Nguồn tin: Báo Lai Châu, 05/08/2017
Ngày cập nhật:
8/8/2017
Tận dụng lợi thế từ 2 hồ Thủy điện Bản Chát, Huội Quảng, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đang triển khai, khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng bè.
Hồ chứa Thủy điện Bản Chát có dung tích 2,1 tỷ m3 nước, Thủy điện Huội Quảng 185 triệu m3 nước; nhiều vị trí lòng hồ có diện tích bề mặt rộng từ 2-3km, mực nước sâu. Đây là điều kiện thuận lợi, lý tưởng phát triển nghề nuôi cá lồng bè. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Ngọc Tú - Phó Trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: “Khai thác mặt nước tự nhiên và nguồn nước sạch tại hồ chứa, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào nuôi trồng thủy sản, năm 2015 Trạm đã đề xuất với huyện xây dựng Dự án nuôi cá lồng trên hồ Thủy điện Bản Chát (2 xã: Mường Kim, Mường Mít) và năm 2016 - 2017 trên hồ Thủy điện Huội Quảng (2 xã: Ta Gia, Khoen On). Giống cá được lựa chọn có giá trị kinh tế cao, áp dụng quy trình kỹ thuật đầu tư thâm canh, phòng trị dịch bệnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua triển khai, Dự án có 120 hộ tham gia nuôi 75 lồng cá, hình thức người dân mua giống, thức ăn, tỉnh hỗ trợ lồng nuôi”.
Thành viên Hợp tác xã Thanh niên Ta Gia chăm sóc cá nuôi trên hồ Thủy điện Huội Quảng.
Để Dự án đạt hiệu quả, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trong khối Nông nghiệp (Trạm Khuyến nông huyện là đầu mối phối hợp triển khai Dự án và nhân rộng các mô hình) làm tốt, kiểm soát chặt chẽ các khâu. Theo đó, Trạm Khuyến nông huyện chủ động cùng các địa phương: Ta Gia, Khoen On, Mường Kim, Mường Mít khảo sát, lựa chọn địa điểm, các hộ có đủ điều kiện về kinh tế, nhân lực tham gia mô hình. Cùng với đó, cử cán bộ kỹ thuật tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đối với cá cho các hộ dân; hướng dẫn biện pháp vệ sinh lồng nuôi, thay túi vôi, túi thuốc theo định kỳ.
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi cá lồng, anh Lường Văn Chùm - Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Ta Gia chia sẻ: “Hợp tác xã có 7 thành viên, trong đó 5 xã viên trực tiếp tham gia thực hiện mô hình nuôi cá lồng từ tháng 4/2017. Được hỗ trợ lồng cá, mỗi thành viên bỏ ra 40 triệu đồng mua 3 vạn giống cá trắm, rô phi, trê phi và thức ăn. Hiện nay, cá sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên về lâu dài, Hợp tác xã mong muốn tỉnh, huyện giúp đỡ tìm đầu ra cho sản phẩm và hỗ trợ đơn vị tiếp cận vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển, nhân rộng mô hình”.
Được hỗ trợ từ Dự án nuôi cá lồng từ năm 2015, đến nay, gia đình chị Lường Thị Thảo - bản Khem (xã Ta Gia) duy trì mô hình với 6 lồng nuôi cá: trắm, chép, rô phi. Theo kinh nghiệm của chị, để nuôi cá lồng thành công, yếu tố quan trọng là lựa chọn địa điểm đặt lồng, chọn giống cá tốt và thường xuyên kiểm soát dịch bệnh trên đàn cá. Nuôi cá lồng trên hồ thủy điện so với phương thức truyền thống cho hiệu quả kinh tế cao hơn, cá tăng trưởng nhanh, khả năng kháng bệnh cao. Mỗi năm, trừ chi phí, 1 lồng cá gia đình chị thu gần 10 triệu đồng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ cá thương phẩm rất khó khăn, không ổn định, chủ yếu là bán lẻ.
Theo thống kê của huyện Than Uyên, hiện nay, toàn huyện có khoảng 252 lồng cá của người dân, hợp tác xã, công ty, doanh nghiệp, tập trung ở các xã: Ta Gia, Khoen On, Mường Kim, Mường Mít. Các giống cá chủ yếu là: trắm, chép, rô phi, trê, tầm, lăng… Nhiều hộ dân thay đổi cách làm, chuyển từ nuôi ao sang nuôi cá lồng có sự đầu tư về kỹ thuật, con giống, tạo thành vùng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Sản phẩm được làm ra cung cấp thị trường trong và ngoài huyện với sản lượng đánh bắt, nuôi trồng trong 7 tháng đầu năm đạt trên 170 tấn.
Có thể khẳng định, nghề nuôi cá lồng ở Than Uyên là hướng đi đúng, cơ bản giải quyết bài toán khó khăn về việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm hộ dân, nhất là người dân tái định cư bị thu hồi đất sản xuất làm thủy điện. Quan trọng hơn, bà con biết cách tổ chức, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí, mang lại thu nhập cao.
Chủ trương của huyện đến năm 2020 phấn đấu nuôi 300 lồng cá trên hồ Thủy điện Bản Chát, Huội Quảng, tương đương với 300 tấn cá cho thu hoạch mỗi năm. Với những khó khăn, vướng mắc hiện nay về vốn, đầu ra cho sản phẩm, thiết nghĩ các hộ dân cần phải xây dựng được thương hiệu. Tỉnh, huyện có cơ chế liên doanh, liên kết với công ty, doanh nghiệp nhằm tăng cường sự định hướng phát triển, lựa chọn con giống, bao tiêu sản phẩm cho bà con. Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư sản xuất. Chính quyền địa phương, Nhân dân trong vùng lòng hồ thủy điện chủ động quy hoạch, mở rộng diện tích nuôi cá lồng.
Phương Ly
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.