Nguồn tin: Khuyến Nông VN, 21/07/2015
Ngày cập nhật:
26/7/2015
Nhằm giúp người chăn nuôi lợn lựa chọn được giống lợn tốt, phù hợp với hướng phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại, xin giới thiệu một số giống lợn ngoại sau:
1. Lợn Landrace
Lợn Landrace đực
Lợn Landrace cái
Nguồn gốc: Xuất xứ từ Đan Mạch
Đặc điểm, chỉ tiêu năng suất:
Số con đẻ ra/lứa từ 10 - 12 con.
Khối lượng lợn sơ sinh: 1,2 - 1,3 kg/con, lợn đực trưởng thành: 270 - 300 kg/con, lợn cái: 200 - 230 kg/con.
Bắt đầu phối giống lúc 7 - 8 tháng tuổi. Mỗi năm đẻ 2,0 - 2,2 lứa, 6 tháng tuổi đạt 100kg. Tỷ lệ nạc 54 - 56%. Thích nghi kém hơn so với giống lợn Yorkshire trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm.
2. Lợn Yorkshire
Lợn Yorkshire đực
Lợn Yorkshire cái
Nguồn gốc: Chọn lọc nhân giống tại vùng Yorkshire nước Anh.
Đặc điểm, chỉ tiêu năng suất:
Lợn Yorkshire sắc lông toàn thân màu trắng có ánh vàng, tai đứng, mõm dài vừa phải, trán rộng, mặt gãy, ngực mông cao, thể chất vững chắc, nuôi con khéo, đẻ sai, chịu đựng kham khổ, khả năng chống chịu stress cao, chất lượng thịt tốt.
Lợn đực nặng 250 - 320 kg/con, lợn cái nặng 200 - 250 kg/con.
Bắt đầu phối giống lúc 8 tháng tuổi. Một năm đẻ 2,0 - 2,1 lứa, mỗi lứa đẻ 10-13 con. Tỷ lệ nạc 52 - 55%.
3. Lợn Duroc
Lợn Duroc đực
Lợn Duroc cái
Nguồn gốc: Xuất xứ từ Mỹ
Đặc điểm, chỉ tiêu năng suất:
Lợn Duroc có thân hình vững chắc, lông có màu nâu vàng nhạt đến nâu sẫm, bốn chân to khỏe, vững chắc, ngực sâu, rộng, mông vai phát triển và cân đối, mõm thẳng, tai to ngắn, ở phần tai trước cụp, gập về phía trước, chất lượng thịt tốt (thịt mềm do mô nạc xen lẫn với mô mỡ dắt), tỉ lệ nạc cao (56 - 58%), thịt nạc màu đỏ đậm, khả năng tăng trọng nhanh, tiêu tốn thức ăn/1 kg tăng trọng thấp, đẻ con ít, tiết sữa kém.
Lợn trưởng thành, con đực nặng 300 - 370 kg, con cái nặng 250 - 280 kg. Mỗi lứa đẻ được 7 - 8 con.
Tăng khối lượng nhanh: 0,77 - 0,80 kg/ngày. Nuôi 6 tháng đạt được 105 - 125 kg, tỷ lệ nạc 58 - 60,4%.
Lợn Duroc sử dụng trong lai 3 máu, 4 máu, giữa các giống cao sản đạt hiệu quả về năng suất và chất lượng thịt. Lai với nái địa phương Việt Nam (Móng Cái) không đạt đến kết quả tốt, da con lai dày, lớn chậm, số con/ổ thấp. Thích nghi kém ở điều kiện khí hậu nóng ẩm.
4. Lợn Pietrain
Lợn Pietrain đực
Lợn Pietrain cái
Nguồn gốc: Xuất xứ từ Bỉ
Đặc điểm, chỉ tiêu năng suất:
Mầu lông da trắng đan xen lẫn từng đám đen trắng không đồng đều trên cơ thể, tai thẳng đứng, đầu to vừa phải, mõm thẳng, 4 chân thẳng, mông nở, lưng rộng, đùi to, có tỉ lệ nạc cao nhất trong các giống lợn ngoại (60 - 62%). Thích nghi kém ở khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.
Lợn Pietrain có nhược điểm tim yếu vì có tỷ lệ gen Halothane cao khi hoạt động mạnh dễ bị vỡ tim (chết đột tử), khả năng chịu đựng kém, nhạy cảm với stress. Lợn Pietrain thường sử dụng lai với Duroc để tạo đực cuối cùng nhằm nâng cao năng suất thịt mông và tỉ lệ nạc.
Lợn đực trưởng thành nặng 270 - 350 kg/con, lợn cái nặng 220 - 250 kg/con. Mỗi lứa đẻ 8 - 10 con. Tăng trọng nhanh, nuôi 6 tháng tuổi đạt 100 kg/con. Tỷ lệ nạc 60 - 62%.
5. Lợn Meishan
Lợn nái Meishan thuần chủng
Lợn nái dòng tổng hợp có máu Meishan (Anh quốc - PIC)
Nguồn gốc: Xuất xứ từ Trung Quốc
Đặc điểm, chỉ tiêu năng suất:
Mầu lông, da đen, tai rủ, mõm ngắn, da mặt nhăn. Lợn Meishan lớn chậm, nhiều mỡ và cấu tạo thân thịt kém nhưng thịt lợn Meishan có mùi vị thơm ngon rất đặc trưng.
Là giống mắn đẻ nhất trong số các giống lợn trên thế giới với trung bình mỗi lứa từ 15 - 16 con, có khi 20 - 22 con và trung bình mỗi năm 2 lứa. Lợn Meishan có nhiều vú, thành thục sinh dục sớm ngay từ lúc chưa đầy 2,5 tháng tuổi so với 5 tháng tuổi ở các giống lợn khác. Con nái trông bề ngoài thì dữ dằn nhưng lại rất hiền và nuôi con rất tốt. Giống lợn Meishan có trọng lượng tương đối lớn so với các giống lợn châu Á. Lợn nái trưởng thành có chiều cao 57,8 cm, vòng ngực 100 cm và trọng lượng 61,6 kg. Tỷ lệ thịt xẻ thấp khoảng 68%, tỷ lệ mỡ cao.
Giống lợn này có khả năng sinh sản tốt do đó được sử dụng làm nguyên liệu lai tạo để cho dòng lợn tổng hợp có khả năng sinh sản cao và năng suất và chất lượng thịt tốt, dùng làm nái nền rất tốt.
6. Lợn Hampshire
Lợn đực giống Hampshire
Lợn cái giống Hampshire
Nguồn gốc: Xuất xứ từ Anh Quốc, vùng Hampshire
Đặc điểm, chỉ tiêu năng suất:
Lợn có màu lông đen toàn thân và có vành lông trắng vắt qua vai bao gồm cả chân trước và ngực. Lợn có đầu nhỏ thanh, cổ dài và hẹp thân. Toàn thân trông chắc chắn và vận động tốt, thích hợp với hệ thống chăn nuôi chăn thả trên đồng cỏ.
Lợn Hampshire có khả năng sinh sản tương đối tốt. Lợn đẻ từ 10 - 12 con/lứa, mỗi năm đẻ 1,8 - 2 lứa. Trọng lượng sơ sinh lợn con trung bình đạt 1,1 – 1,2 kg/con. Khả năng sinh trưởng của lợn tương đối nhanh, tăng trọng 700 g/ngày. Lợn có tỷ lệ thịt xẻ cao và đây là một giống lợn hướng nạc.
7. Lợn lai
7.1. Lợn lai Landrace và Yorkshire
Quyết định công nhận số 185/QĐ-CN-GSN ngày 30/10/2008 của Cục Chăn nuôi về lợn nái lai F1 giữa Landrace và Yorkshire; F1 giữa Yorkshire và Landrace làm nái để tạo nái nền trong sản xuất lợn thương phẩm.
Các dòng giống Y-VCN, L-VCN, D-VCN, Pi-VCN; VCN-01, VCN-02, VCN-03, VCN-04, VCN-05, VCN-06 do Viện Chăn nuôi chọn tạo có năng suất tương đương với các giống lợn nhập ngoại của các công ty trong và ngoài nước (số con sơ sinh sống >11 con; số con cai sữa/ổ là 10,5 con; số lứa đẻ/nái/năm là 2,2 - 2,3 lứa).
Lợn nái VCN08 được chọn lọc, nhân thuần từ giống lợn nhập ngoại. Đây là giống lợn có năng suất sinh sản rất cao: số con sơ sinh sống/ổ ≥15 con; số con cai sữa/ổ ≥12 con; khối lượng cai sữa (28 ngày tuổi) ≥5,4 kg/con; số lứa đẻ/nái/năm ≥2,3 lứa/năm. Giống lợn VCN08 thích hợp sử dụng làm nái nền trong điều kiện chăn nuôi trang trại, nông hộ, đặc biệt phù hợp với các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn trên toàn quốc.
Các dòng lợn nái VCN21, VCN22, L71, L72 và 2 dòng đực tổng hợp chất lượng cao (L64 x L06) và (L06 x L19) có năng suất cao: số con sơ sinh sống là 11,3 con; số con cai sữa/ổ là 10,3 con; số lứa đẻ/nái/năm là 2,21 lứa; tiêu tốn thức ăn 2,6 kg TĂ/kg tăng trọng; bình quân số lợn con cai sữa/nái/năm 23 - 24 con, phù hợp với chăn nuôi trang trại của Việt Nam.
7.2. Lợn lai giữa Pietrain và Duroc
Lai giữa đực Pietrain và cái Duroc (con lai PiDu), công thức lai này không đảo ngược DuPi vì nái Pietrain nuôi con kém, năng suất sữa kém, ít con trên mỗi lứa. Con lai PiDu đực được tuyển lựa để tạo dòng đực cuối rất được nhà chăn nuôi ưa chuộng thay vì phải dùng đực cuối Pietrain hay Duroc nuôi năng suất kém, chậm lớn, khó nuôi.
Các dòng đực cuối PD25, PD50 và PD75: Dòng đực PD25 đạt tăng trọng xấp xỉ 900 gam/ngày, dày mỡ lưng 11 mm. Các dòng đực cuối PD50 và PD75 tăng trọng 870 g/ngày, dày mỡ lưng là 11,5 - 12mm. Khả năng tăng trưởng cao hơn so với đại trà từ 15 - 20%.
TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.