Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 01/04/2015
Ngày cập nhật:
2/4/2015
Thời tiết giao mùa khiến sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm giảm dễ phát sinh dịch bệnh. Ở một số địa phương trong toàn quốc, dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng (LMLM) đã bùng phát làm tăng nguy cơ lây lan đối với đàn vật nuôi trong tỉnh Bắc Giang. Thế nhưng, việc phòng bệnh cho đàn vật nuôi tại một số địa phương lại chưa được quan tâm đúng mức.
Cán bộ thú y xã Đông Phú (Lục Nam) tiêm vắc-xin cho đàn lợn.
Tỷ lệ tiêm phòng thấp
Xác định phòng bệnh là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong chăn nuôi song thực tế công tác này ở một số địa phương trong tỉnh chưa được thực hiện triệt để. Hiện nay, một số tỉnh đang có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Cúm gia cầm, tai xanh, LMLM trong khi nhiều hộ đang vào đàn lợn, gà với số lượng lớn nên mầm bệnh dễ lây lan theo đường vận chuyển. Đối với đàn trâu, bò đã tiêm phòng từ năm ngoái cũng hết khả năng miễn dịch.
Trong khi đó, việc tiêm phòng chưa được nhiều hộ quan tâm. Anh Nguyễn Đức Long, thôn Trại Mới, xã Tân Hưng (Lạng Giang) nói: “Gia đình tôi nuôi gà nhiều năm nay. Hiện trong chuồng có hơn 150 con gà hai tháng tuổi, 50 con một tháng tuổi. Tôi chỉ tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, niu-cát-sơn, còn vắc-xin cúm khi nào có dịch mới tiêm”. Không chỉ anh Long, nhiều hộ ở xã Tân Hưng cũng không tiêm đầy đủ vắc-xin bảo vệ đàn vật nuôi mặc dù được xã trích ngân sách hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Cường, cán bộ thú y xã phản ánh: “Trong tháng 3, UBND xã đã dành ra gần 20 triệu đồng hỗ trợ giá vắc-xin tụ huyết trùng, dịch tả thế nhưng đến nay mới chỉ tiêm được 1.100/1.700 con trâu, bò và 800/3.500 con lợn”. Ở xã An Hà cũng chỉ tiêm vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng được 800/6.500 con lợn, 200/1.350 con trâu, bò.
Tại huyện Yên Thế, hiện tổng đàn gà gần ba triệu con, trong đó một triệu con mới vào đàn. Thế nhưng theo ông Nguyễn Huy Khánh, Trưởng Trạm Thú y huyện, từ đầu năm đến nay, các hộ mới tiêm được khoảng 700 nghìn liều vắc-xin H5N1. Trạm đang tiếp tục phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động người dân sớm tiêm đầy đủ vắc-xin cho đàn gia cầm. Tương tự, tại huyện Lục Nam dù có gần 730 nghìn con gia cầm các loại nhưng từ đầu năm đến nay tỷ lệ tiêm mới đạt 7%, thậm chí nhiều xã “bỏ trắng” như: Bắc Lũng, Cẩm Lý, Chu Điện, Cương Sơn, Đan Hội, Thanh Lâm, Tiên Hưng…
Việc tiêm vắc-xin đạt tỷ lệ thấp trước hết là do người dân chủ quan trong phòng bệnh, chưa có ý thức bảo vệ đàn vật nuôi. Nhiều hộ có tư tưởng trông chờ nguồn vắc-xin hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, cán bộ thú y, chính quyền cơ sở, ban chỉ đạo phòng, chống dịch động vật ở một số nơi chưa thực sự vào cuộc. Một số xã chậm triển khai tiêm phòng. Ông Hoàng Văn Đềm, Phó Chủ tịch UBND xã Chu Điện (Lục Nam) nói: “Toàn xã có 16 nghìn con gia cầm nhưng đến đầu tháng Tư mới tổ chức tiêm phòng”.
Ngăn ngừa dịch bệnh
Hiện nay thời tiết ấm, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, lây lan. Theo Cục Thú y, toàn quốc hiện có tỉnh Vĩnh Long, Thanh Hóa đang có dịch cúm gia cầm với số lượng phải tiêu hủy hàng nghìn con; hai tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn có dịch LMLM do nhập lậu lợn nái thải loại qua biên giới. Tỉnh Bắc Giang là địa bàn trung chuyển gia súc, gia cầm ở khu vực phía Bắc. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tỉnh đã bắt, xử phạt gần 10 trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm động vật nhập lậu không rõ nguồn gốc qua địa bàn. Để bảo vệ đàn vật nuôi, ngày 11-3, UBND tỉnh ban hành kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.
Theo đó, bằng nguồn ngân sách, toàn tỉnh đã bố trí hơn 7 tỷ đồng trợ giá các loại vắc-xin: Cúm gia cầm, tai xanh, dịch tả Nhật Bản, LMLM và mua hóa chất tiêu độc khử trùng. Thực hiện công điện khẩn của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phòng chống dịch bệnh và ngăn chặn nhập lậu gia súc qua biên giới, ngày 19-3, UBND tỉnh có công văn giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với Sở Công thương và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo hệ thống thú y, quản lý thị trường, Đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch động vật… thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch LMLM và ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu vào địa bàn.
Để khắc phục tình trạng chủ quan trong người dân, ngành chức năng, ban chỉ đạo phòng chống dịch động vật các cấp cần tăng cường tuyên truyền tác hại của dịch bệnh kết hợp vận động, đôn đốc các hộ tiêm phòng cho đàn vật nuôi; tích cực kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật; mua bán, vận chuyển gia súc ra vào địa phương. UBND các huyện, TP chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, cán bộ kỹ thuật phục vụ cho công tác tiêm phòng, có biện pháp xử lý nghiêm đối với cơ sở không tổ chức tiêm phòng và tiêm phòng đạt kết quả thấp.
Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có khoảng 10 triệu con gia cầm, gần một triệu con lợn và hơn 200 nghìn con trâu, bò song từ đầu năm đến nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin mới đạt 30% tổng đàn.
Hải Minh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.