• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các đầm phá ven biển: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Nguồn tin: Báo Bình Định, 01/08/2017
Ngày cập nhật: 4/8/2017

Từ đầu năm đến nay, tình trạng sử dụng xung điện, xiếc máy, chất nổ, giã cào… để khai thác thủy sản trên các đầm phá, vùng ven biển trong tỉnh Bình Định diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái. Thực trạng này đòi hỏi sự tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan chức năng với chính quyền các địa phương để ngăn chặn, xử lý, cũng như tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm.

Hàng chục ghe máy gắn gọng xiếc đậu dày trên đầm Đề Gi.

Gia tăng số vụ và diễn biến phức tạp

Theo Phòng Thanh tra Pháp chế thuộc Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), trong 7 tháng đầu năm nay, đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức 35 chuyến tuần tra, kiểm soát tình trạng sử dụng xung điện, xiếc máy (XĐXM) để khai thác thủy sản (KTTS) trên các đầm Thị Nại, Đề Gi, Trà Ổ và các vùng biển ven bờ. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 28 trường hợp vi phạm sử dụng nghề cấm trong KTTS, xử phạt trên 32 triệu đồng.

Ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: “Số vụ vi phạm các nghề cấm trong KTTS tại các đầm phá và vùng ven biển có chiều hướng gia tăng trở lại trong thời gian gần đây. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp; khi phát hiện lực lượng chức năng, họ vứt bỏ dụng cụ kích điện xuống nước để phi tang. Một số trường hợp chống đối lại lực lượng chức năng. Trong khi đó, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi KTTS gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, thiếu trang bị, công cụ hỗ trợ; địa bàn các đầm phá rộng lớn, địa hình hiểm trở, các đối tượng KTTS trái phép lại chủ yếu hoạt động vào ban đêm”.

Đáng lo hơn, nạn XĐXM trên đầm Thị Nại, đầm Đề Gi, đầm Trà Ổ đang có chiều hướng gia tăng. Tại các thôn Đức Phổ 1, Đức Phổ 2, xã Cát Minh và thôn Ngãi An, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), có lúc có hàng chục ghe máy giơ cao gọng xiếc ngay giữa ban ngày trên đầm Đề Gi nhưng không thấy cơ quan chức năng xử lý. Còn tại khu vực đầm Thị Nại và đầm Trà Ổ, theo thống kê, hiện còn 63 phương tiện hành nghề cấm vẫn đêm đêm lén lút hoạt động XĐXM; trong đó, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) có 30 phương tiện; các xã Mỹ Lợi, Mỹ Đức, Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ) có 33 phương tiện.

Khó nhiều bề

Ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Để ngăn chặn hoạt động XĐXM trên đầm Thị Nại, trong thời gian qua, huyện đã tổ chức nhiều đợt ra quân truy quét, nhưng do mặt đầm khá rộng, trải dài trên địa bàn nhiều xã, nên việc truy quét gặp khó khăn. Hơn nữa, giá mỗi bộ XĐXM từ 5 - 7 triệu đồng, trong khi chỉ một đêm hoạt động các đối tượng kiếm được từ 300 - 500 ngàn đồng; nếu “trúng đậm”, chỉ sau vài đêm là thu hồi vốn. Do vậy, dẫu biết đây là hành vi bị cấm nhưng nhiều người vẫn làm. Trong 7 tháng đầu năm nay, Đội phòng chống XĐXM của huyện đã phát hiện bắt giữ 2 ghe máy hành nghề giã cào, tịch thu 4 bộ kích điện.

Ông Ngô Đình Ba, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, cho hay: Vào cuối tháng 5 vừa qua, nhóm hạt nhân bảo vệ nguồn lợi thủy sản thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu trong lúc bắt giữ một chiếc ghe từ xã Mỹ Thắng sang đầm Trà Ổ đánh bắt thủy sản bằng XĐXM thì bị 14 đối tượng khác đến bao vây, tấn công. Các đối tượng này dùng sào chống ghe đánh ông Trương Văn Quý và ông Bùi Xuân Bộ bị thương tích ở mắt và tay. Tuy nhiên, đến nay, vụ việc này vẫn chưa được xử lý nghiêm minh khiến người dân bức xúc.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có 1.205 hộ gia đình ngư dân đang sử dụng 85.057 chiếc lưới lồng. Việc sử dụng lưới lồng để KTTS đã làm cho trên 40% lượng thủy sản còn non bị đánh bắt một cách vô tội vạ. Mặt khác, việc sử dụng lưới lồng còn có tác động xấu đến các hệ sinh thái và môi trường thực vật thủy sinh, làm mất đi nơi trú ẩn của nhiều loài tôm cá.

Nhiều ngư dân sinh sống ven đầm Thị Nại sử dụng lưới lồng để khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản.

Nỗ lực ngăn chặn

Để kịp thời ngăn chặn tình trạng sử dụng nghề cấm để KTTS trên các đầm phá, vùng ven biển của tỉnh, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có sự phối hợp, triển khai quyết liệt hơn nữa. Đồng thời, triển khai xây dựng các nhóm hạt nhân bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các địa phương, vận động cả cộng đồng dân cư cùng vào cuộc nhằm đấu tranh, ngăn chặn các hành vi sử dụng chất nổ, chất độc, XĐXM để KTTS trái phép…

Theo ông Trần Kim Dương, từ nay đến cuối năm, Chi cục sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý các trường hợp sử dụng nghề cấm tại khu vực đầm Thị Nại, cửa biển Quy Nhơn, Nhơn Lý, Nhơn Châu, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn... Bên cạnh đó, đơn vị cũng tích cực phối hợp với các đồn biên phòng, chính quyền địa phương tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động ngư dân cùng chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản; trong đó đặc biệt chú trọng đến tiêu chí quản lý nguồn lợi và môi trường thủy sản; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục yêu cầu ký cam kết từ bỏ đối với các trường hợp ngư dân địa phương sử dụng XĐXM để KTTS.

Chi cục Thủy sản cũng sẽ tổ chức nhân rộng các mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, các nhóm hạt nhân bảo vệ thủy sản tại các xã ven biển… Đây sẽ là lực lượng xung kích phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác ngăn chặn tình trạng sử dụng nghề cấm trong KTTS; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể hướng dẫn các hộ hành nghề cấm phải chuyển đổi nghề để có thu nhập ổn định và không vi phạm pháp luật...

Nguyễn Hân

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang