Nguồn tin: Nhân Dân, 10/01/2015
Ngày cập nhật:
12/1/2015
Ông Bùi Đăng Sơn chưa biết làm gì với hơn 40kg sữa “thừa” hàng ngày.
Sáng 10-1, hàng chục xã viên hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Cầu Sắt, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), bức xúc đổ bỏ sữa tươi ngay tại khu vực thu mua sữa của công ty CP sữa Đà Lạt (Dalat Milk), phản đối việc Công ty ra thông báo hạn định mức thu mua sữa tươi kiểu “thắt vú bò”.
Có mặt tại trạm thu mua sữa số 3 (thôn Cầu Sắt, Tu Tra), chúng tôi chứng kiến khoảng 80 nông dân không kìm được bức xúc, họ mang phần sữa tươi bị Công ty trả về (hơn một tấn), vì vượt quá hạn mức thu mua theo quy định, đổ bỏ tại chỗ.
Theo thông báo còn tươi mầu con dấu (ký ngày 7-1-2015), treo tại trạm thu mua, Dalat Milk áp dụng định mức cho phép về sản lượng thu mua sữa hàng ngày của nông dân là: “không vượt quá 16kg/ngày đối với mỗi con bò vắt sữa”. Tuy nhiên, theo nhiều hộ cung cấp sữa nguyên liệu cho Công ty từ trước đến nay, thì đó là “chính sách” quá khắt khe với nông dân. Vì, hầu hết mỗi con bò sữa thường cho bình quân hơn 20kg sữa mỗi ngày, vậy 4kg sữa “thừa” ngoài định mức họ không biết bán cho ai và xử lý thế nào?!
Chị Dương Thị Quỳnh Như (ngụ thôn 3, xã Đạ Ròn, Đơn Dương) bức xúc: “Theo hợp đồng của tôi, Công ty thu mua tất cả lượng sữa từ một con bò vắt ra, không hạn định. Từ trước là vậy, đùng một cái, sáng nay (10-1), chúng tôi nhận được thông tin Công ty chỉ thu mua 16 kg/con bò vắt sữa. Sữa thừa trả lại cho chúng tôi, nên nông dân không biết xử lý thế nào với lượng sữa đó, chỉ biết đổ bỏ thôi”.
Nhiều nông dân có mặt tại trạm thu mua cho biết, sữa tươi là sản phẩm đặc thù, không phải bán chỗ nào cũng được. Nếu để quá một tiếng đồng hồ thì sẽ hỏng.
Theo quy trình ký kết hợp tác giữa Dalat Milk với nông dân, các hộ có bò nhập sữa thì đăng ký với trạm thu mua, sau đó Công ty kiểm tra chất lượng mới lập hợp đồng cho nhập. Trong đó, phải kê khai số lượng bò vắt sữa, bê và lượng sữa trên mỗi con bò.
Gần đây, Dalat Milk đã tiến hành điều tra các chuồng trại hai lần và ra thông báo, thu mua sữa bình thường với con bò nào cho 16 kg sữa mỗi ngày, nếu cao hơn thì sẽ điều tra và xem xét sau. Nhưng, nông dân chưa kịp kê khai, báo cáo số lượng con bò sữa vượt hạn mức 16kg/ngày, thì Dalat Milk áp dụng ngay “chính sách” trên, nên họ không kịp “trở tay” với lượng sữa “thừa”.
Cũng theo chị Như, gia đình chị có 7 con bò sữa, từ trước đến nay chỉ bán sữa nguyên liệu cho Dalat Milk. “Hợp đồng ràng buộc rất khắt khe với nông dân, chúng tôi vi phạm thì bị trừ tiền và các khoản khác, nhưng Công ty vi phạm thì ai chịu trách nhiệm? Như, theo hợp đồng thì công ty thanh toán tiền mua sữa chậm nhất là trong 3 tuần cho nông dân, nhưng giờ họ đã nợ tới 9 tuần rồi…” - Chị Như bộc bạch.
Ông Bùi Đăng Sơn (thôn Cầu Sắt, Tu Tra) rầu rĩ: “Gia đình tôi có 10 con bò đang vắt sữa, bình quân khoảng 2 tạ sữa tươi mỗi ngày, nếu áp theo hạn mức trên, thì lượng sữa dư chỉ biết đổ đi, vì sau một giờ không bảo quản lạnh thì sữa kết tủa, hỏng hết”.
Trao đổi riêng với chúng tôi, một nhân viên của Dalat Milk (đề nghị dấu tên), cho hay: “Chính tôi cũng thấy quy định này không hợp lý. Sáng nay, có hộ nuôi ba con bò, họ đến nhập 51kg sữa, nhưng theo quy định chỉ thu 48kg/ngày (3 con bò). Vậy, trong buổi sáng họ đã bán vượt hạn mức rồi, còn chiều nay nữa… thì sữa bán cho ai?”.
Được biết, mô hình liên kết nuôi bò sữa giữa doanh nghiệp và nông dân tại Tu Tra là “mô hình điểm” của tỉnh, từng được báo cáo điển hình tại hội nghị sơ kết chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2010 - 2013.
Hiện, có 125 xã viên HTX chăn nuôi bò sữa Cầu Sắt đang còn hợp đồng với Dalat Milk về cung cấp sữa nguyên liệu, với hơn 500 con bò vắt sữa thường xuyên. “Nếu Công ty khống chế hạn mức 16kg/ngày/con bò sữa, thì mỗi hộ dư từ 30 - 50kg sữa tươi mỗi ngày, thiệt hại khoảng 5 - 7 trăm nghìn đồng/hộ/ngày, với mức giá 12 nghìn đồng/kg (hạ từ 2 - 3 nghìn đồng so với trước đây)” - Chủ nhiệm HTX chăn nuôi bò sữa Cầu Sắt Nguyễn Hoàng Nhật tính toán.
Cũng theo ông Nhật, trước khi vụ việc xảy ra sáng nay, đại diện hợp tác xã cũng đã “xin gặp” Tổng giám đốc Dalat Milk để đề đạt nguyện vọng của xã viên, nhưng vẫn chưa “được” gặp?! “Nguyện vọng của bà con là khi chưa tiến hành kiểm tra theo thông báo, Công ty nên mua hết sữa theo hợp đồng. Sau đó, nếu hộ nào vi phạm hợp đồng thì… cắt. Tui cũng muốn nông dân thực hiện nghiêm theo hợp đồng thỏa thuận mới bền vững.” - Chủ nhiệm HTX chăn nuôi bò sữa Cầu Sắt cho biết.
Lượng sữa tươi “thừa” theo hạn mức thu mua, nông dân mang về xử lý ra sao? Câu hỏi đó vẫn chưa có lời giải thỏa đáng trong “cuộc họp” bất thường sáng cùng ngày, tại trụ sở Dalat Milk, với sự tham gia của Tổng Giám đốc Công ty, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, chính quyền địa phương…
Trao đổi với PV NDĐT, Tổng Giám đốc Dalat Milk Ngô Minh Hải phân trần: “Chúng tôi đưa ra hạn mức 16kg để bà con không kèm theo “sữa ngoài” (tức là hàng “ký gửi” ngoài hợp đồng trên một con bò vắt sữa theo kiểm tra của công ty - PV). Vì đàn bò mình đã kiểm tra, đếm thực tế rồi. Thí dụ, hộ có 3 con bò sữa thì cho bình quân 48kg sữa thôi, đừng mua thêm ngoài. Nếu họ nói bò tui hơn 20 lít mỗi ngày, thì báo cho Công ty để đến kiểm tra thực tế”.
Theo Tổng Giám đốc Dalat Milk, Công ty vẫn thu mua sữa tương đương giá thị trường, tùy theo chất lượng. Hôm nay (10-1), có giá khoảng 12 nghìn đồng, với giá này thì bà con cũng có lãi.
Hiện Dalat Milk có 900 con bò sữa, cung cấp khoảng 4 tấn sữa/ngày; cùng với lượng sữa thu mua ngoài (theo hợp đồng với nông dân) khoảng 9 tấn/ngày. Với ba trạm thu mua đóng tại thôn Lạc Trường, Cầu Sắt và Quảng Lập (huyện Đơn Dương). Tổng Giám đốc Dalat Milk bộc bạch: “Bà con hãy hợp tác giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này. Bởi nếu doanh nghiệp buộc phải đóng cửa thì cũng khó khăn cho nông dân”.
Cũng theo Tổng Giám đốc Dalat Milk Ngô Minh Hải: “Sáng nay, khi nghe chuyện, tôi chỉ đạo anh em thu mua cho bà con, rồi xử lý tiếp. Tiếc là câu chuyện đã đến quá “nóng”!”
Phía chính quyền địa phương thì cho rằng, sẽ tiến hành họp dân cùng với doanh nghiệp để tháo gỡ khúc mắc! Theo số liệu mới nhất, hiện tổng đàn bò sữa của Lâm Đồng là hơn 13.600 con, tăng 78% so với năm 2013. Trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Đơn Dương (với hơn 8.600 con). Tổng đàn bò vắt sữa khoảng 50% tổng đàn, với sản lượng sữa tươi khoảng 100 tấn/ngày, được ba công ty hợp đồng tiêu thụ với nông dân, riêng Dalat Milk thu mua khoảng 10% tổng sản lượng sữa.
Như vậy, nếu áp dụng “chính sách” thu mua kiểu “thắt vú bò”, với hạn mức 16kg sữa nguyên liệu trên mỗi con bò sữa trong ngày, thì lượng sữa “thừa” của những con bò sữa “sung” về năng suất… nông dân vẫn loay hoay chưa biết xử lý thế nào?
MAI VĂN BẢO
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.