• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khó khăn trong việc quản lý cấm khai thác thủy sản đầu mùa lũ

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp, 11/08/2017
Ngày cập nhật: 13/8/2017

Từ cuối năm 2015, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành quy định về việc cấm khai thác thủy sản giai đoạn từ ngày 1/5 - 1/7 hằng năm nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Song do nhiều nguyên nhân, tình trạng khai thác tận diệt nguồn thủy sản đầu mùa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp ở khu vực đầu nguồn.

Ra quân bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Ông Lê Hoàng Nam - Trưởng Trạm Thủy sản vùng 1 (quản lý huyện Hồng Ngự, TX.Hồng Ngự và huyện Tân Hồng) cho biết, mùa lũ 2017 là năm thứ 2 áp dụng các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cũng như tổ chức nhiều đợt ra quân kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm.

Theo số liệu thống kê tính từ đầu tháng 4/2017, trạm phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chuyên ngành tổ chức 6 đợt ra quân kiểm tra. Kết quả, xử lý 6 trường hợp vi phạm, chủ yếu là sử dụng ngư cụ cấm khai thác, tiến hành tịch thu tang vật và bàn giao chính quyền địa phương xử phạt với số tiền 9 triệu đồng. Ngoài ra, còn phát hiện 25 trường hợp vi phạm khác nhưng do vi phạm lần đầu nên được đoàn kiểm tra nhắc nhở, cho ký cam kết, không tái phạm.

Tuy nhiên theo đánh giá của ông Nam, việc tổ chức ra quân, kiểm tra xử phạt chỉ giải quyết được “phần ngọn”, đoàn kiểm tra vừa rời đi, người dân lại tái phạm do đa phần các đối tượng là người nghèo không đất sản xuất, mưu sinh mùa lũ là thu nhập chính. Nên khi kiểm tra xử phạt xong, họ lại càng khai thác nhiều hơn để gỡ gạt. Đó là chưa kể đoàn kiểm tra đôi khi cũng “chùn tay” khi chứng kiến người vi phạm... quá nghèo.

Ngoài ra, lực lượng của trạm hiện nay là 7 người mà phạm vi quản lý gồm địa bàn huyện Hồng Ngự, TX.Hồng Ngự và huyện Tân Hồng, do đó rất khó quán xuyến hết.

“Nhiều lần chứng kiến cha mẹ thì đánh bắt, con nhỏ nheo nhóc ở trên ghe. Đứa lớn thì làm tiếp cha mẹ, đứa nhỏ phải buộc một chân vô thành ghe vì sợ té xuống sông. Tình cảnh vậy xử phạt quá căng cũng không nỡ” - ông Nam chia sẻ.

Giải pháp hiện nay theo ông Nam là nên có cơ chế chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp. Ngoài ra, cơ chế chính sách cũng nên có chế tài, xử phạt đối với người buôn bán, vận chuyển cá con. Nếu cắt đứt được “đầu ra” sẽ phần nào hạn chế được tình trạng người dân đánh bắt tận diệt.

Hiện nay, trên các cánh đồng của huyện Hồng Ngự, TX.Hồng Ngự dễ dàng chứng kiến tình cảnh “trùng trùng, điệp điệp” các loại dớn, lưới bắt cá. Dưới các sông lớn như sông Sở Thượng cũng bắt đầu có dớn đặt ven sông.

Bà Bùi Thị Sương (60 tuổi, ngụ xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự) có hơn 10 năm hành nghề đặt dớn, giăng câu, thả lưới. Theo nghề “bà cậu”, những năm đầu, vợ chồng bà “ăn nên làm ra” khi cá, tôm rất nhiều. Thậm chí vợ chồng bà còn tậu được vài chục công ruộng cũng nhờ công việc mưu sinh mùa lũ. Nhưng hiện nay khi nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, vợ chồng bà ráng bám trụ mong muốn có đồng ra đồng vô để sống qua mùa lũ. “Nước quay đầu mùa thì đặt dớn trên ruộng, giờ nước tràn đồng thì đặt dớn dưới sông, đủ vợ chồng sống qua ngày. Chứ lớn tuổi rồi đi làm thuê cũng đâu ai mướn”, bà Sương than thở. Hỏi bà Sương về mùa vụ cấm khai thác cũng như ngư cụ cấm sử dụng, bà Sương đều khá mơ hồ.

Đại úy Dương Trung Tính - Trưởng Công an xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự cho biết, đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với Ban chỉ huy quân sự xã kiểm tra và xử phạt các trường hợp vi phạm khi khai thác thủy sản. Tuy nhiên, vấn đề xử phạt trường hợp đặt dớn rất khó khăn. Một phần vì số lượng quá nhiều, các địa phương khác cũng không mạnh tay, do đó khi xã làm căng người dân sẽ so bì, kỳ kèo.

Cuối năm 2015, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành quy định mùa vụ cấm khai thác và các loại ngư cụ cấm khai thác nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Cụ thể, từ ngày 1/5 - 1/7 hằng năm là thời điểm cấm khai thác không riêng cá linh mà tất cả các loại thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh. Các loại ngư cụ có mắc lưới nhỏ, xiệt điện, đánh bắt thủy sản bằng các loại thuốc... đều cấm sử dụng. Đi kèm với các lệnh cấm là các mức chế tài tương ứng. Đặc biệt có mức xử phạt cao đối với hành vi cố tình tái phạm.

Mai Lộc

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang