Nguồn tin: Báo Gia Lai, 29/05/2015
Ngày cập nhật:
31/5/2015
Mùa lấy mật chính vụ của người nuôi ong trên các cánh rừng Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung đang khép lại. Có người trúng đậm, có người buồn xo trước một năm thất bát…
“Kẻ khóc, người cười”
Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi ong, cứ đến độ Tết Nguyên đán, ông Trần Ngọc Lãng (54 tuổi, ở huyện Ea Hleo, tỉnh Đak Lak) lại đưa đàn ong về Gia Lai mong tìm những cánh ong trĩu mật. “Năm nay tôi đầu tư 400 đàn với gần 3.500 cầu ong. Thời tiết nắng nóng khiến cây hoa tiết mật mạnh hơn nên lượng mật thu về khá dồi dào. Từ đầu vụ đến giờ, tôi thu tổng cộng gần 20 tấn mật. Với giá 45 - 50 ngàn đồng/kg mật ong, trừ chi phí tôi thu lãi hơn 500 triệu đồng”-ông Lãng tâm sự.
Niềm vui mùa ong thắng lợi. Ảnh: L.H
Cũng theo ông Lãng, năm nay thời tiết không thuận cho người làm vườn nhưng lại thuận cho người làm nghề nuôi ong. Tuy lượng mật cà phê không đạt năng suất như mọi năm (giảm 50%) nhưng bù lại, cây cao su lại cho nhiều mật và chu kỳ tiết mật cũng kéo dài hơn. Nhờ đó, ông thu được lãi cao hơn so với các năm trước.
Còn với anh Hoàng Ngọc Đông (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ), năm nay gia đình anh “trúng đậm” bởi mật ong được mùa, được giá. “400 đàn ong đem lại cho tôi gần 1 tỷ đồng tiền mật. Trừ chi phí, tôi lãi chừng một nửa”-anh Đông nói. Để chăm sóc đàn ong, ngoài anh là thợ chính, còn phải thuê thêm 2 phụ việc với mức tiền công 35 triệu đồng/người/năm bao ăn ở.
Không may mắn như hộ ông Lãng, anh Đông, ông Nguyễn Văn Minh (phường Thống Nhất, TP. Pleiku), người có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật lại thở dài ngao ngán bởi một vụ mùa không như ý. “Nhà tôi đầu tư nuôi 500 đàn, do không có điều kiện và thời gian chăm sóc tốt nên đàn ong không được khỏe cho lắm. Đây là vụ thất bát nhất của tôi trong vòng 10 năm trở lại đây”-ông Minh, tâm sự.
Phát triển nghề ong theo hướng bền vững
Chọn nghề nuôi ong lấy mật, người nuôi luôn sẵn sàng tâm thế được-mất. “Thời tiết lạnh quá hay môi trường ô nhiễm do thuốc trừ sâu, ong tới lấy mật sẽ nhiễm độc chết hàng loạt chỉ sau vài ngày. Chưa kể các loại bệnh: thối ấu trùng, nhiễm khuẩn, ỉa chảy… Nuôi ong như chăm trẻ nhỏ, mong manh vô cùng”-ông Lãng chia sẻ. Bởi thế mà chuyện người được, kẻ mất là bình thường. Ai đã yêu và chọn nghề ong phải có gan. Mà đã yêu thì dù không ít lần sa cơ sạt nghiệp, người nuôi ong vẫn ít ai bỏ nghề và tìm mọi cách gầy dựng…
Ảnh: L.H
Không chỉ đánh mật cà phê, cao su như trước đây, người nuôi ong hiện nay đã sải chân tìm những mùa hoa nơi miền đất lạ suốt từ Nam chí Bắc để ong có mật quanh năm. “Hết mùa cà phê, cao su, cánh làm ong chúng tôi lại di chuyển ong đi đánh keo, tràm hay dừa ở các tỉnh miền Trung: Bình Định, Huế, Nghệ An hay vải, nhãn ở Hưng Yên, Bắc Giang… Tốn kém chi phí và vất vả hơn nhưng khi đã quen, người nuôi có thêm thu nhập rải đều trong năm, bớt chi phí dưỡng ong vốn rất tốn kém”-anh Đông nói.
Việt Nam là nước xuất khẩu sản phẩm mật ong đứng thứ 2, thứ 3 trên thế giới. Tuy nhiên, nghề nuôi ong mật hiện nay lại gặp phải nhiều khó khăn. Ông Đặng Quốc Hưng-Giám đốc Công ty cổ phần Ong Trung ương-Chi nhánh Gia Lai, cho biết: Việc sử dụng ngày càng nhiều thuốc bảo vệ thực vật tác động lớn đến nghề nuôi ong lấy mật, khiến hàm lượng kháng sinh hay carbendazim vượt ngưỡng cho phép, trong khi phần lớn mật ong sản xuất cung cấp ra thị trường quốc tế (trong đó có những thị trường khó tính như châu u…). Chưa kể nhiều nơi người dân còn tâm lý e ngại, sợ ong gây hại mùa màng; hay đối tượng xấu làm điều không hay khi thấy anh em làm ong ít người, ở nơi vắng vẻ…
Người nuôi ong tại Gia Lai hiện đang duy trì ở quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo dựng được sự liên kết nên dễ bị ép giá… “Chính vì điều này, hàng năm, Công ty luôn duy trì các hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi ong mới, nhu cầu thị trường, giá cả... Chúng tôi có chính sách hỗ trợ vay vốn đầu tư dành cho hộ nuôi ong với hạn mức 30 triệu đồng/100 đàn ong, lãi suất 1%/tháng. Đồng thời, cam kết thu mua sản phẩm theo giá cạnh tranh so với thị trường”-ông Hưng chia sẻ.
Theo số liệu thống kê từ Công ty cổ phần Ong Trung ương-Chi nhánh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có khoảng 150-170 ngàn đàn ong. Niên vụ này, lượng mật ong thu được dự kiến khoảng 5.000-7.000 tấn.
Lê Hòa
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.