• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ông Bùi Xuân Ké: Vươn lên làm giàu nhờ cây sầu riêng

Nguồn tin: Tiền Giang, 07/07/2017
Ngày cập nhật: 9/7/2017

Ông Bùi Xuân Ké, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là một nông dân cần cù, chịu khó và ham học hỏi. Ông đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng, hàng năm thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.

Ông Ké cùng vợ chăm sóc vườn sầu riêng.

Ông Ké cho biết, khoảng 20 năm trở về trước, người dân xã Long Tiên chủ yếu trồng lúa là chính. Nhận thấy kinh tế từ lúa hay vườn tạp không cho hiệu quả kinh tế cao, ông cùng với gia đình đã cải tạo và chuyển đổi các loại cây trồng khác nhau, cuối cùng nhận thấy thổ nhưỡng thích hợp với cây sầu riêng nên gia đình ông đã quyết định trồng cây sầu riêng Ri6 và gắn bó cho đến ngày hôm nay. Hiện tại, những cây lớn đã được gần 20 năm, những cây nhỏ cũng bắt đầu cho trái.

Dù mang trong mình thương tật do chiến tranh để lại (thương binh 4/4), nhưng ông Ké vẫn phát huy được phẩm chất người lính cụ Hồ, tiến công không lùi bước, ông đi khắp nơi để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm để chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình cho hiệu quả kinh tế cao. Theo ông Ké, trồng sầu riêng muốn cho năng suất cao phải biết cách chăm sóc, phải tích cực tham gia các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo, để được nghe chuyên gia hướng dẫn cách chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, khi đã nắm được quy trình kỹ thuật thì việc chăm sóc, bảo vệ cây sầu riêng không hề khó. Trồng sầu riêng nên trồng với mật độ vừa phải, không dày, bình quân 1 công đất trồng khoảng 25 cây, trong vườn nên để cỏ, tưới nước thường xuyên và phải chịu khó quan sát, để có biện pháp phòng ngừa sâu bệnh hiệu quả. Cây sầu riêng có rất nhiều sâu bệnh tấn công, nhất là con rầy phấn, mỗi khi ra cơi đọt non phải xịt thuốc ngừa các loại sâu, rầy cộng với các loại thuốc ngừa thán thư. Đặc biệt, cây sầu riêng có bệnh xì mủ, muốn phòng được bệnh này thì không nên để vườn sầu riêng bị ứ nước, vườn phải thông thoáng. Khi cây đậu trái, lúc bón phân cần tăng lượng đạm để giảm hiện tượng rụng trái non.

Ông Ké chia sẻ: "Để cây sầu riêng mau lại sức sau một mùa nuôi dưỡng trái, người trồng cần cung cấp và bổ sung lại cho đất những dưỡng chất đã được cây hấp thu, tiêu thụ hết. Bón phân phải đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Bón vào khoảng 10 - 15 ngày sau thu hoạch là tốt nhất, trước khi bón phải xới nhẹ trên mặt đất để phân hấp thu vào đất nhanh và hạn chế bị rửa trôi nếu có mưa lớn kéo dài".

Ngoài việc chăm sóc đúng kỹ thuật cho cây sầu riêng, ông Ké còn lắp đặt hệ thống vòi phun nước tự động để tưới cho 1 ha sầu riêng. Với cách làm này, ông vừa tiết kiệm được tiền mướn nhân công, vừa đảm bảo cây được ướt đều với lượng nước vừa đủ. Bên cạnh việc làm giàu từ cây sầu riêng, ông Ké còn đam mê cây cảnh và đi mua những cây kiểng còn nguyên sơ về uốn nắn. Bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, ông Ké đã "thổi hồn" cho từng cây kiểng với nhiều kiểu dáng khác nhau vừa làm đẹp sân nhà, vừa mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Ké còn hỗ trợ những anh em có hoàn cảnh khó khăn cùng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Sau bao năm miệt mài lao động, ông Ké đã vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi, các con được học hành đến nơi đến chốn. Hàng năm, sau khi trừ các khoản chi phí, năm nào sầu riêng trúng mùa được giá, gia đình ông cũng thu về khoảng 500 triệu đồng. Nhiều năm liền, ông Ké được tuyên dương nông dân, cựu chiến binh sản xuất giỏi cấp tỉnh, Gia đình văn hóa tiêu biểu.

Ông Đoàn Văn Thành, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long Tiên nhận xét: "Anh Bùi Xuân Ké là một trong những cựu chiến binh của xã đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có hiệu quả và có những hướng đi đúng đắn, từ đó có những định hướng thiết thực giúp nhiều cựu chiến binh, nông dân khác chuyển đổi, đầu tư vào những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định cuộc sống. Chúng tôi rất đề cao vai trò của anh".

Văn Minh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang