Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 18/06/2017
Ngày cập nhật:
19/6/2017
Nuôi artemia và làm muối là nghề truyền thống đặc trưng của nông dân ven biển TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Nhưng khi việc sản xuất muối bấp bênh, thu nhập của diêm dân không ổn định thì việc nuôi artemia là nghề nuôi được nhiều người dân lựa chọn.
Trứng artemia ngoài đặc điểm có chất dinh dưỡng cao, còn có lợi thế so sánh rất lớn về kích thước và giai đoạn ấu trùng nhỏ, hàm lượng acid béo không no cao, thích hợp cho sự bắt mồi và phát triển của ấu trùng tôm, cá, cua để đạt tỷ lệ sống cao. Điều hấp dẫn người dân đến với nghề nuôi artemia đem về nguồn thu nhập lớn, mặc dù artemia khó nuôi, đòi hỏi phải có tay nghề kỹ thuật và sự siêng năng, chăm chỉ trong quá trình nuôi ao và tạo nên thành phẩm.
Bể nuôi con giống bố mẹ artemia.
PGS.TS Nguyễn Văn Hòa - Trưởng Bộ môn kỹ thuật nuôi hải sản, Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: “Tôi và các đồng nghiệp đã di nhập artemia từ Mỹ về nuôi thử nghiệm tại Vĩnh Châu hơn 30 năm trước và nhận thấy artemia có rất nhiều loài và hàm lượng dinh dưỡng theo loài cũng khác nhau nhưng qua sự tư vấn của nhiều nhà khoa học, tôi đã chọn loại artemia có thể thích ứng với điều kiện khí hậu tại vùng đất ven biển Vĩnh Châu”.
Cũng theo thông tin từ PGS.TS Nguyễn Văn Hòa, phải mất hơn 2 năm nuôi và áp dụng nhiều kỹ thuật thuần dưỡng, artemia sau thời gian nuôi loại trừ mới thích nghi với vùng đất mới. Bản thân artemia bơi lội chậm nên chúng không thể sống ngoài tự nhiên, vì sẽ bị các loài thủy sản khác tấn công và nó có hàm lượng chất đạm cao, rất cần thiết cho nuôi vỗ giống thủy sản bố mẹ và các loài ấu trùng tôm, cá, cua trong quá trình sản xuất giống. Đồng thời, để việc nuôi thủy sản thành công phụ thuộc rất nhiều vào trứng artemia và sản lượng trứng cần làm thức ăn thủy sản khoảng 500 tấn/năm mới đáp ứng được nhu cầu sản xuất giống.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hòa để nuôi artemia thành công trên ruộng muối, cần có các mô hình cần thiết, như: xây dựng ao nuôi, cung cấp nước, hệ thống nuôi ao, cho ăn… Kể cả khâu chế biến, kiểm tra chất lượng đóng lon mới hoàn chỉnh quy trình.
Trao đổi với chúng tôi, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu Đinh Hoàng Vũ chia sẻ: “Tôi là một trong những người đến với nghề nuôi artemia khá sớm và artemia đã đem về nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, cải thiện cuộc sống không chỉ riêng gia đình tôi mà còn nhiều hộ dân theo nghề. Trải qua thời gian dài, nghề nuôi artemia phát triển mạnh, địa phương đã khuyến khích nông dân liên kết lại thành lập Hợp tác xã Artemia vào năm 2011 và kết hợp các HTX vừa nuôi artemia vừa làm muối thành liên minh HTX, tổng diện tích nuôi 600ha, có 362 thành viên tham gia. Riêng tại Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu có tổng diện tích là 60ha, chỉ chuyên canh nuôi artemia với 13 thành viên”.
Hiện nay, ngoài việc trực tiếp nuôi artemia tại hộ gia đình, nhiệm vụ của HTX còn cung ứng con giống, tạm ứng kinh phí trong suốt quá trình sản xuất của thành viên và thu mua trứng artemia sau thu hoạch, đem về chế biến, đóng gói xuất bán trên thị trường. Ông Đinh Hoàng Vũ thông tin thêm: “Artemia chỉ nuôi được vào những tháng mùa khô (tháng 11 âm lịch đến tháng 5 âm lịch năm sau), sản lượng bình quân ước 60kg trứng tươi/1ha. Tuy nhiên, vụ nuôi năm 2017, tình hình nuôi artemia gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng thời tiết, năng suất giảm chỉ còn 20kg trứng tươi/1ha, đa số người nuôi bị thua lỗ. Nếu như những năm trước, sản phẩm trứng artemia bán quanh năm thì hiện tại không có hàng cung ứng cho các trại giống”.
Ông Đinh Hoàng Vũ cho biết thêm: “Các thành viên trong HTX đều có đời sống ổn định nhờ nuôi artemia và đây là một loài thủy sản đặc biệt dành làm thức ăn cho các loại ấu trùng tôm, cua, cá tại các trại sản xuất giống và hiện tại nhu cầu sản xuất con giống rất lớn nên nhiều hộ muốn mở rộng thêm diện tích nuôi. Bên cạnh đó, trứng artemia tăng liên tục, nếu như năm 2010, trứng tươi ở ngưỡng 600.000 đồng/kg thì hiện tại trứng tươi lên tới 1,1 triệu đồng/kg và tính bài toán lợi nhuận 1ha gặp vụ mùa thuận lợi khoảng 60kg/ha, trừ các khoản chi phí người dân bỏ túi vài trăm triệu đồng/ha.
Phó Chủ tịch UBND TX. Vĩnh Châu Nguyễn Chí Công cho biết: “Xét về góc độ kinh tế, artemia là loài thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao, khi PGS.TS Nguyễn Văn Hòa đem con giống về Vĩnh Châu nuôi thử nghiệm, địa phương rất ủng hộ và luôn theo sát tình hình sinh trưởng phát triển của loài thủy sản mới. Ban đầu diện tích nuôi ở mức thử nghiệm nhỏ lẻ và sau quá trình nghiên cứu thành công, người dân bắt tay vào nuôi nên diện tích tăng theo từng năm từ 300ha đến 400ha và hiện tại đã là 650ha, sản lượng hàng năm dao động từ 20 tấn đến 30 tấn và ngoài diện tích đang nuôi trên, địa phương còn phần diện tích đất gần 1.500ha đủ điều kiện sản xuất muối, nuôi artemia và thủy sản. Dự kiến trong năm 2018, diện tích nuôi artemia mở rộng thêm 200ha và hướng đến năm 2020 chúng tôi quy hoạch vùng nuôi artemia lên 1.000ha nhằm tạo vùng nguyên liệu ổn định cung ứng thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, việc mở mới diện tích nuôi cũng nhằm mục đích tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế tại một số xã còn gặp nhiều khó khăn”.
Với những lợi thế nêu trên, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp UBND TX. Vĩnh Châu làm thủ tục gởi đến Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về Dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm trứng bào xác artemia là cơ hội để trứng artemia nâng cao giá trị trên thị trường trong nước và kể cả việc xuất khẩu. Lợi thế đấy sẽ tạo cơ hội cho người dân tăng thu nhập cao hơn và trứng artemia sẽ được người sản xuất con giống biết đến nhiều hơn.
Thúy Liễu
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.