Nguồn tin: Báo Bình Định, 23/06/2017
Ngày cập nhật:
26/6/2017
Sau chục năm, người nuôi tôm ở các xã khu Ðông huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định mới được hưởng trọn niềm vui tôm nuôi được mùa, được giá. Về các vùng nuôi tôm thuộc thôn Ðông Ðiền - xã Phước Thắng và thôn Vinh Quang 2 - xã Phước Sơn, đi đến đâu, chúng tôi cũng thấy nụ cười trên gương mặt của bà con nuôi tôm.
Nuôi tôm theo hướng thân thiện môi trường tại thôn Kim Đông, xã Phước Hòa (Tuy Phước). Ảnh: Nguyễn Hân
Lãi hàng trăm triệu đồng/ha
Ông Phạm Quang Ân, Phó Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: Bước vào vụ nuôi tôm năm 2017, người dân ở các xã ven đê khu Đông gặp nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề của các đợt mưa lũ lớn cuối năm 2016 gây ra. Hầu hết các vùng nuôi tôm bị thiệt hại đáng kể, nhất là cơ sở hạ tầng vùng nuôi, ao nuôi bị sạt lở nghiêm trọng.
Tuy nhiên, được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của ngành Nông nghiệp tỉnh, UBND huyện cùng chính quyền các xã đã giúp bà con nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, cải tạo ao nuôi kịp thời để bước vào vụ nuôi tôm mới.
Trong vụ 1.2017, toàn huyện có trên 971 ha mặt nước đưa vào nuôi tôm, trong đó có 100 ha nuôi theo phương thức bán thâm canh, còn lại nuôi quảng canh cải tiến, đánh tỉa thả bù. Đến thời điểm này, bà con đã thu hoạch trên 95% diện tích với năng suất bình quân đạt gần 8 tạ/ha, sản lượng đạt 771 tấn. Đáng chú ý là trên diện tích nuôi bán thâm canh, năng suất tôm đạt bình quân 4,2 tấn/ha, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Ông Phan Văn Chạy, nuôi tôm ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng, thả nuôi 2 ao với diện tích gần 1 ha, phấn khởi cho biết: “Tôi đã thu hoạch xong, năng suất đạt 4,5 tấn tôm thẻ chân trắng, bán được gần 500 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí về con giống, thức ăn, tôi còn lãi 300 triệu đồng. Đây là vụ tôm trúng lớn nhất từ trong 10 năm trở lại đây của gia đình tôi”.
Chung niềm vui còn có ông Phạm Ngọc Binh, cũng nuôi tôm ở thôn Đông Điền. “Vụ này tôi nuôi 1 ao với diện tích hơn 4.000m2, thu hoạch được 2,2 tấn tôm, lãi 130 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với năm ngoái. Năm nay, tôm nuôi ở đây trúng mùa, lại được giá nên hầu như các hộ nuôi đều có lãi cao” - ông Binh hồ hởi cho hay.
Theo ông Binh, để nuôi tôm thành công phải chú trọng 4 yếu tố: “Nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ quản”. Con giống phải được mua ở những doanh nghiệp sản xuất giống uy tín, chất lượng, được kiểm dịch và sàng lọc bệnh kỹ càng. Tiếp đến là về môi trường, không chỉ xử lý ao đìa tốt, mà phải theo dõi thường xuyên nguồn nước trong ao nuôi, có biện pháp xử lý kịp thời. Thứ nữa là “mồi”, cần cân đối nguồn thức ăn đảm bảo đủ dưỡng chất theo từng tuổi tôm, không được để thức ăn dư thừa gây ảnh hưởng đến môi trường ao nuôi. Yếu tố thứ tư là quản lý, người nuôi phải có hiểu biết về quy trình, kỹ thuật nuôi và phải theo dõi thường xuyên ao nuôi của mình; nhất là có tính cộng đồng cao trong nuôi tôm”.
Bên cạnh được mùa, giá tôm năm nay cũng tăng từ 10 - 15% so với mọi năm. Hiện, tôm thẻ chân trắng giá bình quân từ 95.000 - 110 ngàn đồng/kg (loại từ 80 - 100 con/kg); tôm sú giá 240 - 260 ngàn đồng/kg (25 - 30 con/kg).
Ðề cao ý thức cộng đồng trong nuôi tôm
Theo ông Phạm Quang Ân, vụ tôm năm nay trúng lớn là nhờ người nuôi tôm tuân thủ chặt chẽ các giải pháp kỹ thuật và lịch thời vụ thả tôm của ngành Nông nghiệp tỉnh. Tại các vùng nuôi tôm tập trung, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu nuôi tôm tại địa phương. Mô hình nuôi tôm cộng đồng cũng được người dân thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Tại hầu hết các vùng nuôi tôm bán thâm canh, quảng canh cải tiến trên địa bàn huyện đều thành lập các tổ, chi hội nuôi tôm cộng đồng với mục đích hợp tác, hỗ trợ nhau về vốn và kinh nghiệm, cùng nhau bảo vệ môi trường, ngăn ngừa, xử lý dịch bệnh.
Đáng ghi nhận trong vụ nuôi tôm năm nay, Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã hỗ trợ vốn, con giống, kỹ thuật giúp một số vùng nuôi tôm ở Tuy Phước xây dựng mô hình nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học có sự tham gia quản lý dịch bệnh của cộng đồng. Qua thực hiện mô hình nuôi tôm an toàn sinh học trên diện tích 23,5 ha mặt nước (45 hộ tham gia) tại thôn Đông Điền, xã Phước Thắng cho thấy, nhờ kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng với nuôi cá rô phi đã mang lại năng suất tôm bình quân 4,2 tấn/ha, lợi nhuận trên 200 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi tôm sú kết hợp cá chua theo hướng thân thiện môi trường với quy mô 19,5 ha (18 hộ tham gia) ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, năng suất tôm đạt 700 kg/ha, lợi nhuận trên 60 triệu đồng/ha.
Ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: Qua kết quả thành công trong vụ nuôi tôm vừa qua, huyện đang tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm các mô hình nuôi tôm an toàn sinh học có sự tham gia quản lý của cộng đồng để nhân ra diện rộng. Đồng thời, huyện cũng đang kêu gọi, vận động các doanh nghiệp phối hợp xây dựng các “cánh đồng mẫu lớn” trong nuôi tôm theo mô hình liên kết chuỗi, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa tại địa phương. Huyện cũng đã yêu cầu chính quyền các xã ven đê Đông chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bước vào vụ nuôi tôm thứ 2 trong năm, bắt đầu xuống giống từ đầu tháng 7 tới.
Nguyễn Hân
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.