Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 30/11/2017
Ngày cập nhật:
2/12/2017
Hàng năm, cứ mỗi độ nước lũ tràn về, người dân ở các vùng đồng bằng, vùng trũng ở Quảng Trị lại tất bật với việc mưu sinh mùa lũ. Những sản vật tôm, cá, cua…đánh bắt được trong mùa lũ đã giúp hàng trăm hộ dân nơi đây có thu nhập khá. Và dẫu biết rằng nghề chài lưới lắm nhọc nhằn, vất vả, tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường, thế nhưng người dân vẫn bám sông, bám đầm phá mưu sinh vì “duyên nợ” với nghề…
Mùa đón cá tôm về
Khi mùa mưa bão đến, nước từ sông suối nơi thượng nguồn ào ạt đổ về xuôi mang theo một lượng tôm, cá dồi dào. Đó cũng là thời điểm mà người dân mưu sinh bằng nghề chài lưới chuẩn bị ngư lưới cụ đón luồng cá từ mọi nẻo sông, suối đổ về và cả luồng cá từ biển vào sông ẩn nấp, sinh sống. Trong dòng nước đục ngầu, cuồn cuộn chảy ấy là rất nhiều tôm cá đang “xốc nước”, cuống cuồng tìm nơi trú ngụ để không bị đẩy ra dòng nước mặn chát giữa biển khơi.
Người dân mưu sinh bằng việc đơm đáy trong mùa nước lũ trên sông Hiếu
Mùa lũ khiến khắp đồng ruộng ngập nước, cá tôm từ các ao, hồ, sông đổ về rồi tỏa đi các hướng và hầu như chỗ nào có nước lũ là ở đó có cá, tôm. Việc đánh bắt cá, tôm và các loài thủy sản chưa bao giờ dễ dàng đến vậy, số lượng đánh bắt được nhiều gấp 3-5 lần ngày thường. Chính vì thế, thu nhập của những người làm nghề chài lưới cũng tăng lên theo khiến họ hăng say đánh bắt. “Mùa lũ luôn đem đến cho những người làm nghề chài lưới trên sông thu nhập khá lớn. Có những loại thủy sản chỉ mùa lũ mới xuất hiện ở vùng đồng bằng như cá chình suối, cá lấu, cá leo. Bên cạnh đó, một lượng lớn cua, cá, tôm tự nhiên có giá trị kinh tế cao ở các đầm, phá tràn ra sông, đồng ruộng nên mang lại cho chúng tôi một nguồn thu nhập khá”, ngư dân Lê Việt Tuấn cùng nhóm bạn làm nghề đánh bắt thủy sản nơi hạ nguồn sông Hiếu cho biết.
Mùa nước lũ thường kèm gió to, sóng lớn nên các tàu thuyền đánh bắt gần bờ biển phải neo đậu ở bến chứ không thể ra khơi. Vì thế, một bộ phận ngư dân chuyển sang nghề chài lưới, đặt đáy trên sông. Thậm chí tranh thủ khi thời tiết đẹp sau mưa bão, một số ngư dân cho thuyền ra sát các cửa sông, biển để đánh bắt một số loài cá sống gần bờ thường vào trú ẩn, sinh sản nơi các kè đá xung quanh cảng biển.
Việc mưu sinh trong mùa lũ trên các nhánh sông, đầm phá, đồng ruộng không cần đến tàu, thuyền có công suất lớn mà chỉ cần một chiếc thuyền thúng, thuyền nan, hoặc bè tự tạo là có thể thả lưới, đặt đáy, lừ đánh bắt thủy sản. Dụng cụ đánh bắt chủ yếu của các ngư phủ mùa lũ là lưới bén, đáy, lừ, rớ, chài. Vào mùa này, bình quân mỗi hộ gia đình chuyên làm nghề chài lưới cũng kiếm được 500-700 nghìn đồng/ngày và có nhiều người thu nhập từ 1 - 1,5 triệu đồng khi trúng mẻ cá, tôm có giá trị kinh tế cao.
Mùa lũ cũng đem đến cho người dân không chuyên đánh bắt thủy sản một lượng cá, tôm lớn. Chỉ cần một chiếc rớ, vó nhỏ vây quanh đoạn cống, mương thoát nước giữa đồng ruộng cũng có thể đem lại thu nhập 100-200 nghìn đồng/ngày, hay dùng ghe nhỏ, lội bộ trên những thửa ruộng cũng có thể đánh bắt cá bằng lưới bén, đó, nơm. “Mùa lũ này nhiều loại cá như rô phi, diếc, ngạnh cùng tôm, cua thường tập trung vào các thửa ruộng ven các hồ, đầm để sinh sản và trú ngụ nên chúng tôi dễ dàng đánh bắt. Nói về giá trị kinh tế thì chẳng là bao vì chúng tôi đánh bắt thô sơ, ham vui là chính. Nhưng cũng có một số người dân đánh bắt chuyên nghiệp thu nhập được cả trăm nghìn đồng/ngày”, anh Trương Văn Nam, ở xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của người dân ở đây thì mỗi loại ngư cụ đều có cách đánh bắt riêng, ví như dùng lưới bén, rớ, lừ thì có thể đánh bắt cả ngày lẫn đêm nhưng dùng loại lưới đơm đáy trên sông thì phải vào buổi tối. Việc thả lưới bén phải tránh chỗ nước chảy xiết kẻo bị xe lưới nhưng đơm đó, đơm đáy lại cần chỗ nước chảy xiết mới có tác dụng. Thông thường việc đơm đáy, đó giữa lòng sông luôn cho hiệu quả kinh tế cao hơn việc đánh bắt bằng lưới bén, rớ trên những cánh đồng chiêm trũng. Bởi việc đơm đáy có thể thu được các loài cá, thủy sản từ thượng nguồn về như chình suối, cá leo, lấu, vược cùng một số loài thủy sản trôi ra từ ao, hồ nuôi ven sông (tôm, cua, cá) một cách hiệu quả.
Mùa lũ hàng năm ở Quảng Trị kéo dài không lâu như ở các nơi khác nhưng nó cũng đã đem lại nguồn thu nhập khá cao cho nhiều người dân làm nghề chài lưới.
Hiểm nguy rình rập
Đối với ngư dân chuyên đánh bắt trên sông và vùng trũng thì mùa lũ là mùa dễ làm ăn và có thu nhập cao nhất nhưng cũng là mùa nguy hiểm nhất. Khi mùa lũ về, chỉ với chiếc xuồng thúng, thuyền nan nhưng ngư dân vẫn bất chấp gió to, nước chảy xiết để ra giữa lòng sông đơm đáy, đơm đó, thả lừ mưu sinh. Vào mùa này, ngư dân có thể đánh bắt được gấp nhiều lần ngày thường với nhiều loài thủy sản có giá trị nên ai cũng muốn cho thuyền ra giữa dòng nước chảy xiết để làm nghề.
Không phải họ không biết những nguy hiểm rình rập nhưng vì “lộc trời” ban nên họ bất chấp hiểm nguy. Và cũng có những người chủ quan vì ở xứ sông nước, việc bơi lội đã thành thạo nên không đề phòng đuối nước. Vậy nhưng sức người có khi không thắng nổi sức mạnh dòng chảy của nước đổ về từ thượng nguồn nên đã xảy ra nhiều sự việc đau lòng. Thêm vào đó, việc đánh bắt thủy sản vào ban đêm trong mùa lũ đã khiến nhiều người phải đối mặt với những hiểm nguy khó lường. Ban đêm, thuyền dễ xảy ra va chạm nhau trên sông và nước nguồn đổ về bất thường có thể làm lật thuyền.
Ở vùng bãi ngang ven cửa biển đã từng xảy ra nhiều cái chết thương tâm bởi mưu sinh vào mùa lũ. Nhiều năm trước, người dân làm nghề chài lưới xung quanh nhánh sông Bến Hải và vùng biển Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) đã chứng kiến cảnh vật lộn của 2 cha con ông T. khi thuyền bị lật và rơi vào giữa dòng chảy. Họ vật lộn rồi chìm nghỉm trong dòng nước mặc dù mọi người nỗ lực ứng cứu. Năm 2011, ở xã Gio Việt (huyện Gio Linh) có trường hợp người vợ phải chứng kiến cái chết thương tâm của chồng mình trước mắt mà đành bất lực. Đó là hai vợ chồng làm nghề chài lưới trên sông Thạch Hãn vào mùa mưa bão, chẳng may thuyền bị chìm, người vợ bám được vào chiếc thuyền nên sống sót còn người chồng bị dòng nước chảy xiết nhấn chìm dẫn đến tử vong.
Tháng 11/2016, câu chuyện ông D.T.H (ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh) bị đuối nước khi đi đánh cá một mình trên sông vào mùa lũ khiến nhiều người dân trong vùng rất đau lòng. Thời điểm đó, nước sông đang dâng cao do ảnh hưởng của mưa lớn nhưng ông H. vẫn đi thả lưới đánh bắt cá, bất chấp nguy hiểm nên đã bị nước cuốn. Mới đây, trong cơn bão số 12 gây ảnh hưởng trên địa bàn, ông L.V.Q. (SN 1964), trú tại thôn Văn Quỹ, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng đã bất cẩn khi đi đánh cá và bị nước lũ cuốn trôi dẫn đến tử vong.
Mùa lũ luôn ẩn chứa những mối hiểm nguy rình rập nhưng trước nguồn thu khá lớn từ “lộc trời” ban nên ai cũng muốn xách ngư cụ ra sông, đầm phá để mưu sinh. Với họ, chỉ cần đánh bắt được vài con cá chình suối hay đôi ba con cá hanh, cá mú loại lớn là có được thu nhập khá. Số tiền đó sẽ giúp họ có thêm điều kiện để cải thiện cuộc sống gia đình và nuôi ước mơ đèn sách của con em mình...
Nhơn Bốn
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.