Nguồn tin: Fistenet, 19/01/2017
Ngày cập nhật:
20/1/2017
Theo kế hoạch kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong tôm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y trong sản xuất kinh doanh tôm.
Mấy năm gần đây, vì lợi nhuận trước mắt, những người sản xuất, tiêu thụ tôm ngày càng tinh vi hơn trong việc tổ chức các địa điểm thu mua và đưa tạp chất vào tôm để tăng trọng lượng, tăng kích cỡ. Trước tình trạng này, để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, Bộ NN&PTNT vừa ban hành Kế hoạch kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong tôm và ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm, sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất.
Mục tiêu, đến hết năm 2017 giảm 50% tỷ lệ mẫu tôm nuôi bị phát hiện vi phạm quy định về hóa chất kháng sinh so với năm 2016; Giảm 50% số lô tôm xuất khẩu vào các thị trường bị cơ quan thẩm quyền Việt Nam và nước nhập khẩu cảnh báo về tồn dư hóa chất kháng sinh so với năm 2016.
Về kiểm soát ngăn chặn tạp chất trong tôm, đến hết 2017, 100% cơ sở nuôi tôm, cơ sở thu mua, chế biến tại địa bàn 4 tỉnh trọng điểm (Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang) ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ, không mua tôm tạp chất. Kịp thời thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất kinh doanh tôm có dấu hiệu đưa tạp chất vào tôm hoặc sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất.
Kế hoạch cũng nêu rõ, đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y trong sản xuất kinh doanh tôm.
Để kế hoạch trên đạt hiệu quả, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân nuôi tôm không sử dụng chất cấm, kháng sinh nguyên liệu, không lạm dụng thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường; tổ chức ký cam kết không bán chất cấm, kháng sinh nguyên liệu cho nuôi trồng thủy sản đối với các cơ sở buôn bán thuốc thú y.
Yêu cầu các doanh nghiệp sơ chế, chế biến, xuất khẩu tôm tuân thủ đầy đủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, sản phẩm tôm; chấp hành nghiêm túc các quy định về kiểm soát tồn dư hóa chất, kháng sinh; chủ động kiểm soát chặt chẽ mối nguy an toàn thực phẩm trong chương trình quản lý chất lượng, đặc biệt là các mối nguy hóa chất kháng sinh theo quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu.
Bộ NN&PTNT cũng giao Cục Thú y phối hợp với các đơn vị thuộc ngành y tế, công thương kiểm soát chặt chẽ hóa chất kháng sinh nhập khẩu sử dụng trong y tế, công nghiệp nhưng bị cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản.
Giao Thanh tra Bộ NN&PTNT, Cục Thú y, Sở NN&PTNT các địa phương tổ chức thu thập thông tin, điều tra, triệt phá dứt điểm, xử lý nghiêm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y ngoài danh mục được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
Thu Hiền
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.