Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 30/12/2014
Ngày cập nhật:
3/1/2015
Nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian qua, các chủ trang trại và hộ chăn nuôi đã chủ động tái đàn, bảo vệ và phát triển đàn vật nuôi. Song, bên cạnh đó, người chăn nuôi vẫn không khỏi lo ngại việc giá cả và thị trường tiêu thụ bấp bênh….
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thời điểm mà nhu cầu thực phẩm của người dân tăng cao, cũng là thời điểm người chăn nuôi kỳ vọng nhiều vào sự tăng giá của các sản phẩm động vật như thịt lợn, gà, trứng.. Song, đi ngược với thực tế nhiều năm trước, trong 2 năm trở lại đây, vào dịp cận Tết, giá cả các sản phẩm trong chăn nuôi lại có chiều hướng chững lại thậm chí là giảm so với những tháng trong năm. Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Hào, thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), một lái buôn lợn thương phẩm lâu năm cho biết: “Trong 2 năm trở lại đây, mặc dù nhu cầu thực phẩm vẫn lớn, song người dân thận trọng hơn với thịt trên thị trường, thay vì mua thịt lợn ngoài chợ, ngày càng nhiều người tự nuôi, thuê nuôi lợn đậu ăn Tết. Trong khi đó, nguồn cung thực phẩm trên thị trường vẫn dồi dào, ảnh hưởng không ít tới giá cả. Cụ thể, thời điểm cận Tết Giáp Ngọ 2014 giá lợn thương phẩm xuống thấp hơn hẳn”. Qua trao đổi, chúng tôi được biết, trong năm 2014, từ tháng 4 - 9, giá lợn thương phẩm, lợn bột có chiều hướng tăng, ổn định ở mức 45 - 49 nghìn đồng/kg lợn hơi. Tuy vậy, hiện nay, giá lợn đã có chiều hướng giảm. Bên cạnh đó, trong những năm trở lại đây, do dịch bệnh nhiều, cũng như chất lượng gà thịt trên thị trường theo kiểu “vàng thau lẫn lộn” cùng với tin đồn gà tàu, gà nhập lậu, người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn thường chủ động mua gà trước từ 1 - 2 tháng, về nuôi thả vườn, chuẩn bị cho Tết cũng khiến cho giá gà thời điểm cận Tết không có sự tăng trưởng như kỳ vọng của người chăn nuôi.
Mặc dù thị trường thực phẩm không có nhiều khởi sắc, song đối với người chăn nuôi, hoạt động tái đàn phục vụ thị trường Tết vẫn được nhiều chủ trang trại quan tâm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ vài tháng trước, công tác tái đàn đã được các trang trại, hộ gia đình triển khai. Anh Mạc Tuấn Hải, Phó Giám đốc Công ty Sơn Trại Sạch, xã Bàn Giản, (Lập Thạch) cho biết: “Nhằm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, từ 4 tháng trước chúng tôi đã cho tái đàn, chỉ tính riêng việc phục vụ hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch ở thành phố Vĩnh Yên, Công ty Sơn Trại Sạch chuẩn bị hơn 3000 con gà ta, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân”. Đối với các hộ chăn nuôi lợn bột, công tác tái đàn cũng được tích cực chuẩn bị trước Tết nguyên đán từ 3 - 4 tháng. Bà Nguyễn Thị Thúy, chủ một trang trại lợn thương phẩm ở Minh Quang, (Tam Đảo) cho biết: “Mỗi lứa lợn phải nuôi trong vòng 3 - 4 tháng mới được xuất chuồng, do đó, tháng 11 vừa qua, tôi đã bắt thêm 30 con lợn giống để đảm bảo có lợn bán vào dịp Tết”.
Có thể nói, mặc dù giá sản phẩm chăn nuôi không có sự tăng mạnh như những năm trước, song , do các hộ chăn nuôi vẫn chú trọng tái đàn, nên nguồn thực phẩm phục vụ Tết không có chuyện khan hiếm. Chia sẻ về vấn đề này, Cô Nguyễn Thu Oanh, chủ một trại lợn ở Chấn Hưng, (Vĩnh Tường) cho biết: “Mấy năm nay, đời sống người dân cải thiện, nhu cầu thực phẩm Tết cũng không khác ngày thường là mấy, nên chúng tôi cũng không kỳ vọng giá sẽ tăng. Song việc tái đàn vẫn phải làm vì nếu giá lợn vẫn ở vào khoảng 42 nghìn đồng/kg lợn hơi như dịp cận Tết Giáp Ngọ năm 2014 thì chúng tôi vẫn có lãi”.
Hiện nay, tình hình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã được kiểm soát, song theo nhận định của ông Trần Thiện Trí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương trong mùa rét năm nay, miền Bắc sẽ đón từ 4 - 5 đợt rét đậm, rét hại. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như khả năng đề kháng của vật nuôi. Trong khi đó, do gần Tết, việc tái đàn phục vụ tiêu dùng, mật độ chăn nuôi tăng, cũng như việc vận chuyển buôn bán tăng mạnh nguy cơ bùng phát dịch bệnh tương đối cao, khó kiểm soát”. Nhằm bảo vệ tốt hơn đàn vật nuôi phục vụ nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng dịp Tết, công tác phòng chống dịch bệnh, và chống rét được đặc biệt quan tâm. Theo đó, người chăn nuôi đã chủ động sử dụng nhiều biện pháp như che chắn chuồng trại, sưởi ấm cho gia súc, gia cầm, đảm bảo chuồng trại khô, kín gió.
Anh Mạc Tuấn Hải cho biết: “Ngoài công tác tiêm phòng thường xuyên định kỳ hàng tháng, để đảm bảo chống rét, tăng sức đề kháng cho đàn gà, chúng tôi tăng cường thuốc bổ cho gà, cho gà uống rượu gừng 2 ngày/lần để chống rét và giảm bệnh tật”.
Đồng hành cùng với người chăn nuôi trong phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, phục vụ thị trường Tết, bên cạnh công tác tiêm phòng đại trà định kỳ vào tháng 10 - 11, trong tháng 12 mới đây, Chi cục Thú y chỉ đạo tiêm phòng bổ sung vác xin cúm gia cầm cho đàn ngan, vịt. Bên cạnh đó, Chi cục chỉ đạo hệ thống thú y tỉnh tăng cường giám sát dịch bệnh tới tận thôn, xóm; thành lập các đoàn kiểm tra phát hiện và xử lý sớm dịch bệnh phát sinh.
Nguyễn Hường
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.