Nguồn tin: Báo Nam Định, 19/01/2017
Ngày cập nhật:
21/1/2017
Theo kế hoạch năm 2017, tỉnh Nam Định phấn đấu nuôi thủy sản trên diện tích 16.090ha với tổng sản lượng nuôi đạt 87.480 tấn. Để thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra, ngay từ những ngày đầu năm, bà con đang tích cực cải tạo ao, đầm, lấy nước và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho vụ nuôi mới.
Về các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Hải, Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng), chúng tôi được chứng kiến không khí lao động khẩn trương của người nuôi thủy sản. Anh Nguyễn Văn Liêm, xóm Cồn Tròn, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) chia sẻ: “Vụ 1 năm nay, tôi nuôi thả trên 1,5ha ao, đầm, chủ yếu vẫn là con tôm thẻ chân trắng. Kinh nghiệm qua nhiều năm nuôi tôm thẻ chân trắng thành công của tôi cho thấy phải chuẩn bị tốt tất cả các khâu như cải tạo ao đầm, chọn giống, thả nuôi và chủ động phòng chống dịch bệnh cho đối tượng nuôi. Theo ý kiến cá nhân tôi, khâu cải tạo ao đầm là vô cùng quan trọng. Nếu cải tạo và chuẩn bị ao nuôi tốt sẽ tạo môi trường thuận lợi cho tôm khi mới thả giống, hạn chế được mầm bệnh, đặc biệt là đối với những ao nuôi nhiều vụ trong năm”. Chính vì vậy nên ngay sau khi thu hoạch vụ 2 của năm ngoái, anh Liêm đã tập trung cải tạo ao đầm, tháo nước kết hợp bơm, sục đáy sau đó bón vôi bột. Đến nay, công tác cải tạo ao đầm đã cơ bản hoàn thành. Nhiều hộ nuôi khác cũng đang tập trung lấy nước, xử lý nước theo yêu cầu kỹ thuật. Bà Nguyễn Thị Trang, xã Hải Lý (Hải Hậu) cũng đang tất bật chuẩn bị các điều kiện tốt cho vụ nuôi mới. Năm 2016, bà rất phấn khởi khi được Trung tâm Dạy nghề và Chuyển giao công nghệ Vacvina đầu tư cho thức ăn và con giống tôm thẻ chân trắng nuôi theo tiêu chuẩn VietGap. Với diện tích 4.000m2 nuôi theo quy trình mới, năm vừa qua, hộ bà Trang đạt được hiệu quả kinh tế cao, trừ chi phí cho lãi trên 200 triệu đồng. Trước những kết quả đã đạt được, có thêm vốn, gia đình bà lại tiếp tục mở rộng diện tích nuôi thả. Ngay sau khi thu hoạch hết tôm, bà Trang tiến hành cải tạo ao, đầm, nạo vét đáy ao cho sạch lớp bùn cặn là nơi chứa nhiều chất độc hại, chất thải, mầm bệnh. Bà cho biết, con giống cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi của vụ nuôi nên không được chủ quan, cẩu thả, phải mua giống ở địa chỉ uy tín, lựa chọn những con giống phải khỏe mạnh, không bị bệnh. Tại một số địa phương khác như Giao Thiện, Giao Phong (Giao Thủy), nhiều hộ nuôi còn huy động máy móc, thiết bị có công suất lớn để đào đắp, cải tạo ao đầm, phấn đấu đạt thắng lợi trong vụ nuôi năm nay. Hay tại vùng nuôi ngao hơn 100ha của xã Giao Lạc (Giao Thủy), các hộ nuôi cũng đang dọn dẹp vệ sinh môi trường nuôi, làm sạch cọc, lưới, đảo cát để lưu thông dòng chảy cho ngao và xử lý các mầm mống gây bệnh.
Nông dân xã Giao Thiện (Giao Thủy) cải tạo đầm nuôi tôm để chuẩn bị cho vụ nuôi mới.
Không chỉ tại các vùng nuôi thủy sản nước mặn, lợ mà tại các vùng nuôi thủy sản nước ngọt người dân cũng đang sôi nổi, khẩn trương chuẩn bị cho vụ nuôi thả mới. Ông Ngô Văn Say, thôn Bàn Kết, xã Tân Khánh (Vụ Bản) chuyên nuôi cá trắm đen. Năm vừa qua, gia đình ông thu hoạch được trên 10 tấn cá. Phấn khởi trước những kết quả đạt được, ngay sau khi thu hoạch hết cá, ông Say đã tập trung nhân lực để cải tạo ao, vét bùn đáy ao, đắp lại bờ, khử trùng bằng vôi bột, lấy nước và chuẩn bị con giống, thức ăn để bắt đầu thả vụ mới. Ông hy vọng trong năm 2017, nuôi thủy sản tiếp tục thuận lợi và mang lại hiệu quả cao cho người dân. Đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Để đạt được những mục tiêu đã đề ra cho năm 2017, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với địa phương trong tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc bà con nông dân tiến hành cải tạo, vệ sinh ao đầm, kênh mương, dùng vôi bột để khử trùng… Đến nay, công tác cải tạo ao đầm đang được người nuôi triển khai tích cực”. Về con giống, để đảm bảo chất lượng và mục tiêu đã đề ra, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, Chi cục Thú y phối hợp với Phòng NN và PTNT của các địa phương trong tỉnh tổ chức, kiểm tra, rà soát chất lượng các cơ sở cung ứng giống và nhu cầu giống thủy sản các loại để có kế hoạch sản xuất và quản lý chặt chẽ việc nhập giống đảm bảo con giống từ nguồn cung ngoại tỉnh có chất lượng tốt và nguồn gốc rõ ràng. Những ngày đầu năm, 115 cơ sở sản xuất giống hải sản mặn lợ và 22 cơ sở sản xuất giống thủy sản nước ngọt trên địa bàn toàn tỉnh đã rà soát nhu cầu giống, xây dựng kế hoạch sản xuất cung ứng, tập trung chăm sóc, nuôi vỗ đàn cá bố mẹ đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn và khuyến khích các địa phương cũng như người nuôi tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Chi cục Thủy sản sẽ có những hướng dẫn, chỉ đạo nuôi theo quy hoạch đã được phê duyệt, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật; tập trung phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao; làm tốt công tác quản lý sản xuất và cung ứng giống thủy sản.
Trước mắt, Chi cục Thủy sản tiếp tục chỉ đạo các địa phương đôn đốc, hướng dẫn người nuôi thủy sản hoàn thiện công tác cải tạo ao, đầm, chọn con giống đảm bảo chất lượng, áp dụng nuôi thả đúng quy trình kỹ thuật bảo đảm điều kiện để đạt hiệu quả kinh tế cao trong vụ nuôi đầu tiên của năm./.
Thanh Hoa
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.