Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 20/01/2017
Ngày cập nhật:
22/1/2017
Cá cảnh là một trong những ngành kinh tế chủ lực của nông nghiệp tại TPHCM, nhất là khi nông nghiệp đang phát triển theo hướng đô thị hóa. Cá kiểng ở TPHCM nuôi chủ yếu để xuất khẩu và hiện nay loại được xuất khẩu nhiều là cá Koi - giống cá có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Một trong những cơ sở nuôi cá Koi có số lượng xuất khẩu lớn ở thành phố là trại cá Koi Ba Sanh (quận Bình Thạnh). Người đứng đầu là ông Võ Văn Sanh - một nghệ nhân sống hết mình với nghề nuôi cá cảnh…
Điểm nhấn với con cá Koi
Ông kể: “Gia đình tôi có trên 50 năm hành nghề sản xuất và kinh doanh cá cảnh với nhiều chủng loại khác nhau. Từ năm 1965, chúng tôi đã cung cấp cá cảnh cho các tỉnh, từ Thừa Thiên - Huế trở vào miền Nam. Năm 1990, chúng tôi sản xuất, kinh doanh cá Koi giống và sau 3 năm đã xuất khẩu sang Singapore, lãnh thổ Đài Loan, Mỹ, Anh, Pháp, Đức…”. Ông cho biết, cá Koi có xuất xứ từ Nhật Bản, được xem là quốc ngư của đất nước này, rất đẹp nên giá cực đắt. Nếu nuôi được cá lớn khoảng 20 - 30kg/con, giá có thể lên đến hàng trăm ngàn USD/con. Theo ông, TPHCM là thành phố có nhiều sông, rạch, vì thế có nhiều loại sinh vật (trùn chỉ, bo bo, lăng quăng...) là nguồn thức ăn tự nhiên phong phú cho cá cảnh. Nắm bắt những thuận lợi đó, ông quyết định nhập con giống về sản xuất kinh doanh, để bây giờ mỗi khi nhắc đến cá Koi, nhiều người trong nghề nghĩ ngay đến cái tên mộc mạc, bình dị như chính con người ông - nghệ nhân Ba Sanh.
Gắn mình cùng cá kiểng
Trước khi gặp mặt, tôi luôn nghĩ ông chủ Ba Sanh là một người cao sang, oai vệ như nhiều chủ doanh nghiệp khác, nhưng thật bất ngờ, cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp ông lại hoàn toàn khác. Ông là “một lão nông chính hiệu”, với đôi dép nhựa đơn giản, quần tây, áo sơ mi bình dị, cùng chiếc nón tai bèo mộc mạc đơn sơ. Có lẽ chính sự mộc mạc ấy đã giúp cuộc trò chuyện giữa tôi và ông được diễn ra một cách gần gũi và thân thiện.
Ban đầu, trại cá của ông có diện tích 1,5ha, đến nay mở rộng lên gần 5ha, gồm cá Koi (chiếm gần 4ha với khoảng 200.000 - 300.000 con cá Koi thành phẩm) và nhiều loại cá tạp khác như cá đĩa, cá 7 màu, cá thần tiên, trân châu, tai tượng… Ông chia sẻ: “Trên thế giới có trên 200 loại cá cảnh, trong đó cá Koi có hơn 50 loại và hơn 200 màu, rất đa dạng. Một con cá Koi đạt được chất lượng phải hội đủ 3 tiêu chí về chủng loại, màu sắc và hình dáng”.
Với nghệ nhân Ba Sanh, nhắc đến cá Koi là nhắc đến “những đứa con thân yêu” của mình, ông tâm sự: “Thời gian nuôi dưỡng một chú cá Koi đạt yêu cầu mất gần 3 tháng chăm sóc lai tạo màu. Để có được một con cá Koi “ăn khách” là chuyện không phải dễ. Bởi giống cá Koi rất kỵ với nước phèn, nếu trong nguồn nước có tí phèn, cá sẽ không sống được. Nhiệt độ để cá sống cũng phải được chú ý, bởi cá Koi xuất phát từ nước Nhật, nhiệt độ chuẩn để chúng tồn tại khoảng 18 °C - 20°C. Để cá phát triển tốt, ngoài nguồn nước và nhiệt độ, cần bổ sung thêm vitamin, vi lượng, kháng sinh… giúp tăng sức đề kháng, chống chọi được nhiều dịch bệnh và có thể thuần chủng chúng để thích hợp với môi trường sống như ở Việt Nam”.
Thành quả đáng ghi nhận
Hơn 20 năm trong nghề, nghệ nhân Ba Sanh đã không ngừng học hỏi, nâng cao về chuyên môn và luôn nỗ lực hết mình, đem lại sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu cá cảnh trong và ngoài nước. Ông luôn áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn dịch bệnh, vì thế trại cá của ông là một trong những trại cá cảnh được Cục Thú y Việt Nam cấp chứng nhận An toàn dịch bệnh động vật vào năm 2006; chứng chỉ Quy phạm thực hành quản lý tốt (GMP cá cảnh về mặt hàng cá Koi) ở TPHCM giai đoạn 2013-2014; được công nhận là một trong 3 cơ sở cá cảnh an toàn dịch bệnh virus mùa xuân - gọi tắt là bệnh SVC (Spring Viremia of Carp) đủ điều kiện xuất khẩu cá chép vào thị trường Mỹ.
Dù đã đạt được những thành quả cao, nhưng ông không lấy đó là điểm dừng. Với ông, sự tận tụy, cần mẫn trong việc chăm sóc từng chú cá là niềm vui và hạnh phúc của mình. Ông chia sẻ: “Dù đã hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề và luôn “sống” với những chú cá Koi nhỏ bé ấy, nhưng tôi không cho phép mình dừng lại mà phải tiếp tục phấn đấu, học hỏi nâng cao về chuyên môn và luôn nỗ lực hết mình, nhằm đem lại sản phẩm chất lượng phục vụ khách hàng và những người yêu thích cá Koi”.
MINH HIẾU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.