Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 23/06/2015
Ngày cập nhật:
26/6/2015
Nắng nóng kéo dài, người chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang hết sức lo lắng bởi tình trạng khô hạn ở các ao đầm, suy giảm tốc độ tăng trọng và nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Nhiều ao, đầm ở thành phố Tam Điệp đã cạn kiệt nước.
Trang trại Gà Việt, thôn Anh Trỗi, xã Sơn Hà (huyện Nho Quan) hiện đang nuôi trên 1.000 con gà thịt. Nắng nóng kéo dài thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trọng của đàn gà. Chị Trần Thị Liễu, chủ trang trại cho biết: Thời tiết năm nay thật khắc nghiệt với người chăn nuôi, trời nắng như chảo lửa, gia cầm thả ra ngoài cũng chỉ đứng ở gốc cây há mỏ ra thở. Nếu thời tiết bình thường, để gà tăng trọng được 1kg chỉ cần 2,6 - 2,8kg cám nhưng nắng nóng như thế này thì cần đến 3kg, thậm chí hơn thế. Ngoài ra ngày nào, trang trại cũng phải bổ sung thêm vitamin C, K vào thức ăn để gà khỏi mắc dịch nên chi phí cũng tăng thêm” - chị Liễu cho biết.
Còn đối với gia đình ông Phạm Khắc Nhu ở thôn Đoàn Kết, xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) nếu như trước đây trang trại của ông lúc nào cũng có không dưới 50 con lợn thịt và khoảng 4 - 5 con lợn nái thì thời điểm này trại chỉ duy trì hơn 30 con. Ông Nhu tâm sự: tôi không dám tăng đàn vì nắng nóng lợn sẽ kém ăn, chậm lớn lại dễ dịch bệnh.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm đã vậy, người nuôi trồng thủy sản còn khó khăn, vất vả hơn nhiều. Trang trại của anh Trịnh Văn Đàm ở thôn Quèn Thờ, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp có hơn 20ha rừng, 4ha trồng cỏ để chăn thả dê, hươu và 4 ha mặt hồ nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt. Tuy nhiên, nắng nóng đã làm cho nhiều diện tích trồng cỏ đang dần héo úa, cùng với đó là 4 ha mặt hồ nuôi cá của gia đình anh cũng đã cạn kiệt. Anh Đàm cho biết: “4ha mặt nước giờ cạn chỉ còn chưa đầy 2 sào, mực nước không được 1m. 7 tạ cá giống của gia đình không biết phải duy trì thế nào. Hiện tại tôi đang phải giảm bớt lượng thức ăn cho cá vì sợ nguồn nước đã cạn lại thêm ô nhiễm bởi thức ăn”.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp & PTNT, được biết: Với nhiệt độ nắng nóng như hiện nay thì chắc chắn chăn nuôi sẽ gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng của gia súc, gia cầm sẽ giảm đi, sinh sản cũng kém hơn và dịch bệnh cũng dễ phát sinh hơn so với thời điểm thời tiết mát mẻ.
Chị Trần Thị Liễu, chủ trang trại Gà Việt cho biết: Để phòng, chống nắng nóng, đảm bảo tốc độ sinh trưởng của đàn gà, vừa qua gia đình đã đầu tư cả chục triệu đồng để lắp đặt hệ thống bạt che nắng và quạt làm mát. Những ngày nắng cao điểm còn bố trí phun nước lên mái nhằm tránh hấp thu nhiệt xuống chuồng nuôi. Đặc biệt, chú ý dọn sạch phân gà để không làm tăng nhiệt độ trong chuồng, loại bỏ nguy cơ dịch bệnh.
Còn anh Trịnh Văn Đàm ở thôn Quèn Thờ, xã Đông Sơn cho biết: Hiện anh đã tìm được một nguồn nước trong khe núi cách đó khoảng 200m, nếu như trời tiếp tục nắng hạn anh sẽ phải đầu tư 20 triệu đồng để mua máy bơm công suất lớn cộng thêm hệ thống dây dẫn, dẫn nước về ao cứu đàn cá giống của gia đình. Tuy nhiên điều anh băn khoăn là hạn hán hy hữu cả chục năm mới xảy ra một lần, đầu tư lớn như vậy rồi sử dụng có 1 năm thì rất lãng phí.
Hiện nay, tổng đàn vật nuôi của Ninh Bình vào khoảng 3,2 triệu con gia cầm, 326 nghìn con lợn, 43 nghìn con trâu, bò. Để chủ động phòng, chống nắng, nóng, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, Sở Nông nghiệp & PTNT đã ra văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp chống nắng, nóng kịp thời cho đàn vật nuôi; phân công cán bộ tăng cường xuống cơ sở nắm bắt tình hình thực tế, hướng dẫn các biện pháp chống nắng, nóng cho bà con nông dân. Theo đó, người chăn nuôi cần chủ động nắm bắt tình hình thời tiết để có kế hoạch cụ thể che chắn chuồng trại; đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát; có hệ thống giàn phun mưa, quạt thông gió làm mát trong, ngoài chuồng nuôi, đảm bảo cân bằng về nhiệt cho vật nuôi hoặc phủ rơm rạ, trồng các cây dây leo như: Bìm bìm, mướp, sắn dây… cho leo trên mái để làm mát tự nhiên; nền chuồng đảm bảo thoát nước tốt; thu gom, vận chuyển phân và các loại chất thải ra khỏi khu vực chăn nuôi và xử lý an toàn trước khi đưa ra môi trường. Đối với các trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp, chăn nuôi chuồng kín cần chủ động ký hợp đồng cung cấp điện ổn định với ngành điện, có máy phát điện dự phòng để chủ động chạy máy phát điện khi không có điện lưới. Giảm mật độ nhốt gia súc, gia cầm trong chuồng nuôi. Về chế độ ăn uống, tăng cường khẩu phần ăn rau cỏ tươi, củ, quả và các Vitamin, đặc biệt là Vitamin C.
Những ngày thời tiết nắng nóng chú ý chia khẩu phần cho ăn nhiều bữa lúc sáng sớm, chiều mát, hạn chế cho ăn vào buổi trưa khi trời nắng nóng; thường xuyên cung cấp nước sạch có pha chất điện giải cho gia súc, gia cầm uống để giải nhiệt và tăng sức đề kháng. Tiêm vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong mùa hè cho đàn vật nuôi. Giám sát, theo dõi thường xuyên tình trạng của đàn vật nuôi, phát hiện, xử lý kịp thời khi đàn vật nuôi có biểu hiện ảnh hưởng do nắng nóng, dịch bệnh.
Hà Phương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.