Nguồn tin: Báo Quảng Ninh, 07/04/2015
Ngày cập nhật:
8/4/2015
Những năm gần đây, từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, xã Quảng La (huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) đã xuất hiện một số mô hình kinh tế phát triển đa dạng, làm ăn hiệu quả và nhiều tấm gương nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương bằng đôi tay, khối óc của mình. Anh Giáp Văn Thơ được mọi người biết đến là một trong những người như thế.
Nuôi ong mật đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Giáp Văn Thơ ở thôn 1, xã Quảng La (Hoành Bồ).
Sinh ra và lớn lên tại xã Quảng La, anh Giáp Văn Thơ đã có 20 năm bươn chải với nhiều nghề nghiệp khác nhau, từ nghề chạy xe tải chở gỗ thuê đến các nghề buôn bán nhỏ khác. Tuy nhiên, do công việc làm ăn không thuận lợi anh đã chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp. Với hơn 1ha đất vườn đồi mua lại từ Lâm trường Hoành Bồ trước đây, nên ý tưởng làm giàu đã được anh nhen nhóm. Anh Thơ tâm sự: Giữa những năm 1990 khi cây vải thiều cho giá trị kinh tế khá cao, tôi đã trồng 200 gốc, nhưng sau này, khi vải thiều rớt giá hiệu quả kinh tế thấp, tôi chuyển hướng sang phát triển chăn nuôi.
Vào năm 2009, thấy một số hộ nông dân ở các nơi nuôi lợn rừng rất hiệu quả, thu nhập cao, nên anh Thơ đã cất công tìm đến các trang trại trên địa bàn tìm hiểu cách nuôi lợn rừng. Sau đó, anh về nhà cải tạo toàn bộ diện tích vườn đồi, giảm một nửa số lượng cây vải thiều được trồng trước đây để lấy mặt bằng xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn rừng. Thời gian đầu, do điều kiện kinh tế khó khăn, anh vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng NN&PTNT mua 6 con lợn giống về nuôi. Do chăm chỉ cộng với “mát tay” với nghề chăn nuôi, chỉ sau hơn một năm, đàn lợn của anh đã có trên 100 con.
Anh Thơ chia sẻ: Lợn rừng rất dễ nuôi, vì nguồn thức ăn dễ kiếm. Trong quá trình nuôi, cùng với việc tận dụng các phụ phẩm từ nông nghiệp, tôi cũng làm thức ăn vi sinh bằng cách cho cây chuối thái nhỏ và cám gạo trộn đều với men vi sinh đưa vào thùng nhựa bọc kín, khoảng 3 ngày đem ra cho lợn ăn. Với cách này, vừa tiện lợi, vừa rẻ, làm cho nguồn thức ăn nhiều dinh dưỡng lại phòng được dịch bệnh, lợn phát triển rất nhanh. Năm 2014, tôi bán được hơn 7 tạ lợn thịt ra thị trường, cùng 60 con lợn giống với giá bán bình quân từ 200.000 - 300.000 đồng/kg. Riêng từ chăn nuôi lợn rừng, mỗi năm gia đình tôi thu về gần 200 triệu đồng.
Không chỉ phát triển chăn nuôi lợn rừng, anh Thơ còn đầu tư phát triển nuôi gà sáu ngón theo mô hình phát triển kinh tế của địa phương. Từ sự hỗ trợ của địa phương cho hộ dân tham gia mô hình, anh đăng ký tham gia và được xã cấp cho 500 con gà giống. Anh Thơ cho hay: “Mặc dù được tập huấn rất kỹ nhưng ban đầu tôi cũng thấy lo lắng vì loại gà này trên địa bàn chưa có nhiều người nuôi”. Tuy nhiên, lo lắng của anh có cơ sở vì thời gian đầu, gà hay bị ốm chết, sau tìm hiểu nguyên nhân mới biết gà từ nơi khác nhập về, không thích nghi với điều kiện thời tiết gà dễ mắc bệnh. Nhưng sau khi làm theo các quy trình được hướng dẫn, gà đã ổn định và phát triển tốt, hiệu quả cao. Anh Thơ cho rằng: Giống gà 6 ngón thực ra không khó nuôi, thức ăn cũng giống như gà địa phương, chủ yếu ngô trộn với gạo và rau kết hợp. Thời gian nuôi cũng nhanh chỉ khoảng 3 tháng cho cân nặng từ 1,5 - 2,5kg. Gà có thịt chắc và thơm nên có giá cao, thuận lợi phát triển nhân rộng. Hiện nay, đàn gà của anh có khoảng 300 con, trong đó gần một nửa anh để nhân giống, mục tiêu của anh sẽ phát triển đàn gà 6 ngón lên hơn 1.000 con trong năm 2015 này.
Cùng với nuôi lợn rừng, gà 6 ngón, tận dụng vườn đồi, anh Thơ còn nuôi ong mật. Hiện nay, gia đình anh có 32 tổ. Năm 2014, đàn ong mật của anh thu được 2 tạ mật. Theo anh Thơ, năm nay, điều kiện thời tiết thuận lợi, ước chừng gia đình sẽ thu được khoảng 3 tạ mật, cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn kinh doanh nhà hàng ăn uống, mở rộng kinh doanh dịch vụ, từ các mô hình sản xuất kinh doanh trên, mỗi năm cho thu nhập trừ chi phí trên 300 triệu đồng.
Anh Giáp Văn Thơ là một trong những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của xã Quảng La, không chỉ làm giàu cho mình, anh còn tích cực giúp đỡ các hộ nông dân khác về kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.
Dương Trường
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.