• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tái diễn giã cào bay

Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 24/07/2017
Ngày cập nhật: 25/7/2017

Nạn giã cào bay tái diễn, với kiểu đánh bắt tận diệt, không chỉ tàn phá ngư trường mà còn vô tình đưa ngư dân vào tình thế khốn khó. Nguồn lợi thủy sản ven bờ sẽ mất dần nếu không kiên quyết xử lý thích đáng...

Phát hiện nhiều vi phạm

Tình trạng giã cào bay sau một thời gian tạm lắng, gần đây đã tái diễn. Do đặc thù hoạt động của tàu thuyền lưới đôi (giã cào) thường theo tuyến lộng và tuyến bờ, nên các cặp tàu đôi lưới giã cào thường tận diệt mọi thứ, bất kể loài thủy sản lớn nhỏ và phá hoại các loại ngư, lưới cụ của ngư dân đánh bắt ven bờ theo kiểu “ỷ mạnh hiếp yếu”, gây không ít xung đột, bức xúc trong ngư dân. Thậm chí khi lực lượng chức năng phát hiện, nhiều chủ tàu ngang nhiên chống đối và coi thường pháp luật.

Bình Thuận có gần 1.100 tàu thuyền hoạt động trên ngư trường với nghề lưới kéo, trong đó gần 600 tàu kéo lưới đơn, 496 tàu kéo lưới đôi chủ yếu tại TP. Phan Thiết, thị xã La Gi và huyện Tuy Phong. Tổng sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh có sự đóng góp trên 50% của các tàu thuyền đánh bắt lưới đơn và lưới đôi. Hiện tại với khoảng 170 thuyền hành nghề giã cào bay có công suất lớn từ 168 - 950 CV, khoảng 80 cặp/170 tàu kéo lưới đôi, tổng công suất khoảng 79.525 CV.

Theo Chi cục Thủy sản, thời gian qua đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ giã cào bay đang hoạt động trên ngư trường, đa số tàu giã cào bay thuộc huyện Tuy Phong và TP. Phan Thiết. Ở Tuy Phong, đã bắt quả tang các trường hợp chủ tàu Nguyễn Vinh (Hòa Phú), Nguyễn Văn Thành (Hòa Phú), Nguyễn Tấn Dư (Phan Rí Cửa), Phạm Văn Tiến (Phan Rí Cửa). Ngay tại TP. Phan Thiết, dù là địa phương được tăng cường tuyên truyền về tác hại của nạn giã cào bay nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng như tàu BTh 98668 do ông Văn Tấn Khánh làm chủ. Ngoài ông Khánh còn có Văn Tấn Phú chủ tàu BTh 99252 (Phú Hài), trường hợp Trần Thanh Huy, Trần Văn Sang... Phường Phú Hài cũng là địa phương trong thời gian qua có nhiều tàu vi phạm đánh bắt theo hình thức giã cào bay. Đặc biệt vụ cá nam là thời điểm chính vụ, nạn giã cào bay tiếp tục hoành hành đánh bắt sai tuyến, diễn ra từ vùng biển Tuy Phong (giáp biển Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) kéo dài đến thị xã La Gi, huyện Hàm Tân cả ngày lẫn đêm. Lợi nhuận cao nên họ bất chấp quy định.

Thiệt hại khó lường

Quy định của ngành thủy sản, hành nghề giã cào cách bờ ít nhất 24 hải lý, nhưng thực tế ít có chủ tàu tuân thủ. Mẻ lưới của tàu giã cào cặp đôi dài nhất 1.500 m, thả sát đáy chỉ diễn ra chớp nhoáng từ 1-2 giờ, thì rõ ràng ít có loài hải sản nào thoát khỏi sự bủa vây này. Ông Sáu Hùng - ngư dân ở phường Phước Hội cho biết: Những người làm nghề thuyền nhỏ, chỉ đánh bắt gần bờ ai cũng từng trải qua cảm giác mất hết tài sản vì giã cào bay.

Nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng này, UBND tỉnh đề ra nhiều giải pháp để ngăn chặn các hành vi tận diệt nguồn lợi thủy sản do tàu thuyền giã cào bay, nhưng thực tế vẫn rất phức tạp. Ngoài công tác vận động, tuyên truyền giáo dục về ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, pháp luật trên biển thì việc thiếu, mỏng về lực lượng chuyên trách, phương tiện, thiết bị của cơ quan chấp pháp trên biển chưa thể đảm bảo trên một vùng biển rộng lớn. Chi cục Thủy sản hiện chỉ có vài chiếc ca nô và 2 tàu tuần tra đã xuống cấp, chưa đủ đầu tư kinh phí mua sắm phương tiện mới, nên vẫn phải thường xuyên phối hợp với lực lượng biên phòng tại các địa phương để phối hợp tuần tra, kiểm soát, nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn hiệu quả.

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 61 từ năm 2015, về việc nghiêm cấm không cho hành nghề giã cào bay từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm, nhưng hoạt động giã cào vẫn tiếp tục hoành hành trong thời gian cấm. Nếu như tình trạng giã cào bay không được ngăn chặn, thì ước tính mỗi thời điểm đánh bắt sẽ tận diệt ít nhất 75% nguồn hải sản non. Không chỉ gây thiệt hại nguồn lợi, mà thảm thực vật dưới đáy biển, khu vực bãi cạn là nơi sinh sản của các loài loài thủy sản sẽ mất nơi sinh trưởng.

Quang Nhân

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang