• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nghệ An: Hàng chục lồng cá ở Tương Dương um tùm cỏ mọc

Nguồn tin: Báo Nghệ An, 11/07/2017
Ngày cập nhật: 12/7/2017

Hàng chục lồng cá ở huyện Tương Dương (Nghệ An) đang rơi vào tình trạng um tùm cỏ mọc, hư hỏng mà không ai thèm quan tâm. Nguyên do là bởi người dân bị thua lỗ khi nuôi cá lồng.

Khu vực nuôi cá lồng của người dân bản Tam Hương, xã Tam Quang đã gần như bỏ hoang sau nhiều lần thả cá mà không mang lại kết quả tốt. Ảnh: Hồ Phương

Tương Dương là một trong những huyện miền núi có diện tích mặt nước lớn, đặc biệt là ở các lòng hồ thủy điện như: Bản Vẽ, Nậm Nơn, Khe Bố... Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.

Trong những năm qua, tỉnh, huyện đã có nhiều chính sách để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Theo đó, nhà nước đã hỗ trợ hộ nuôi cá 12 triệu đồng/lồng (vào năm 2012), 6 triệu đồng/lồng (vào năm 2014).

Từ sau khi có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, số lượng lồng cá ở địa bàn huyện Tương Dương tăng nhanh từ năm 2014 - 2016. Cụ thể, năm 2014 cả huyện Tương Dương có 93 lồng, đến năm 2016 đã lên tới con số 243 lồng cá.

Hộ nuôi cá lồng nói trên chủ yếu tập trung ở các xã gần với nhà máy thủy điện như: Khe Bố, Nậm Nơn, Bản Vẽ... Trong đó, xã Tam Thái có 50 lồng, xã Tam Đình có 43 lồng, xã Thạch Giám có 37 lồng...

Nhiều lồng cá trên địa bàn để hư hỏng, cỏ mọc um tùm. Ảnh: Đào Thọ

Mặc dù số lượng lồng cá tăng lên, tuy nhiên hiệu quả từ việc nuôi cá lồng của người dân lại chưa được như mong muốn. Ông Vi Đức Sum - Trưởng bản Tam Hương (xã Tam Quang) cho biết, từ khi có dự án phát triển lồng cá đến nay cả bản có 31 lồng, trong đó có 28 lồng làm trước đây được hỗ trợ 12 triệu/lồng, và 3 lồng mới làm 2016 được hỗ trợ 6 triệu đồng/lồng. Tuy nhiên đến nay cả bản chỉ còn 4 lồng đang nuôi cá, trong đó 1 lồng cũ được người dân sửa chữa, 3 lồng mới đang nuôi.

Gia đình anh Vi Văn Bình, trú bản Tam Hương (xã Tam Quang) là một trong những hộ dân đã bỏ nhiều công sức, tiền của cho việc nuôi cá lồng. Tuy nhiên, sau một thời gian dài theo đuổi nghề mới này đến nay gia đình anh đã hết kiên nhẫn.

Anh Bình cho biết, gia đình bắt đầu nuôi cá lồng sau khi thủy điện Khe Bố đi vào hoạt động. Tại thời điểm đó (trước 2014) gia đình anh làm 3 lồng để nuôi cá trắm và được hỗ trợ 12 triệu/lồng. Gia đình anh còn đầu tư vào mỗi lồng cá hơn 4 triệu đồng. Nhưng sau khi thả được vài tháng, cá lại chết nổi trắng mặt nước.

Nhiều lồng cá thuộc bản Đình Thắng, xã Tam Đình hư hỏng nằm chỏng chơ bên lòng hồ thủy điện Khe Bố. Ảnh: Hồ Phương

Đến những lứa khác cũng vậy, mặc dù các ban ngành chức năng xuống kiểm tra xem xét nhưng không xác định được nguyên nhân. “Có những con có trọng lượng từ 1-1,2 kg rồi mà vẫn chết. Tôi không thu lại được một đồng nào” - anh Bình nói. Chán nản, từ năm 2016 đến nay gia đình anh Bình dừng hẳn và không còn mặn mà gì đến việc nuôi cá nữa, 3 chiếc lồng cá nằm chỏng chơ bên lòng hồ đã hư hỏng.

Không chỉ có gia đình anh Bình mà có hơn 15 hộ dân nuôi cá lồng ở bản Tam Hương đều gặp trường hợp tương tự. Hàng chục lồng cá của các hộ dân bản Tam Hương đã hư hỏng nằm chơ vơ bên bờ hồ thủy điện Khe Bố. Có những lồng cỏ mọc dày đặc, rỉ sét chỉ còn bộ khung trơ trọi.

Không chỉ xã Tam Quang, nhiều hộ dân nuôi cá lồng ở các xã Tam Đình, Xá Lượng, Yên Thắng cũng gặp nhiều khó khăn và không còn thiết tha với nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ.

Chúng tôi đi dọc lòng hồ thủy điện Khe Bố tìm đến bản Đình Tiến (Tam Đình). Tại đây, trưởng bản Lương Văn Thân cho biết, trước đây cả bản có 14 lồng cá, tuy nhiên đến nay chỉ còn 6 chiếc lồng của 4 hộ dân: Lô Văn Khôn (1 lồng), Lương Văn Thân (1 lồng), Lương Văn Tiến (2 lồng), Lương Văn Hợi (2 lồng). Được hỏi về vì sao những hộ dân còn lại không nuôi nữa thì ông buồn rầu trả lời: “Lồng đã hư hỏng gần hết, người dân cũng không muốn sửa chữa nữa vì nhận thấy việc đầu tư không hiệu quả”.

Bản Đình Thắng (xã Tam Đình) là 1 trong những bản có số lượng người dân đăng ký nuôi cá lồng lớn của huyện Tương Dương. Năm 2015, cả bản có gần 20 chiếc lồng cá, tuy nhiên đến nay chỉ còn 3 lồng đang còn sử dụng để nuôi, còn các lồng khác hầu hết đã hư hỏng hoặc bị bỏ không. Ông Kha Văn Tim - Bí thư chi bộ bản Đình Thắng cho hay, việc nuôi cá lồng đầu tư nhiều tiền của và công sức nhưng không thu lãi được bao nhiêu nên dân bản đã không mấy thiết tha. Hơn nữa, các lồng cá này cũng đã cũ và hư hỏng nặng.

Một chiếc lồng sắt đã hư hỏng nằm bên bờ hồ Thủy điện trên địa bàn huyện Tương Dương. Ảnh: Đào Thọ.

Theo thống kê sơ bộ của Trạm Khuyến nông huyện Tương Dương, đến tháng 5/2017, cả huyện Tương Dương có 243 lồng cá, tuy nhiên chỉ có khoảng 190 lồng đang được đưa vào sử dụng. Số còn lại đã hư hỏng hoặc bị lũ cuốn trôi.

Bà Nguyễn Thị Bình - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tương Dương cho biết, việc cá chết trong những năm qua khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân một phần do thời tiết thất thường, mưa lớn ở thượng nguồn kéo theo nhiều chất bẩn khiến môi trường nước bị ô nhiễm. Một phần khác nữa do lòng hồ thủy điện hàng năm xả đáy khiến cho cá lồng ở một số địa bàn bị chết hàng loạt. “Bản thân tôi làm khuyến nông cũng thấy áy náy, không dám khuyến khích người dân mở rộng cách làm này” - chị Bình nói.

Hồ Phương - Đào Thọ

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang