Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 14/09/2015
Ngày cập nhật:
15/9/2015
Nếu như nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam thuộc vào tốp đầu trong xuất khẩu thế giới thì chăn nuôi lại là ngành “lận đận”, có thể thua trên sân nhà khi hội nhập. Vậy nhưng, chế biến thức ăn chăn nuôi vẫn là lĩnh vực hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Lợi nhuận 3%, 5% hay… 30%?
Bên cạnh các tập đoàn nước ngoài xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi từ lâu như Proconco (Pháp liên doanh với công ty Việt Nam), Tập đoàn CP (Thái Lan), Cargill (Mỹ), thời gian gần đây, tuy lợi nhuận của ngành thức ăn chăn nuôi giảm xuống, nhưng vẫn tiếp tục có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào sân chơi này. Tháng 7 vừa qua, Công ty TNHH CJ Vina Agr (Hàn Quốc) đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại Đồng Nai. Tập đoàn Hòa Phát cũng đã nhảy vào lĩnh vực này, đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, dự kiến quý 1-2016 sẽ có sản phẩm ra thị trường. Tập đoàn Masan (MSN) thì mua 52% và 70% cổ phần của Công ty cổ phần Việt - Pháp sản xuất thức ăn chăn nuôi (Proconco) và Công ty cổ phần Dinh dưỡng nông nghiệp Quốc tế (Anco).
Thông tin tại hội thảo “Tăng cường tính cạnh tranh trong thị trường lúa gạo và chăn nuôi Việt Nam”, do Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp - nông thôn miền Nam, Oxfam và Diễn đàn Chính sách nông nghiệp Việt Nam tổ chức tại TPHCM tuần qua cho thấy, tỷ lệ sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng, bình quân cả nước tăng ở hộ nuôi heo là 50%, riêng các tỉnh phía Bắc lên đến 80%. Với gia cầm cũng theo xu hướng này. Tiến sĩ Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho biết, chưa tính thức ăn thủy sản, sản lượng ngành chế biến thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm tăng bình quân 1 triệu tấn/năm, từ hơn 10 triệu tấn năm 2010 lên 14,5 triệu tấn năm 2014; nếu tính luôn thức ăn chăn nuôi thủy sản là trên 17 triệu tấn, khoảng 6 tỷ USD. Nhu cầu thức ăn chăn nuôi trong nước tăng khoảng 10% - 13%/năm. Ước tính, năm 2015 cần khoảng 18 - 20 triệu tấn; năm 2020 có thể đạt 25 - 26 triệu tấn, với trị giá cả chục tỷ USD. Việt Nam đứng đầu khối ASEAN và thứ 12 thế giới về sản lượng chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp.
Theo nghiên cứu năm 2014 của tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam, trong lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi, tỷ lệ tập trung thị trường ngày càng gia tăng. Từ năm 2007 - 2014, dù chỉ có 89/239 nhà máy thức ăn chăn nuôi là của nước ngoài (FDI) nhưng lại chiếm thị phần từ 22% lên 55%. Lĩnh vực thức ăn chăn nuôi đang tạo ra những lo ngại không nhỏ cho cả ngành chăn nuôi, nhất là ở khía cạnh giá thành sản xuất và tỷ suất lợi nhuận. Theo TS Nguyễn Văn Giáp, khảo sát các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trong nước, công bố tỷ lệ lợi nhuận trên giá thành sản xuất 1kg thức ăn chăn nuôi khoảng 1% - 3%. Thế nhưng, các chuyên gia trong ngành cho rằng tỷ lệ này lên tới 10% - 15%, thậm chí 30% ở không ít doanh nghiệp - như lời Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, ông Đoàn Xuân Trúc, phát biểu.
Ba hiện tượng, ba ẩn số
Một điều cần được thừa nhận, chính các công ty vốn đầu tư nước ngoài (FDI) về thức ăn chăn nuôi đã giới thiệu khoa học công nghệ mới và giúp phát triển thị trường chăn nuôi trong nước, làm thay đổi phương thức kinh doanh, tạo dựng thị trường mới. Tuy vậy, theo TS Nguyễn Văn Giáp, do chưa có hệ thống theo dõi và con số thống kê chính thức nên gây khó khăn trong việc nghiên cứu để làm cơ sở. Những năm gần đây, các công ty thức ăn chăn nuôi thuộc nhóm FDI chiếm thị phần ngày càng lớn, tỷ lệ tập trung thị trường cao, nhưng có dấu hiệu thị trường thức ăn chăn nuôi bị điều khiển bởi những công ty lớn trong liên kết định giá (cho dù còn lỏng lẻo), các công ty nhỏ trong nước phải theo. Có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khi sử dụng hệ thống phân phối đại lý độc quyền và chiết khấu lớn. Vì vậy, các công ty thức ăn chăn nuôi định giá bán sản phẩm cao hơn mức giá cạnh tranh, gây thiệt hại cho người chăn nuôi và người tiêu dùng. Ba hiện tượng có thể xảy ra: Hiện tượng “neo giá” là điều có thể khẳng định trên thị trường của các doanh nghiệp lớn. Hiện tượng chuyển giá đã từng xảy ra nhưng nay không còn phổ biến. Hiện tượng làm giá, dù chưa có bằng chứng, nhưng việc đặt nghi vấn này không phải không có cơ sở.
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, có ba ẩn số lớn của ngành thức ăn chăn nuôi cần có sự minh bạch. Đó là, cơ quan quản lý nhà nước không thể nắm được chính xác sản lượng thức ăn công nghiệp, bởi các doanh nghiệp sản xuất lớn không báo cáo, sản lượng thức ăn chăn nuôi hàng năm mà Cục Chăn nuôi công bố cũng chỉ là ước tính. Ẩn số thứ hai là giá thành và giá bán thực sự của các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, không ai biết. Nhưng có một điều ai cũng hiểu, nếu không có lợi nhuận cao thì không thể thu hút nhiều doanh nghiệp nhảy vào lĩnh vực này. Cuối cùng là tiêu chuẩn chất lượng thức ăn chăn nuôi hiện nay hầu như chưa kiểm soát được, nhà nước còn lúng túng trong việc quản lý chất lượng. Không ít nhà máy gian lận chất lượng sản phẩm. Chính những hiện tượng và ẩn số này nên việc doanh nghiệp trong ngành thức ăn chăn nuôi hưởng lợi cao là điều có thể hiểu.
Để hạn chế những tiêu cực này, cần yêu cầu kê khai giá bán và giới hạn mức lợi nhuận, như ở Thái Lan, quy định lợi nhuận các mặt hàng này khoảng 5%, không được cao hơn, nhưng ở Việt Nam chưa ai quản lý. Bên cạnh đó, cần kiểm soát tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Luật Cạnh tranh cần có những quy định cụ thể hơn, không dừng lại ở việc chỉ quy định về tỷ lệ thị phần. Trường hợp doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi, vừa kinh doanh thức ăn chăn nuôi vừa có sản phẩm thịt, trứng, thì mặc dù chỉ chiếm thị phần dưới 30% nhưng ảnh hưởng của doanh nghiệp này đến ngành chăn nuôi sẽ lớn hơn. Vì không chỉ ảnh hưởng đến thị trường thức ăn chăn nuôi mà còn cả thị trường trứng, thịt. Điều này đòi hỏi cần cụ thể hóa quy định kinh doanh đối với doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi này. Ngoài ra, cần kiểm soát việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh không tương xứng với doanh nghiệp nước ngoài. Tất nhiên phải tuân theo thị trường, nhưng cũng cần có chiến lược nhất định trong việc nuôi dưỡng các doanh nghiệp trong nước.
CÔNG PHIÊN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.