Nguồn tin: Báo Lào Cai, 26/06/2017
Ngày cập nhật:
27/6/2017
Thời gian qua, tình trạng người dân sử dụng một số phương thức đánh bắt cá mang tính tận diệt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản quý trên sông Chảy.
Sau nhiều lần nhờ người quen giúp, cuối cùng anh Cổ Văn H, ở xã Tân Dương (Bảo Yên, Lào Cai), người chuyên hành nghề bắt cá bằng xung điện trên sông Chảy đã đồng ý để chúng tôi lên thuyền “học nghề”. Anh H bảo: “Nghề này nguy hiểm lắm, học làm gì cho khổ. Chỉ cần sơ suất là điện giật mất mạng”. Nói rồi, anh H cùng với em trai là Cổ Văn Q nổ máy cho thuyền chạy chậm dọc theo sông. Trên đầu thuyền, anh Q đeo trên lưng chiếc ắc quy đã sạc “no” điện cùng với bộ kích trên hai cây sào dai khoảng 3 mét, có gắn hai cực của dòng điện từ ắc quy, liên hồi thọc xuống mặt sông. Cuối thuyền, anh H một tay lái thuyền, tay kia cầm vợt để vớt cá một cách điêu luyện. Cứ như vậy, chỉ trong nửa tiếng, hai anh em H đã bắt được gần 1 kg cá, tôm đủ kích cỡ. Mọi việc diễn ra rất suôn sẻ vì anh H đi đến đâu cũng có mối quen giúp canh chừng, thấy có bóng dáng của người nghi là cơ quan chức năng sẽ gọi điện thông báo để tấp thuyền vào chỗ ẩn nấp.
Đánh bắt cá bằng xung điện trên sông Chảy.
Theo chia sẻ của anh H, đồ “hành nghề” của anh thuộc loại mi ni được mua với giá 2,5 triệu đồng tại một cửa hàng bán thiết bị điện khí ngay thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên), gồm một ắc quy điện áp 12V, một bộ kích điện. Anh H bảo, loại lớn có giá tới hơn 10 triệu đồng, diện tích bắt cá tới hơn 10 m2 mặt nước mỗi lần kích điện. Với những bộ kích điện này, chỉ cần sục hai thanh sào gắn điện xuống mặt nước, dù cá có trốn ở mọi ngóc ngách cũng bị tê liệt và lập tức nổi lên khỏi mặt nước. Sau khi vớt lên thuyền, cá được cho vào thùng xốp ướp đá để bảo quản. Cứ thu hoạch được khoảng 5 kg, cá sẽ được chuyển lên bờ để mang đi tiêu thụ. Nếu hoạt động hết công suất, mỗi thuyền bắt cá bằng xung điện ở đây có thể có nguồn thu từ 500.000 - 700.000 đồng/ngày. Chỉ riêng địa bàn xã Tân Dương (Bảo Yên), hiện có hàng chục thuyền bắt cá theo cách như thế.
Tại Lào Cai, sông Chảy chảy qua địa phận các huyện Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà và Bảo Yên. Từ nhiều đời nay, sông Chảy mang lại nguồn thủy sản phong phú cho người dân sống hai bên bờ, trong đó phải kể đến các loại cá quý như chiên, bỗng, nheo, lăng, quất… Kết quả khảo sát của các cơ quan chuyên môn cho thấy, hiện nguồn lợi thủy sản trên sông Chảy đang giảm mạnh, nguyên nhân chính là do nhiều người dân đánh bắt cá bằng xung điện.
Anh Nguyễn Văn Tr, thôn Bản Mẹt Trong, xã Bảo Nhai (Bắc Hà) từ nhỏ đã theo nghề đánh bắt cá. Theo anh Tr, trước đây, chỉ cần thả lưới, quăng chài cũng bắt được cá ngon như chiên, quả, chép… Thời điểm ấy, người dân thống nhất chỉ bắt cá to, không lấy cá nhỏ, cá có trứng. Vào mùa cá sinh sản, các loại cá trên sông thường ngược dòng bơi vào những con suối có nước chảy siết hơn để đẻ trứng, người dân luôn hạn chế đánh bắt ở những khu vực này để giữ nguồn lợi cho tương lai. “Nhưng bây giờ thì ngược lại, cá căng bụng trứng bán được giá cao, nên người ta bắt hết”, anh Tr cho biết thêm.
Các loại cá ở sông Chảy rất được ưa chuộng trên thị trường.
Nhu cầu sử dụng các loại cá tự nhiên trên thị trường vẫn tiếp tục gia tăng trong những năm gần đây, nên nguy cơ nguồn lợi thủy sản tại sông Chảy bị tận diệt ngày càng rõ hơn. Ông Phạm Văn Quảng, Trưởng phòng Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Hình thức khai thác bằng xung điện cao tần đang ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái, không chỉ đối với cá, mà còn gây hại cả những loài thủy sản khác. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý hiện tượng này gặp nhiều khó khăn, bởi các lực lượng chức năng hiện chưa được hỗ trợ phương tiện hoạt động đường thủy, các đối tượng đánh bắt cá thường hoạt động ở khu vực giáp ranh và liên tục di chuyển khiến việc quản lý rất khó. Trước mắt, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nêu cao ý thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở với nạn đánh bắt thủy sản tận diệt là điều cần sớm được triển khai.
Ba Zin - Thúy Phượng
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.