• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi gia cầm – những ngày bĩ cực

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 04/06/2015
Ngày cập nhật: 6/6/2015

Thời điểm này, người nuôi gia cầm đang trong cảnh “một cổ ba tròng”, những cái tròng thít lỏng hay chặt phụ thuộc vào đối tượng vật nuôi.

Nắng nóng kéo dài, sản lượng trứng tại trang trại gà đẻ cảu anh Đoàn giảm mạnh

Nắng như đổ lửa. Nóng như xông hơi. Đàn gà, chim nháo nhác, ngửa cổ há hốc mồm, vục mỏ xuống máng uống nước òm ọp giải nhiệt. Chi phí chăn nuôi đội cao nhưng gà, chim lại lớn chậm, đẻ ít.

Thê thảm hơn, giá trứng cút tụt dốc không phanh; giá trứng gà cũng đang đà lao dốc.

Thời điểm này, người nuôi gia cầm đang trong cảnh “một cổ ba tròng”, những cái tròng thít lỏng hay chặt phụ thuộc vào đối tượng vật nuôi.

100 trứng cút bằng tô phở

Đang kỳ nắng nóng kỷ lục trong hơn 40 năm qua, nhưng hoạt động chăn nuôi ở xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) – “thủ phủ chim cút” của Hà Nội, lại đang phải trải qua những tháng ngày tăm tối.

5 vạn chim cút mái của ông Nguyễn Văn Tình (thôn Mạch Lũng, xã Đại Mạch) đang đẻ sòn sòn khoảng 4 vạn trứng mỗi ngày. Nhưng khoảng 10 ngày đổ lại đây, những “máy đẻ” bắt đầu tắc nghẽn, lượng trứng thu được chỉ khoảng 3 vạn.

Thời điểm giữa tháng 5, giá trứng cút lộn dao động từ 700 – 750 đồng/quả, thương lái Hà Nội tranh nhau mua, xuất trại mỗi ngày 4 vạn trứng ngon ơ. Từ khi cao điểm nắng nóng bắt đầu, học sinh, sinh viên về quê nghỉ hè, lượng trứng tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô giảm xuống còn 1/3, giá trứng lộn cũng tụt một nửa (chỉ còn 350 đồng/quả). Để tống tháo nốt lượng trứng tồn kho, chủ trang trại phải mướt mồ hôi móc ngoặc với thương lái các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hải Dương để tiêu thụ.

“Để sản xuất trứng cút lộn, cứ 3 chim mái phải kèm một chim trống. Sau khi chim đẻ lại mất thêm công lao động đảm trách soi trứng, quả nào có phôi mới cho vào lò ấp. Tỷ lệ ấp chỉ đạt 85 – 90%, hao hụt nhiều. Do đó, giá thành không dưới 500 đồng/quả. Với mức giá trứng cút lộn ở thời điểm hiện tại, tôi lỗ ít nhất 150 đồng/quả”, ông Tình than thở.

Giá trứng chim cút sụt giảm hơn 1 nửa so với thời điểm trước nắng nóng

Ngoài đối mặt với cuộc khủng hoảng giá trứng, người nuôi chim cút đẻ còn phải mất phí chồng phí để chống nóng và bảo vệ sức khỏe vật nuôi. Mỗi ngày ông Tình phải bỏ ra hơn 1 triệu đồng để mua thuốc bổ (vitamin C, điện giải) cho đàn cút. Quạt điện chạy vù vù hết tốc lực, máy bơm nước kêu o e suốt ngày để vận hành thiết bị quay nước trên mái hạ nhiệt trong chuồng. Thế mà, mỗi sáng sớm thức dậy, chủ trại vẫn phải nhận tin buồn khi có cả trăm con chim tắt thở.

Cùng chung cảnh ngộ, mỗi ngày trôi qua, trang trại chim cút đẻ quy mô 3 vạn con của anh Lê Hữu Anh (thôn Mạch Lũng) lại lỗ 5 – 6 triệu đồng. Theo anh, giá trứng cút thường phải đạt khoảng 350 đồng/quả thì người chăn nuôi mới hòa vốn. Bây giờ giá tụt xuống chỉ còn 230 đồng/quả, cộng thêm việc chim đẻ ít, chi phí điện, thuốc thú y tăng cao thì vô cùng bi đát. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ có nhiều trang trại phải đóng cửa”.

Thời điểm này ít lễ hội, cưới xin, giá chim cút già thải loại liên tục rớt giá thảm hại, từ 13.000 đồng/con xuống 8.500 đồng/con và có nguy cơ lao dốc tiếp. Những trang trại chuyên ấp nở chim cút giống, giờ chuyển sang sản xuất trứng vịt lộn bởi giá chim giống giảm quá nửa (từ 900 đồng/con xuống 400 đồng/con).

Theo thống kê của ông Lê Hữu Dương, cán bộ thú y xã Đại Mạch, toàn xã có 152 hộ nuôi chim cút đẻ với tổng đàn hơn 80 vạn con. Sau khi hạch toán chi phí chăn nuôi chim cút đẻ, ông Dương khẳng định “Với giá trứng như thời điểm hiện tại người chăn nuôi đang lỗ nặng”.

Gà đẻ há hốc

Những ngày này, anh Hoàng Ngọc Đoàn, chủ trại gà đẻ quy mô 3,5 vạn con ở khu Bãi Già, xã Tàm Xá, huyện Đông Anh đang phải căng sức chống nóng cho vật nuôi.

Anh bảo: “Bây giờ có cho mấy trăm triệu tôi cũng không dám dời khỏi trại gà quá 1 km, vì dưới cái nắng như đổ lửa thế này, chỉ cần mất điện trong vòng 20 phút, giàn mát không hoạt động, giàn quay nước trên mái không phun, quạt gió trong chuồng ngừng quay thì toàn bộ đàn gà sẽ lăn đùng ra chết”. Để phòng ngừa rủi ro, hai chiếc máy phát điện với tổng công suất 125 kW/h được đổ đầy nhiên liệu luôn “trực chiến” khi có tình huống bất thường xảy ra.

Nhiệt độ lý tưởng để gà đẻ từ 25 – 28oC, nhưng với mức nhiệt ngoài trời lên tới 40oC, dùng đủ mọi biện pháp chống nóng thì chuồng nuôi cũng chỉ hạ được 4 – 5oC, bởi thân nhiệt của gà tỏa ra rất lớn, mật độ nuôi sin sít nhau, kèm theo đó việc xử lý phân thải bằng đệm lót sinh học cũng là tác nhân làm gia tăng nền nhiệt. Chủ trại gà đẻ nhẩm tính: “Riêng 10 ngày nắng nóng gần đây nhất, chi phí điện, thuốc bổ cho gà đã tăng lên khoảng 30 triệu đồng”.

Những chú chim cút há hốc mồm vì nhiệt độ trong chuồng quá nóng

Trước đợt nắng nóng, sản lượng trứng thu được của trang trại khoảng 3,2 vạn quả nhưng thời điểm hiện tại giảm xuống còn 2,7 – 2,8 vạn quả/ngày. Giá trứng cũng giảm từ 1.800 đồng/quả xuống còn 1.600 đồng/quả.

Gà thịt điêu đứng

Nếu nắng nóng khiến gà đẻ, cút đẻ ăn ít dẫn đến “nghẽn” cơ quan sinh sản, thì tốc độ tăng trọng chậm của các giống gà chuyên thịt lại khiến người chăn nuôi đau đầu.

Ông Kiều Văn Quân, chủ trang trại nuôi gà trắng quy mô 3.000 con tại thôn 6, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì, Hà Nội) phân trần: Gà trắng trọng lượng lớn, nhiều mỡ nên kỵ nhất nóng, chỉ thích sống ở nền nhiệt 25 – 27oC. Dù đã vận hành giàn mát, quạt thông gió và giàn xoay nước làm mát mái, đồng thời tăng cường vitamin C, điện giải, đường gluco nhưng mỗi ngày vẫn có vài chục con gà chết.

Thử hỏi nhiệt độ trong chuồng ở mức 38oC thì làm sao gà tăng trọng được. Mấy ngày trước, ở xã Thụy An có gia đình lơ là chống nóng cho gà trắng một ngày mà nhặt được 4 tạ gà chết. Tôi tính lắp thêm mấy bộ giàn mát nữa, nhưng trời nóng mà kèm thêm độ ẩm cao thì lại phát sinh bệnh cầu trùng, tiêu chảy.

Theo hạch toán chi li của ông Quân, giá thành 1 kg gà trắng từ 30.000 – 32.000 đồng, nhưng giá bán ở thời điểm hiện tại lại rất thấp, khoảng 25.000 đồng/kg. Như vậy, càng nuôi nhiều, người chăn nuôi càng “chuốc vạ vào thân”.

Những hộ nuôi gà lông màu cũng khổ không kém. Ông Phùng Văn Chức, chủ trang trại gà mía lai, nuôi thả vườn theo hình thức bán công nghiệp tại thôn Tăng Cấu, xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, cho biết: “Một tuần nay, gà thịt giảm 10 giá, chỉ còn 60.000 đồng/kg, không hòa vốn thì bị lỗ. Lượng thức ăn của gà giảm xuống 30% so với thời điểm trước nắng nóng nên rất chậm lớn.

Thông thường chỉ 60 ngày là có thể xuất bán, nhưng với tình hình nắng nóng kéo dài như hiện nay thì thời gian nuôi phải kéo dài thêm khoảng 7 – 10 ngày”. Bên cạnh đó, ông Chức thông tin, riêng chi phí cho tiền thuốc bổ cũng tăng lên 500.000 – 600.000 đồng cho 1 vạn con gà/ngày.

Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, nếu không vệ sinh chuồng trại cẩn thận gà rất dễ mắc bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa và đau mắt.

MINH PHÚC

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
27/12/2015
27/12/2015
26/12/2015
26/12/2015

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang