Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu, 27/06/2017
Ngày cập nhật:
28/6/2017
Phân loại cá ngừ tại cảng Incomap, phường 5, TP. Vũng Tàu. Ảnh: Thành Huy
Sáng 26-6, tại TP. Vũng Tàu, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Đề án “Phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở một số nước”. Đề án được coi là “mở đường” cho ngư dân đánh bắt hải sản hợp pháp ở nước ngoài, thúc đẩy quá trình hợp tác với các nước trong lĩnh vực khai thác hải sản.
Phù hợp với xu thế
Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay trữ lượng nguồn lợi hải sản vùng biển ven bờ Việt Nam có dấu hiệu suy giảm. Theo kết quả điều tra mới nhất cho thấy, giai đoạn 2011-2015, trữ lượng nguồn lợi hải sản là 4,36 triệu tấn, giảm 710.000 tấn so với giai đoạn 2001-2005. Thêm vào đó, những năm qua, vì lợi ích kinh tế nên nhiều chủ tàu, ngư dân đã vi phạm vùng biển các nước như Malaysia, Indonesia, Úc… và đã bị các nước bắt giữ, xử phạt.
Riêng tại BR-VT, thống kê của ngành chức năng cho thấy, từ ngày 1-1-2013 đến ngày 31-3-2017, số tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép bị lực lượng chức năng nước sở tại bắt giữ đã lên đến 134 lượt chiếc với 1.014 lượt ngư dân. Việc ngư dân địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép đang diễn biến phức tạp, gây hệ lụy xấu về nhiều mặt.
Theo Bộ NN-PTNT, nếu tận dụng tốt thỏa thuận với các nước, Việt Nam có thể đưa tàu cá của các DN, HTX ra nước ngoài khai thác hải sản hợp pháp, giảm bớt áp lực lên trữ lượng khai thác trong nước, đa dạng hóa sản phẩm đánh bắt và hạn chế tình trạng ngư dân đánh bắt trái phép ở vùng biển nước bạn. Vấn đề còn lại chính là sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, hiệp định hợp tác… để làm căn cứ triển khai thực hiện. Do đó, việc xây dựng Đề án “Phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở một số nước” là phù hợp với nhu cầu, cũng như xu thế hội nhập.
Bốc dỡ thủy sản tại cảng Bến Đá, phường 5, TP. Vũng Tàu. Ảnh: Thành Huy
Những lĩnh vực hợp tác
Hiện nay, Brunei, Papua New Guinea, Mironesia là những quốc gia, vùng lãnh thổ đã ghi nhớ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác thủy sản, tuy nhiên lĩnh vực hợp tác khai thác còn ít (nghề câu, lưới vây, khai thác hải sâm). Đối tượng đánh bắt là các cá ngừ mắt to, vây vàng, hải sâm và một số loài cá tầng đáy. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, đây cũng đã là bước khởi đầu thuận lợi để thí điểm thực hiện đề án. Sắp tới, nếu Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác với Ủy ban nghề cá vùng Ấn Độ Dương (IOTC) và trở thành thành viên chính thức thì sẽ có nhiều hơn cơ hội mở rộng ngư trường đánh bắt cho ngư dân.
Dự kiến, khi đề án được thông qua, từ nay đến năm 2020, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức đưa tàu cá của 9 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, BR-VT, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang đi khai thác hải sản ở vùng biển Brunei, Papua New Guinea và Microsenia, sau đó sẽ triển khai trên phạm vi cả nước. Trước mắt thực hiện điểm ở 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Tiền Giang và BR-VT.
Theo đề án, DN, tổ hợp tác, HTX tham gia đề án sẽ được hỗ trợ một lần 100% chi phí nhiên liệu cho chuyến đi và 70% nhiên liệu chuyến về; hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên trên tàu; được vay vốn tín dụng để đầu tư ngư cụ và các trang thiết bị bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm với hạn mức tối đa 90% giá trị, lãi suất cho vay 7%/năm.
Để tham gia đánh bắt hải sản ở vùng biển các nước, ngư dân sẽ phải tổ chức mô hình đánh bắt, đầu tư đóng mới tàu cá hiện đại và tuân thủ chặt chẽ quy định của các nước sở tại. Trong ảnh: Hai tàu vỏ thép hành nghề lưới rê của BR-VT được đóng mới bằng nguồn vốn vay theo Nghị định 67. Ảnh: THÀNH HUY
Cần quy định rõ ràng, cụ thể
Góp ý cho đề án, ông Văn Công Hưởng, Giám Đốc Công ty TNHH DV Thủy sản Thái Hòa (Tiền Giang) cho rằng: Việc hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên trên tàu cần được quy định cụ thể. Tham gia đánh bắt tại các ngư trường nước ngoài thì nhanh nhất 7-8 ngày, chậm nhất 20-30 ngày mới đến được ngư trường, phải qua nhiều quốc gia với nhiều rủi ro. Do đó, nếu quy định về bảo hiểm thiếu cụ thể, rõ ràng thì ngư dân, DN khó có thể an tâm tham gia.
Liên quan đến vấn đề bảo hiểm, ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT đề xuất, Bộ NN-PTNT không nên ràng buộc việc mua bảo hiểm vào một công ty nào đó gây bất tiện cho người dân.
Về mặt pháp lý, theo ông Cao Văn Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đức Danh (huyện Long Điền), các nước dự định hợp tác đều quy định rất khắt khe về thời gian, chủng loại, kích cỡ hải sản được phép đánh bắt…Trong khi hầu như ngư dân trong nước thường đánh bắt tự do, không có quy định ràng buộc. Nên trước khi quyết định hợp tác, DN trong nước cần được hỗ trợ thông tin, trợ giúp pháp lý nhiều hơn.
Ông Võ Quang Nhơn, ngư dân phường 5 (TP.Vũng Tàu) nêu ý kiến: Tại các địa phương, Bộ NN-PTNT nên bố trí thành lập một Trung tâm tư vấn pháp lý, hướng dẫn thủ tục xin cấp phép hoạt động để DN, người dân có thể nắm rõ và thực hiện. Hơn nữa, hiện nay trình độ văn hóa, ngoại ngữ, nhận thức của các thuyền trưởng, máy trưởng trên các tàu đánh bắt còn hạn chế. Vì vậy, ngành nông nghiệp có thể tập huấn những kiến thức cơ bản cũng như những quy định bắt buộc khi tham gia đánh bắt ở lãnh hải nước bạn, để ngư dân hiểu rõ hạn chế thực hiện sai quy định.
Còn theo ông Đỗ Chí Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, trong chính sách hỗ trợ tín dụng cũng cần phải có những điều kiện cụ thể kèm theo để khi thực hiện DN, ngư dân không gặp phải vướng mắc về thủ tục. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định rõ ràng cơ chế, thời gian, lãi suất… để tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận.
Giải đáp các nội dung liên quan, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thủy sản cho biết: Khi tham gia đề án, DN, ngư dân có thể tiếp cận, tìm hiểu thông tin các nước liên kết đánh bắt hải sản từ Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố triển khai và Tổ công tác liên ngành của Bộ NN-PTNT. Ngoài ra, đối với các tàu hoạt động theo khuôn khổ đề án sẽ được lắp đặt thiết bị thông tin, bảo đảm sự liên lạc xuyên suốt (24/24 giờ) từ lúc xuất bến, trong quá trình khai thác cho đến lúc trở về để được hỗ trợ kịp thời khi có sự cố.
Cơ hội hợp tác
* Brunei là quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, có nguồn lợi dồi dào, đối tượng khai thác có giá trị kinh tế cao. Trong cơ chế chính sách, Brunei ưu đãi cho các đối tác nước ngoài nên sẽ là cơ hội cho các DN Việt nam xúc tiến, đàm phán ký kết thỏa thuận khai thác.
* Papua New Guinea (châu Đại Dương) có vùng đặc quyền kinh tế hơn 2 triệu km2, nguồn lợi hải sản phong phú, dồi dào, đặc biệt là hải sâm và cá ngừ. Kết quả đàm phán hợp tác giữa nước ta với Papua New Guinea diễn ra vào tháng 5-2016 diễn ra thuận lợi. Phía nước bạn mong muốn và tạo điều kiện cho các DN Việt Nam đầu tư hợp tác khai thác hải sản.
* Microsenia là quốc đảo nằm ở Thái Bình Dương, có vùng đặc quyền kinh tế 2,9 triệu km2, nổi tiếng với nguồn lợi cá ngừ đại dương. Các loại thủy sản ở tầng đáy cũng rất phong phú. Trên cơ sở thỏa thuận và tuyên bố chung giữa Việt Nam - Microsenia, DN Việt Nam có rất nhiều cơ hội để hợp tác khai thác.
Ngô Thanh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.