Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị, 16/04/2015
Ngày cập nhật:
17/4/2015
Với mức thuế suất được đưa về 0% khi gia nhập TPP, nhiều sản phẩm chăn nuôi chủ lực của Việt Nam vốn đã trong guồng quay “năng suất thấp, giá thành cao” lại càng thêm thách thức bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Điều này gây ra nhiều lo lắng cho người chăn nuôi trước nguy cơ thua ngay trên sân nhà.
Sức cạnh tranh yếu
Việt Nam cùng với 11 quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trong giai đoạn nước rút đàm phán tham gia TPP. Tham gia sân chơi TPP đồng nghĩa với việc chúng ta phải chấp nhận quy định mức thuế nhập khẩu thịt bò, gà, lợn vào Việt Nam sẽ giảm từ 5% xuống còn 0%. Điều này dấy lên lo ngại về sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trong nước khi mà so sánh tương quan hiện nay, giá sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn còn cao so với sản phẩm cùng loại của một số nước. Đơn cử, tại Mỹ hiện nay, chỉ có 3 bang chăn nuôi lợn nhưng giá thịt của Mỹ đang rẻ hơn ở Việt Nam 40%. Khi còn hàng rào thuế quan bảo vệ, chúng ta vẫn bảo hộ được chăn nuôi trong nước, song khi "luật chơi" thuế suất nhập khẩu 0% được áp dụng, đây sẽ là một thách thức rất lớn cho ngành chăn nuôi nội địa.
Giết mổ thủ công vẫn còn khá phổ biến tại Việt Nam.
Một dẫn chứng cụ thể, trong 3 năm trở lại đây, Việt Nam liên tục phải nhập khẩu thịt bò từ các nước, chủ yếu là của Australia. Giá thịt bò hơi nhập khẩu về đến Việt Nam chỉ từ 2,4 - 3 USD/kg, trong khi giá sản xuất trong nước từ 65.000 - 75.000 đồng/kg. Phải nói thêm rằng, sở dĩ bò sống nhập khẩu từ Australia về Việt Nam đạt số lượng khá lớn là vì thuế nhập khẩu thấp hơn so với thịt bò đông lạnh. Sau khi Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) được ký ngày 27/2/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 44/2012/TT-BTC quy định biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện quy định hội nhập. Theo đó, trâu bò sống nhập khẩu từ Australia, New Zealand và các nước ASEAN vào nước ta sẽ chịu thuế 5%. Và theo cam kết của Việt Nam trong AANZFTA, năm 2015 sẽ có 117/1.539 dòng thuế giảm về 0%. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ cho sản xuất trong nước.
Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, khi gia nhập TPP dễ thấy ngành chăn nuôi Việt Nam yếu thế hơn, nhất là với mặt hàng thịt bò và thịt lợn, vì giá thành sản xuất trong nước cao hơn giá sản phẩm nhập khẩu. Các chuyên gia nông nghiệp cũng nhìn nhận, sản phẩm chăn nuôi nội địa sẽ thua ngay trên sân nhà.
Chưa nói đến việc nguồn thực phẩm nhập khẩu với giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam, thời gian qua, ngay nội tại ngành chăn nuôi trong nước đã thể hiện rõ sức cạnh tranh kém so với các DN nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam. Ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây) cho biết, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống của nước ta chưa được quan tâm đầu tư, phần lớn là DN nước ngoài. Trong khi đó, thông tin dự báo cung - cầu thị trường là rất cần thiết nhưng người chăn nuôi lại chưa được cập nhật kịp thời dẫn đến giá bán và đầu ra không ổn định. Chưa hết, khi chăn nuôi gia công cho DN nước ngoài, người nông dân được phân chia lợi nhuận không bình đẳng, thường phải chịu thiệt thòi do trình độ năng lực, nguồn vốn hạn chế, trong khi đối tác mạnh về cả kinh tế và trình độ khoa học công nghệ.
Quản lý chất lượng còn hạn chế
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, yêu cầu của thị trường các nước về ATTP ngày càng cao. Tăng mức độ an toàn trong vấn đề bảo vệ sức khỏe thông qua các quy định khắt khe hơn về vệ sinh dịch tễ và rào cản kỹ thuật cũng là một trong những yêu cầu bắt buộc của các vòng đàm phán TPP. Tuy nhiên, theo đánh giá, trong chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại như việc hướng dẫn và quản lý sử dụng thuốc kháng sinh còn lỏng lẻo. Và tình trạng sử dụng các chất bổ trợ trong thức ăn chăn nuôi khá tùy tiện...
Ông Tôn Thất Sơn Phong - Giám đốc Ban Quản lý dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và ATTP (Lifsap) - một dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ đang triển khai tại 12 tỉnh, TP (trong đó có Hà Nội) cho biết, vấn đề VSATTP của Việt Nam thường được quản lý một cách lỏng lẻo trong tất cả các chuỗi chăn nuôi. Theo số liệu điều tra, hệ thống chăn nuôi quy mô nhỏ với mức vệ sinh an toàn thấp chiếm tới 70% trong tổng sản lượng cung cấp ra thị trường, trong khi đó, mô hình chăn nuôi thương mại với quy mô lớn với mức độ an toàn cao chỉ cung cấp khoảng 15% sản lượng.
Còn nhớ, vào thời điểm 2012 - 2013, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nhằm tăng tỷ lệ nạc đã gây cho ngành chăn nuôi một phen lao đao. Tuy Bộ NN&PTNT và các đơn vị chuyên ngành như Cục Chăn nuôi, Cục Thú y đến các địa phương đã vào cuộc với đầy quyết tâm, song câu chuyện này dường như vẫn chưa hề chấm dứt khi mà cơ quan chức năng vẫn phát hiện các mẫu thịt, thức ăn, mẫu nước tại chuồng trại có chất cấm. Rồi tình trạng bơm nước, tạp chất vào thịt để tăng trọng cũng gây ra những mối lo ngại không nhỏ về chất lượng thực phẩm. Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, trong năm 2014, qua lấy mẫu kiểm tra, cơ quan này đã phát hiện 5,2% mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với chất cấm và 17,7% mẫu thịt, gan, thận lợn tồn dư kháng sinh. Đáng lưu ý, trong quý I/2015, qua thanh tra đột xuất tại Hậu Giang, Thanh tra Bộ NN&PTNT và Cục Thú y đã phát hiện tình trạng sản xuất thuốc thú y có sử dụng kháng sinh cấm. "Nhiều DN, thương lái và cả người chăn nuôi đã sử dụng rất nhiều mánh khóe tinh vi để trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi, nhất là những thời điểm giá lợn tăng cao" - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết.
Không những thế, công nghệ chế biến, bảo quản thịt sau giết mổ của nước ta còn hạn chế nên số lượng các sản phẩm được chế biến, đóng gói, có tem nhãn ghi xuất xứ nguồn gốc và chứng nhận ATTP khá ít ỏi. Trong khi đó, các sản phẩm thịt nhập khẩu từ nước ngoài, nhất là một số nước như Australia, Mỹ… được đảm bảo VSATTP cao hơn. Điều này càng khiến cho sản phẩm chăn nuôi trong nước yếu thế hơn khi cạnh tranh.
Hiện nay, nước ta đang phải nhập khẩu khoảng 2,5% sản lượng thịt, còn lại tự túc 97,5%. Trong đó, nhập khẩu chủ yếu là 2 nhóm sản phẩm: Phụ phẩm của gà (chân, cánh, đùi) do giá rất rẻ so với sản xuất trong nước chỉ 0,85 USD/kg, và thịt bò do sản lượng trong nước chưa đáp ứng nhu cầu.
Thắng Văn
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.