Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 29/07/2015
Ngày cập nhật:
31/7/2015
Ngày 28-7, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai phối hợp Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ tổ chức họp báo bàn về giải pháp gỡ khó cho chăn nuôi gia cầm trong giai đoạn hiện nay. Dịp này, 2 bên cùng ký biên bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương… đề nghị điều tra chống bán phá giá với mặt hàng thịt gà nhập khẩu.
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai và Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ ký biên bản chống bán phá giá với mặt hàng thịt gà nhập khẩu.
2 bên cũng ký vào biên bản kiến nghị Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) gỡ khó về mặt thủ tục, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
* Sẽ kiện chống bán phá giá gà nhập
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, so sánh năm 2014, Việt Nam nhập khẩu hơn 80 ngàn tấn gà thịt, giá dao động từ 1,2 - 2,2 USD/kg, thì chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm nay, lượng gà nhập đã là 50 ngàn tấn, tăng 20% so với cùng kỳ với giá chỉ còn 0,65 - 1 USD/kg. Giá gà nhập càng rẻ thì sản lượng nhập khẩu càng tăng. “Hiệp hội đã cho khảo sát giá các sản phẩm gia cầm bán tại nhiều siêu thị ở Mỹ, cho thấy giá gà nguyên con khoảng 10 USD, giá đùi và cánh gà trên 8 USD/kg... Mức giá này cao gấp nhiều lần sản phẩm cùng loại bán tại thị trường Việt Nam. Nguyên nhân có phải do thịt gà nhập có vấn đề về chất lượng hoặc có hiện tượng bán phá giá để “ép” chết ngành chăn nuôi nội địa?” - ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ đặt câu hỏi.
Theo ông Nguyễn Thanh Phương, đại diện Công ty chăn nuôi Emivest Việt Nam, giá thành chăn nuôi gà được cấu thành bởi các yếu tố, như: con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, công nghệ chăn nuôi... Tuy ở một số khâu chi phí chăn nuôi của Việt Nam có nhích hơn một số nước, nhưng ta cũng có những lợi thế về chăn nuôi tại chỗ, chi phí nhân công rẻ nên giá thành sản phẩm của chăn nuôi Việt Nam không quá chênh lệch với nhiều nước phát triển. Ông Phương nhận xét: “Chi phí cấp đông cho 1 kg thịt mất hơn 2 ngàn đồng, cộng thêm các chi phí vận chuyển, thuế... thì giá bán thịt gà nhập như hiện nay là quá bất thường”.
Đồng ý với những quan điểm trên, bà Trần Thị Diệu Hoàng, đại diện Công ty Koyu & Unitek (Nhật Bản), khẳng định: “Chỉ cần áp dụng bài toán lớp 1 cũng cho ra kết quả chứng minh sự vô lý của giá thịt gà nhập khẩu. Cụ thể, nếu lấy giá đùi gà nhập khẩu đang bán tại Việt Nam là 20 ngàn đồng/kg, trừ hao hụt trong khâu giết mổ, cấp đông, lợi nhuận của nhà bán lẻ... thì giá thành gà lông chỉ còn khoảng 10 ngàn đồng/kg, rẻ hơn cả 1 kg thức ăn gia súc”.
* Cần gỡ về chính sách
Theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, hiện khu vực này có trên 3 ngàn trang trại nuôi gia cầm. Với vốn đầu tư từ 6 - 8 ngàn tỷ đồng, chủ yếu vay từ nguồn vốn ngân hàng. Từ đầu năm đến nay, chăn nuôi gia cầm liên tục thua lỗ vì không cạnh tranh lại được thịt ngoại. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài, các trang trại chăn nuôi sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản và gây hệ lụy rất lớn sau này. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho biết so với các nước, ngành chăn nuôi Việt Nam gặp nhiều khó khăn, như: lãi suất ngân hàng còn cao, sự cạnh tranh thiếu bình đẳng với thịt ngoại... Chăn nuôi trong nước hầu như không được bảo hộ, vì nước ta thiếu hàng rào kỹ thuật kiểm soát. Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam liên tục bị các nước kiện bán phá giá, trong khi đó ta chưa có trường hợp nào chống bán phá giá với nông sản nhập. Nếu Nhà nước không kịp thời gỡ khó về mặt cơ chế, chính sách thì ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà.
Các chủ trang trại so sánh giá thịt nhập bán tại thị trường Mỹ và Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Kha, chủ trang trại gà tại Đồng Nai, hiện đang hợp tác nuôi gia công cho một công ty nước ngoài theo quy trình chăn nuôi của Nhật Bản. Sản phẩm chăn nuôi này đã có doanh nghiệp Nhật Bản đặt hàng với số lượng lớn để xuất khẩu sang Nhật, nhưng hiện vẫn chưa xuất khẩu được vì vướng các quy định về thú y. Ông Kha bức xúc: “Để tỏ rõ thiện chí muốn nhập khẩu thịt gia cầm của Việt Nam, khách hàng đã chủ động liên hệ với cơ quan chức năng của Nhật Bản để xin hướng dẫn các thủ tục cần thiết và chuyển cho doanh nghiệp Việt Nam để có cơ sở làm việc với cơ quan thú y. Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ nhờ hỗ trợ, gửi kiến nghị lên Cục Thú y nhưng nhiều tháng nay vẫn chưa được phản hồi”.
Bình Nguyên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.