• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Làm giàu từ nuôi cá ở lòng hồ Cấm Sơn

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 01/07/2017
Ngày cập nhật: 3/7/2017

Vài năm trở lại đây, thay vì mưu sinh nơi đất khách quê người, nhiều thanh niên của thôn Mới, xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đầu tư phát triển mô hình nuôi cá lồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình dần ổn định, có của ăn của để.

Mô hình nuôi cá lồng của anh Lường Văn Nền.

Đã hẹn trước với anh Nông Văn Hòa, Bí thư Đoàn xã Cấm Sơn (Lục Ngạn) nên khi chúng tôi vừa đến cổng UBND xã đã thấy anh chờ sẵn với chiếc mũ bảo hiểm trên tay để đưa khách về thôn Mới. Đến nơi, nhìn thấy anh Lường Văn Nền (SN 1981) đang cho cá ăn trên hồ, anh Hòa vẫy tay ra dấu. Sử dụng một chiếc thuyền nhỏ, anh Nền nhẹ khua mái chèo đưa chúng tôi vào khu nuôi cá lồng của gia đình. “Tháng 6-2015, nhận thấy tiềm năng của lòng hồ Cấm Sơn, tôi bỏ công việc nay đây mai đó về quê lập nghiệp với nghề nuôi cá lồng”, anh Nền bộc bạch.

Thôn Mới có 30 đoàn viên thanh niên tham gia sinh hoạt chi đoàn thì một nửa trong số đó bươn chải làm thuê ở các khu công nghiệp trong tỉnh. Trước đây, anh Nền có gần 10 năm làm thuê ở Tây Nguyên rồi Bình Dương, có khi lại đi sang Lào, Malaysia. Bao năm làm lụng vất vả nơi xứ người, số tiền dành dụm chẳng được là bao, anh Nền nhận thấy không đâu bằng quê hương. Trở về quê, anh băn khoăn không biết nên trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp bởi cứ từ tháng 8 trở đi, nước hồ dâng lên khiến diện tích trồng lúa và hoa màu bị thu hẹp đáng kể. Đất đồi để trồng cây ăn quả cũng không nhiều mà việc tiêu thụ khó khăn do giao thông chưa thuận tiện.

Qua tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, tham quan nhiều mô hình của thanh niên trong và ngoài tỉnh, anh Nền quyết định đầu tư nuôi thử nghiệm ba lồng cá nheo. Bởi đây là giống cá nước ngọt, giá trị kinh tế cao, có khả năng thích nghi với những biến đổi của môi trường.

Để tiết kiệm chi phí và tạo ra sản phẩm an toàn, anh thu gom cỏ cùng các loại ốc, cá tạp của người dân trong thôn xay làm thức ăn cho cá. Mỗi lồng cá cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/lứa. Kết hợp với trồng vải và đánh bắt cá ở lòng hồ, anh Nền dành dụm được chút vốn liếng.

Đầu năm 2017, anh đầu tư hơn 500 triệu đồng nuôi thêm 8 lồng, trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại như: Máy tạo o-xy, nhà bảo quản, máy xay thức ăn cho cá... Vụ này, ngoài nuôi cá nheo, anh nhập thêm các giống cá khác như: Trắm trắng, trắm đen, chép, trôi... Hằng ngày, vợ chồng anh trồng hoặc thu hoạch cỏ cho trắm trắng; thu gom ốc của người dân trong thôn chế biến thức ăn cho trắm đen... Đưa chúng tôi đi xem các lồng cá, anh Nền hồ hởi: “Lứa cá này, mình mới nhập được hơn một tháng nhưng nước sạch, chăm sóc tốt nên cá lớn nhanh. Vài tháng nữa, mỗi con cá trắm xuất bán nặng trung bình từ 4-5 kg, với giá 50-60 nghìn đồng/kg, vụ này dự kiến thu về khoảng 100 triệu đồng”.

Từng đi làm thuê nhiều năm ở các doanh nghiệp tư nhân, anh Trần Văn Nguyễn (SN 1986), Bí thư chi đoàn thôn cũng quyết định trở về quê khởi nghiệp bằng mô hình nuôi cá nheo. Anh Nguyễn vừa kết hợp nuôi trồng thủy sản vừa làm kinh tế vườn đồi. Chịu khó, chăm chỉ lại nhanh nhẹn trong việc cập nhật thêm kiến thức chăn nuôi, anh cũng có thu nhập khá. Một số hộ thanh niên khác như gia đình các anh: Hoàn, Hải, Quý, Trưởng... cũng có từ 3 đến 4 lồng nuôi cá nheo, cá trắm. Mô hình này đang mang lại hiệu quả do việc tiêu thụ cá thương phẩm thuận lợi, được giá, nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh về địa phương thu mua. Hầu hết những hộ do thanh niên làm chủ đều có kinh tế khá, không có hộ nghèo.

Anh Nông Văn Hòa, Bí thư Đoàn xã Cấm Sơn: Đoàn xã đang vận động các hộ thanh niên thôn Mới thành lập hợp tác xã để hỗ trợ nhau về giống, vốn, khoa học kỹ thuật nhằm mở rộng mô hình cá lồng, khai thác tiềm năng nước hồ Cấm Sơn. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường liên kết tìm đầu ra ổn định đáp ứng yêu cầu mở rộng mô hình trong thời gian tới".

Tuyết Mai

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang