• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mô hình nuôi tôm an toàn sinh học ở Tuy Phước: Hiệu quả, nhưng khó nhân rộng

Nguồn tin: Báo Bình Định, 07/07/2017
Ngày cập nhật: 10/7/2017

Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi tôm an toàn sinh học (ATSH) tại thôn Ðông Ðiền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đã được khẳng định nhiều năm qua, nhưng vì nhiều lý do, đến nay mô hình chưa được nhân ra diện rộng.

Tôm nuôi được mùa, được giá

Ông Phan Văn Chạy, Trưởng Ban quản lý cộng đồng vùng nuôi tôm ATSH thôn Đông Điền, phấn khởi cho biết: “Đã lâu chúng tôi mới có niềm vui tôm nuôi vừa được mùa vừa được giá. Vụ 1 năm 2017, gia đình tôi có 2 ao với tổng diện tích 9.000 m2 mặt nước, thả nuôi 34 vạn tôm thẻ chân trắng và 450 con cá rô phi đơn tính; hiện đã thu hoạch được 5 tấn tôm và 2 tạ cá, cao hơn nhiều so với các năm trước. Giá tôm vụ này cũng khá cao, tôm loại 70 con/kg bán với giá 114 ngàn đồng/kg, loại 100 con/kg giá 95.000 đồng/kg. Tổng thu nhập từ tiền bán tôm và cá được 500 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi ròng 300 triệu đồng”.

Thu hoạch tôm nuôi ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng.

Ông Đặng Minh Đồng thì cho hay: “Trước đây, tôi nuôi tôm sú cả 2 ao (8.000 m2), nhưng tôm thường bị dịch bệnh, không hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông tỉnh và huyện, tôi chỉ sử dụng 1 ao 5.000m2 để nuôi tôm thẻ chân trắng và cá rô phi đơn tính; ao còn lại dùng làm ao lắng. Vụ sản xuất này, nhờ thời tiết thuận lợi và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, nên tôm nuôi phát triển tốt, gia đình tôi lãi trên 150 triệu đồng từ bán tôm và cá”.

Theo ngành chức năng huyện Tuy Phước, sau khi hỗ trợ đầu tư xây dựng kênh cấp thoát nước, hệ thống xử lý chất thải và hệ thống điện phục vụ nuôi trồng thủy sản, vụ 1 năm 2017, Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tiếp tục hỗ trợ cho 45 hộ dân tham gia mô hình nuôi tôm ATSH 50% tôm giống, 100% cá giống để thả nuôi trên diện tích 23,5 ha.

Ngành Nông nghiệp tỉnh và huyện còn hướng dẫn quy trình tạo ao nuôi, cách xử lý nước, mật độ con giống tôm nuôi xen cá, cua, quản lý dịch bệnh, cách ghi chép nhật ký nuôi tôm. Các khâu nói trên đều được người dân thực hiện nghiêm túc, dưới sự kiểm tra, giám sát của Ban quản lý vùng nuôi tôm ATSH. Những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình nuôi tôm cũng đã được khắc phục, xử lý kịp thời, nên các mô hình nuôi tôm xen cá ATSH đạt hiệu quả cao. Năng suất bình quân tôm nuôi vụ 1 năm 2017 đạt 4,2 tấn/ha, lợi nhuận bình quân trên 250 triệu đồng/ha.

Khó nhân rộng

Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi tôm ATSH tại thôn Đông Điền đã được khẳng định nhiều năm qua, nhưng vì sao ngành chức năng và chính quyền các địa phương không nhân mô hình ra diện rộng để nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân các vùng nuôi tôm khác?

Đề cập đến vấn đề nói trên, ông Phạm Quang Ân, Phó Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: Mô hình này khó nhân rộng bởi cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi tôm khác chưa được đầu tư hoàn thiện. Do không có hệ thống cung cấp nước ngọt, xử lý nước thải dành cho nuôi tôm, người dân phải vừa sử dụng kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa để lấy nước nuôi tôm. Người nuôi tôm cũng chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật trong cải tạo ao nuôi, xử lý nước, chọn con giống, lịch thời vụ, quản lý dịch hại, nên dịch bệnh tôm nuôi thường xuyên xảy ra. Khi phát hiện tôm bị chết, nhiều hộ không báo cáo chính quyền và cơ quan chức năng biết để được hỗ trợ tìm hiểu nguyên nhân và cùng xử lý dịch bệnh, mà tự ý tháo nước từ ao nuôi ra môi trường, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Khi mầm bệnh phát tán nhiều ra môi trường, việc phòng, chống dịch bệnh đã khó lại càng khó hơn.

Hơn nữa, nuôi tôm ATSH đòi hỏi người nuôi tôm trong vùng nuôi phải thả tôm, thu hoạch và bán sản phẩm cùng thời điểm. Nếu mở rộng diện tích, sản lượng tôm sẽ rất lớn, khó tiêu thụ. Nếu đầu ra sản phẩm gặp khó khăn, giá tôm thấp, người nuôi tôm cũng phải bán, vì giữ tôm lại để nuôi, chi phí đầu tư sẽ tăng cao, trong khi đó thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh luôn tiềm ẩn, rủi ro cao.

Phạm Tiến Sỹ

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang