Nguồn tin: Báo An Giang, 19/06/2017
Ngày cập nhật:
20/6/2017
Hàng năm, sau Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) là nước bắt đầu “quây”, những dòng phù sa ngầu đục từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về vùng đầu nguồn An Phú, Tân Châu (An Giang). Đây là lúc ngư dân tất bật sắm sửa ngư cụ để chuẩn bị cho việc mưu sinh mùa nước nổi.
Nhộn nhịp xóm câu lưới
Về ấp Phú Lợi (xã Phú Hữu, An Phú) trong những ngày này sẽ cảm nhận được không khí nhộn nhịp của xóm câu lưới đang sắp sửa vào mùa vụ. Tuy mùa lũ bây giờ không còn hào phóng như xưa nhưng thu nhập từ nghề câu lưới của người dân vùng này vẫn còn “khấm khá” hơn so những nơi khác. Bởi, nơi đây nằm sát bờ kênh Bảy Xã, phía bên kia là cánh đồng của nước bạn Campuchia nên tôm, cá rất dồi dào. Chỉ vài năm trước, mỗi khi lũ về, ngư dân chỉ cần đặt vài cái lú dưới dòng kênh có thể kiếm được chục ký cá, tôm mỗi ngày. Chính vì thế, ngư dân tập trung về đây khai thác thủy sản rất đông, hầu hết là dân câu lưới, đặt lú, dớn, lọp cá linh, lọp cua… suốt mùa lũ.
Chở tôi đi thăm mấy miệng lú vừa mới đặt tối hôm trước, chú ba Hùng, người có gần 30 năm gắn bó với nghề câu lưới ở đây, cho biết: “Lũ mỗi ngày mỗi ít dần, nên cá, tôm không còn bao nhiêu. Do thu nhập bấp bênh nên nhiều người sống nghề câu lưới đã bỏ đi nơi khác làm ăn. Mình trót gắn bó với nghề “bà cậu”, hơn nữa tuổi cao nên cũng ráng giữ nghề, tuy thu nhập không bao nhiêu nhưng cũng đủ nuôi gia đình. Đó là niềm vui trên sông nước”.
Ngồi trên xuồng máy chạy êm êm, chốc chốc chú ba Hùng lại tấp vào mé kênh để thăm lú. Thu hoạch hôm nay từ 6 miệng lú mang về cho chú ba Hùng gần chục ký cá, tôm, đủ ăn cho cả nhà và còn dư để mang ra chợ bán.
Tư Dững, gần 60 tuổi nhưng ông rất rắn rỏi với nghề sông nước, tự tay vót tre làm trụ, bện hom, uốn vành, đan lưới… làm lú đặt cá, tôm. Để chuẩn bị cho mùa nước nổi, năm nay ông tư Dững sắm gần chục miệng lú với chi phí hơn chục triệu đồng. “Nước mới bắt đầu “quây” nhưng khả năng năm nay nước lũ sẽ cao hơn năm trước. Nếu cứ đà này thì dân câu lưới năm nay dễ kiếm ăn hơn”- ông tư Dững hy vọng.
Thăng trầm nghề lọp
Sản vật gắn liền với mùa nước nổi ở miền Tây là con cá linh. Để có được đặc sản này, ngư dân có rất nhiều cách bắt khác nhau, nào là đặt dớn, đặt lú, giăng lưới… nhưng thú vị hơn có lẽ là đặt lọp. Đầu mùa lũ hàng năm, xóm làm lọp cá linh ở cồn Cóc (xã Phước Hưng, An Phú) nhộn nhịp hơn hẳn. Hầu như nhà nào cũng làm nghề này, người làm ít thì đặt kiếm ăn, người có tay nghề thì làm để bán cho ngư dân khắp nơi. Chú út Tòng là người có nhiều kinh nghiệm làm lọp cá linh ở cồn Cóc, chia sẻ: “Hồi trước, mỗi năm ở xóm làm mấy chục ngàn cái lọp, không chỉ bán cho bà con trong huyện mà còn bán cho các tỉnh và bên Campuchia cũng xuống mua. Thấy ham lắm! Mỗi khi có khách đặt hàng là bà con trong xóm chia nhau cùng làm, chừng nào đủ số lượng thì gọi điện họ tới nhận… Mấy năm nay nước lũ ít dần, cá linh không còn nhiều, người ta mua ít nên mỗi năm chỉ làm vài ngàn cái”- ông út Tòng buồn bã cho biết!
Xuôi về Vĩnh Hội Đông, xã biên giới của huyện đầu nguồn An Phú, tiếp giáp với cánh đồng xã Pung Săng, huyện Borey Cholsa (Tà Keo, Campuchia) từ lâu nổi tiếng với nghề làm và đặt lọp cua đồng. Con cua đồng từ Vĩnh Hội Đông có mặt ở hầu hết các chợ trong tỉnh, trong vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, ngư dân hiện nay không còn “mặn mà” với nghề đặt lọp cua đồng nữa, do lượng cua đồng ngày càng ít so với trước. Nếu trước đây, toàn xã Vĩnh Hội Đông có hơn 100 hộ dân chuyên sống bằng nghề đan và đặt lọp cua đồng thì hiện nay chỉ còn hơn 30 hộ. Ông Huỳnh Công Phương, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Đa số bà con ở đây phải chạy đồng xa hoặc qua Campuchia thuê đồng đặt cua. Giá thuê đồng tăng lên hàng năm, mà lượng cua tự nhiên ngày càng ít nên bà con chuyển đổi nghề khác để mưu sinh”.
Chuẩn bị vào mùa lũ, ngư dân vùng đầu nguồn với nhiều tâm thế khác nhau. Với bản tính cần cù, chịu khó, người nông dân luôn linh hoạt tìm kiếm những phương thức mưu sinh, tận dụng lợi thế mùa nước nổi để cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho gia đình.
Đến nay, An Phú đã sẵn sàng cho công tác phòng, chống lụt bão, bảo vệ cơ sở hạ tầng, đảm bảo diện tích sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Huyện chủ động tổ chức đưa rước học sinh, dạy bơi cho trẻ và lập nhiều điểm giữ trẻ trong mùa lũ. Đồng thời, khẩn trương tu sửa đê bao, cầu đường bị hư hỏng; tăng cường tuyên truyền người dân chằng, chống nhà cửa, rà soát các hộ dân có nguy cơ sạt lở để có phương án xử lý kịp thời nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.
Hữu Huynh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.