Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 12/06/2017
Ngày cập nhật:
15/6/2017
Đó là mục đích của hội thảo: "Xây dựng mối liên kết phát triển ngành tôm bền vững" do Hiệp hội tôm Mỹ Thanh phối hợp Chi cục Thủy sản Sóc Trăng vừa tổ chức tại Sóc Trăng. Đây cũng là nền tảng để ngành tôm phát triển và cán đích 10 tỉ USD xuất khẩu như kỳ vọng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận, qua kết quả sản xuất năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, ngành tôm có dấu hiệu khởi sắc. Kết quả này do ngành tôm ngày càng được Bộ và Chính phủ quan tâm nhiều hơn. Cụ thể là Chương trình xuất khẩu tôm 10 tỉ USD đến năm 2025 và quyết định ngành tôm được vay ngân hàng với lãi suất thấp hơn 0,5 - 1,5% của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mới đây là một minh chứng. Tuy nhiên, hiện cả nước chỉ có 2 hiệp hội tôm: Hiệp hội tôm Bình Thuận (tỉnh Bình Thuận) và Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (tỉnh Sóc Trăng). Điều này cho thấy việc liên kết và đầu tư cho phát triển ngành tôm chưa nhiều. Hiệp hội tôm Bình Thuận và Mỹ Thanh có kế hoạch ký kết, xây dựng bộ tiêu chí về giống để hội viên có nhu cầu có thể đăng ký, quan hệ mua bán. "Hợp tác là phải thiết thực và hiệu quả trong hiện tại lẫn tương lai để cùng tạo ra giá trị gia tăng cao chứ không phải để trục lợi lẫn nhau" - ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
Kiểm tra tôm thẻ nuôi ở Sóc Trăng.
PGS.TS. Trương Quốc Phú, Trưởng Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Mấu chốt của dịch bệnh trên tôm là do môi trường. Vì môi trường tốt sẽ rất ít có mầm bệnh và mầm bệnh nếu có cũng rất khó có điều kiện phát triển thành bệnh, dịch bệnh. Vì vậy, để nuôi tôm thành công, phải có thay đổi về quy trình nuôi từ "hở sang kín", nuôi 2 giai đoạn, nuôi kết hợp… Hay nói cách khác là nuôi không xả chất thải ra môi trường để hạn chế dịch bệnh và tình trạng lây lan. Vấn đề liên kết, theo PGS.TS. Trương Quốc Phú, hiệp hội cần tìm kiếm đối tác có uy tín để hợp tác, như: nhà khoa học, doanh nghiệp giống, thức ăn… đảm bảo khép kín chuỗi sản xuất và nhất là cần thống nhất chọn mô hình nuôi nào ít rủi ro nhất cho từng vùng.
Ông Mã Thanh Hồng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hòa Đê, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, khẳng định: Nuôi tôm không phải lúc nào cũng thắng. Bởi con tôm chịu tác động rất nhiều yếu tố. Trong đó, chất lượng con giống đang là vấn đề cần quan tâm. Ông Hồng đề nghị ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch con giống, vì hiện có một số đơn vị kinh doanh tôm giống xuống tận vùng nuôi khuyến mãi 30 - 40%, thậm chí là 100%, nhưng chất lượng thì chưa kiểm chứng được. Hiện có đơn vị liên kết với HTX cung ứng con giống cam kết bảo đảm lên đến 1 tháng, thậm chí trên 1 tháng nếu thiệt hại cũng có chính sách hỗ trợ. "Phải có mối liên kết chặt chẽ hơn về con giống và nên có kiểm tra nghiêm ngặt sản phẩm đầu vào để hạn chế sản phẩm trôi nổi" – ông Hồng kiến nghị.
Ông Mai Văn Đấu, Giám đốc HTX Toàn Thắng, thị xã Vĩnh Châu, nhận xét: "Người nuôi luôn chịu rủi ro, thiệt thòi nhiều nhất, kể cả khi trúng lẫn thất mùa. Nếu có liên kết sẽ dễ kiểm soát chất lượng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm vì suy cho cùng, phát triển ngành tôm bền vững chính là bảo đảm người nuôi tôm phải có lời".
Theo ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sóc Trăng (Stapimex), để ngành tôm phát triển bền vững, khâu quan trọng nhất là nuôi. Nếu nuôi tốt sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Ông Phẩm lý giải: "Bền vững là ngành nuôi tôm ổn định và đáp ứng kịp thời yêu cầu chất lượng, có giá thành cạnh tranh với các nước cung cấp tôm lớn trên thế giới. Khi đó, các nhà cung cấp đầu vào, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sẽ chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Phải có các liên kết. Việc liên kết không nên quá cứng nhắc, mà cần linh hoạt, đa dạng hơn, như: liên kết tay đôi, tay ba… trên cơ sở uy tín và lòng tin lẫn nhau".
Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, nhận định: Yêu cầu về liên kết của HTX, tổ hợp tác nuôi tôm hiện rất cao, nên các doanh nghiệp hãy cử người đến các HTX, tổ hợp tác để làm ăn và nên xem đây là nơi thể hiện cam kết của mình. Trong nuôi tôm, thành công không lặp lại do chúng ta chưa hiểu hết được nghề tôm. Vì vậy, mô hình nào cũng phải bổ sung nếu muốn giữ vững thành công.
Theo ông Võ Quan Huy, Hiệp hội tôm Mỹ Thanh mong muốn sẽ cùng với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đưa ra chương trình đánh giá sản phẩm để rút được kinh nghiệm, giới thiệu những gì tốt nhất cho nông dân, hoặc những gì nông dân đang làm tốt. Hằng tháng, hàng quý giới thiệu được 1 mô hình cho cộng đồng nuôi tôm trong và ngoài tỉnh. Từ đó tạo ra liên kết, học tập lẫn nhau, giúp chuỗi liên kết chặt chẽ, mạnh hơn.
Xuân Trường
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.