Nguồn tin: Kiên Giang, 27/06/2017
Ngày cập nhật:
28/6/2017
Góp phần vào mục tiêu của cả nước đến năm 2025, xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 10 tỷ USD, tỉnh Kiên Giang đầu tư nuôi tôm theo hướng sản xuất hàng hóa để tạo nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng cao phục vụ chế biến xuất khẩu. Qua đó, tạo dựng những vùng nuôi tôm ổn định, hợp lý dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn sản xuất, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng lên đời sống nông dân.
Nuôi tôm công nghiệp ở huyện Kiên Lương (Kiên Giang).
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Kiên Giang đến năm 2020 và hướng đến năm 2030, tỉnh phát triển nuôi tôm thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị và bền vững. Phấn đấu năm 2020, đạt sản lượng 80.000 tấn tôm nuôi và năm 2030 là 100.000 tấn phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Kiên Giang đã quy hoạch các vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm tổng diện tích hơn 104.000 ha với các loại hình nuôi tôm công nghiệp, tôm - lúa và quảng canh cải tiến.
Theo đó, dựa vào lợi thế về điều kiện tự nhiên, tỉnh Kiên Giang đầu tư nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp ở vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng, với diện tích 5.000 ha, trong đó vùng Tứ giác Long Xuyên 4.700 ha; tổng sản lượng 43.650 tấn. Tỉnh phát triển vùng nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp này theo hướng hiện đại và bền vững, nâng cao nhận thức của người sản xuất trong bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và ý thức trách nhiệm trong cộng đồng. Tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào nghề nuôi tôm.
Tỉnh huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư phát triển nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp. Áp dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng tôm, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái. Chú trọng những mô hình ứng dụng công nghệ cao hiệu quả, sản xuất ra khối lượng hàng hóa lớn đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho xuất khẩu. Tổ chức chuỗi liên kết hợp tác trong quá trình sản xuất từ khâu canh tác, cung ứng vật tư đầu vào đến nuôi thương phẩm và tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng thương hiệu “Tôm Kiên Giang” giới thiệu, quảng bá trên thị trường trong nước và thế giới.
Nuôi tôm công nghiệp ở huyện Kiên Lương (Kiên Giang).
Ngoài việc tổ chức lại sản xuất, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm, xây dựng hệ thống thủy lợi, điện 3 pha, tỉnh đầu tư sản xuất con giống chất lượng cao để đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho nuôi tôm công nghiệp. Xây dựng 02 trạm kiểm dịch, quan trắc, cảnh báo môi trường dịch bệnh trên tôm nuôi ở vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng.
Cùng với đó, sản xuất lúa - tôm quy hoạch phát triển ở vùng U Minh Thượng, một phần của huyện Hòn Đất và Kiên Lương thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên, đến năm 2020 ổn định diện tích 80.000 ha, sản lượng hơn 30.550 tấn.
Ngoài ra, quy hoạch phát triển nuôi tôm quảng canh cải tiến 19.325 ha, sản lượng khoảng 5.800 tấn, phân bổ ở thị xã Hà Tiên và các huyện Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng. Tiếp đến, phát triển nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa hơn 5.000 ha ở hai huyện Vĩnh Thuận và U Minh Thượng.
Tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hệ thống thủy lợi phục vụ các loại hình nuôi tôm vùng quy hoạch, nhất là thủy lợi đa mục tiêu, vừa phục vụ trồng lúa, vừa phục vụ nuôi tôm vùng sản xuất lúa - tôm. Đầu tư kỹ thuật, khoa học công nghệ để cải thiện năng suất và chất lượng tôm, tạo ra sản phẩm sạch cung ứng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
Trước mắt, tỉnh Kiên Giang tranh thủ các nguồn lực xây dựng, nâng cấp tuyến đê biển An Biên - An Minh dài 70 km, với hệ thống 30 cống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt. Vì dự án này khi hoàn thành vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa khép kín vùng sản xuất U Minh Thượng, điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm.
Cùng với đó, ngành thủy sản Kiên Giang tăng cường công tác khuyến ngư, khuyến cáo nông dân tuân thủ đúng lịch thời vụ thả giống hàng năm và quy trình, kỹ thuật nuôi tôm. Củng cố, nâng lên chất lượng chuyên môn của tổ kinh tế kỹ thuật nông nghiệp ở các xã để hướng dẫn nông dân thiết kế, cải tạo ao đầm, chọn con giống, chăm sóc, phòng ngừa và điều trị dịch bệnh trong nuôi tôm, kịp thời xử lý những tình huống bất lợi phát sinh gây hại tôm nuôi. Nâng cao ý thức của nông dân trong bảo vệ môi trường, đồng quản lý, kiểm soát nguồn nước để không bị ô nhiễm, đảm bảo nguồn nước sạch nuôi tôm, giảm thiểu dịch bệnh phát sinh gây hại tôm nuôi. Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm giống. Đẩy mạnh công tác quan trắc môi trường để kịp thời cảnh báo, cung cấp thông tin cho nông dân chủ động ứng phó với những tình huống bất lợi trong quá trình nuôi tôm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình canh tác tôm - lúa để chuyển giao cho nông dân sản xuất đạt hiệu quả hơn. Đây là “mô hình sản xuất thông minh”, vừa thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, vừa mang về hai nguồn lợi kinh tế cho nông dân là tôm và lúa, thân thiện với môi trường, tạo môi trường sản xuất tôm - lúa an toàn, hiệu quả và bền vững. Chú trọng thực hiện thí điểm các mô hình tôm - lúa cải tiến, bổ sung thức ăn ở giai đoạn cuối vụ và bổ sung một số sản phẩm cải tạo môi trường. Đầu tư hoàn thiện quy trình sản xuất 02 mô hình “tôm - lúa quản lý cộng đồng” và “tôm lúa - quảng canh cải tiến” để nhân rộng, thay thế cho sản xuất tôm - lúa truyền thống, Tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt cho hay.
Tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác với nông dân nuôi tôm theo mô hình liên kết “4 nhà”, gắn nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu sạch cho xuất khẩu. Tạo môi trường thông thoáng, thực hiện các chính sách ưu đãi để mời gọi, thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm và sản xuất tôm giống. Đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn, tay nghề cao đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi tôm trước mắt và về lâu dài.
Trong phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng, tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn, hiệu quả và bền vững. Chú trọng các giải pháp trọng tâm như: thị trường tiêu thụ, chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, xây dựng thương hiệu “Tôm Kiên Giang”; chủ động điều tiết được nguồn nước, quan trắc cảnh báo, dự báo thường xuyên môi trường, nguồn nước; chủ động phòng ngừa và xử lý dịch bệnh kịp thời, hiệu quả; kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ giống thủy sản; đầu tư vốn cho người nuôi tôm và nghiên cứu ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nuôi tôm; ứng dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia trong nuôi tôm như GAP, GlobalGAP, ASC, MSC...
Lê Huy Hải (TN - http://vanphong.kiengiang.gov.vn)
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.