 10 - 12 con/lứa. Từ năm 2005, gia đình ông Bùi Văn Ngân, thôn Sậy đã xây chuồng trại thường xuyên nuôi từ 5 - 7 con/lứa, dịp cuối năm từ 10 - 12 con/lứa. Với 10 năm kinh nghiệm, theo ông muốn vỗ béo bò mang lại lợi nhuận cần chọn được giống có dáng vóc lớn; cung cấp khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng và chú ý tẩy ký sinh trùng.
Vỗ nhẹ vào con bò chuẩn bị xuất chuồng, ông Ngân nói: “Con này hiện có người trả 53 triệu đồng nhưng tôi muốn nuôi thêm một thời gian để thịt dày hơn mới bán. Khoảng nửa tháng nữa, tôi sẽ xuất bán toàn bộ số bò và vào lứa mới”. Ra - vào đàn liên tục, mỗi năm ông Ngân nuôi khoảng 200 con, trừ chi phí thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.
Cũng chăn nuôi bò thịt nhưng gia đình chị Ngô Thị Thương, thôn Húng, xã Liên Sơn lại chọn mua bò mới tách mẹ với quy mô 50 con/lứa. Toàn bộ số bò này được mua tại trại giống của huyện Ba Vì (Hà Nội) có ưu điểm là chuẩn giống, đã được tiêm đầy đủ vắc-xin ngừa bệnh. Dịp Tết vừa qua, gia đình chị xuất chuồng 20 con, giá bình quân 40 triệu đồng/con, trừ chi phí lãi khoảng 50 triệu đồng.
Để có đủ thức ăn cho đàn vật nuôi, chị trồng hơn một mẫu cỏ, mua thêm rơm dự trữ. Đặc biệt, chị ủ cỏ, rơm rạ với chế phẩm sinh học làm thức ăn trong mùa đông. Phương pháp này không những giúp bò tiêu hóa tốt mà còn giảm được mùi hôi khu vực chăn nuôi, tăng sức đề kháng cho con vật.
Ông Ngô Xuân Sinh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Toàn huyện có hơn 300 hộ nuôi bò thịt theo hướng hàng hóa. Nhờ nhạy bén thị trường, nắm chắc quy trình chăm sóc nên những hộ này đều có của ăn, của để, cải thiện cuộc sống nhờ nuôi bò. Đây là điều kiện để phát triển chăn nuôi trang trại, tăng sản lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Tăng quy mô, chất lượng
Tuy chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao song mấy năm gần đây tổng đàn bò của huyện liên tục giảm. Năm 2013 và 2014, mỗi năm toàn huyện có 18 nghìn con, giảm 2 nghìn con so với năm 2012. Bên cạnh đó, phần lớn bò giống được mua từ các địa bàn khác do chưa chủ động được nguồn tại chỗ. Bò nái chủ yếu là giống địa phương nên bê có tầm vóc nhỏ.
Xác định đây là đối tượng vật nuôi cần quan tâm phát triển, cuối năm 2014, UBND huyện ban hành đề án phát triển đàn bò giai đoạn 2014-2016. Đề án đặt mục tiêu xây dựng trang trại chăn nuôi bò thịt tại xã Ngọc Lý, Việt Ngọc, Tân Trung số lượng 50 con/xã; đào tạo đội ngũ kỹ thuật dẫn tinh viên; hỗ trợ, khuyến khích nông dân chuyển đổi một số diện tích chân vàn cao sang trồng cỏ cao sản làm thức ăn cho bò; lai tạo giống cải tạo đàn bò và tập huấn kỹ thuật chăm sóc cho nông dân. Tổng kinh phí thực hiện hơn 1,7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp nông nghiệp của huyện.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đến nay đã hoàn tất việc chọn hộ, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trung cho biết: “Với nông dân, con bò là tài sản lớn, chỉ cần sơ sểnh có thể sạt nghiệp. Kỹ thuật chăn nuôi là yếu tố quyết định, vì vậy xã tổ chức tập huấn cho người dân bằng cách cầm tay chỉ việc. Ngoài cán bộ thú y còn mời các hộ chăn nuôi giỏi trao đổi kinh nghiệm thực tế trong các buổi học nên đã thu hút được đông đảo người dân tham gia. Tại lớp học, nhiều người được giải đáp thắc mắc, sau đó áp dụng thành công tại gia đình mình”.
Cũng là một trong những xã tham gia đề án, Ngọc Lý chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về quy trình phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là đàn bò. Nguy cơ lây lan nguồn bệnh từ nơi khác vào địa bàn rất lớn bởi tại xã có nhiều thương lái làm nghề buôn bán gia súc. Vì vậy tất cả các điểm trung chuyển xã đều yêu cầu thường xuyên rắc vôi bột, khử trùng tiêu độc, cử cán bộ thú y nắm bắt tình hình, tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Được biết, hiện nay, cơ quan chuyên môn của huyện đang bình tuyển đàn bò nái để lai với bò siêu thịt cao sản ngoại nhập như: BBB, Brahman, Drougmater nhằm tạo ra giống có trọng lượng lớn, tỷ lệ thịt xẻ cao.
Đến hết năm 2016, toàn huyện Tân Yên sẽ có khoảng 6 nghìn bò nái lai, tăng hơn 1 nghìn con so với năm 2014. Mỗi xã, thị trấn tăng thêm 8 - 10 hộ nuôi tập trung 3 bò nái, 5 bò thịt trở lên.
Trịnh Lan
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.