Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 10/08/2017
Ngày cập nhật:
13/8/2017
Ao nuôi tôm he chân trắng của gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, thôn Đông Thành cho hiệu quả kinh tế cao.
Về xã ven biển Đa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) trong những ngày này chúng tôi cảm nhận khí thế lao động sản xuất sôi động, người dân đang khẩn trương thu hoạch sản phẩm vụ xuân hè năm 2017.
Vừa hướng dẫn khách tham quan khu nuôi tôm he chân trắng trên diện tích 4 ha, anh Nguyễn Văn Dũng (thôn Đông Thành, xã Đa Lộc) cho biết: Các năm gần đây, anh đã vào các tỉnh miền Nam để mua con giống bảo đảm chất lượng; đầu tư cơ sở hạ tầng ao nuôi đồng bộ, hiện đại, đối tượng nuôi là tôm he chân trắng, 2 vụ/năm. Năng suất tôm he chân trắng thương phẩm bình quân đạt 14 tấn/ha/vụ. Sau khi đã trừ các chi phí, gia đình anh còn lãi gần 500 triệu đồng/ha/năm. Không những làm giàu cho gia đình, khu nuôi tôm của gia đình anh còn tạo việc làm cho một số lao động. Kinh nghiệm nuôi tôm he chân trắng thành công của anh Dũng là chọn mua được con giống sạch bệnh; quản lý tốt môi trường nuôi để không xảy ra dịch bệnh và gắn với “đầu ra” ổn định.
Cùng chúng tôi đi thăm một số mô hình nuôi thủy sản trên địa bàn xã, đồng chí Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho biết: Hiện nay, xã có 436 ha nuôi thủy sản nước mặn, 30 ha nuôi nước ngọt, 186 ha nuôi nước lợ. Để tránh thất thiệt do nuôi tôm sú độc canh, các năm vừa qua UBND xã đã chỉ đạo chủ đồng “phá” thế độc canh tôm sú đưa 100% diện tích nuôi nước lợ áp dụng hình thức xen canh, luân canh đa thời vụ, đa đối tượng thủy sản (tôm sú, tôm he chân trắng, cua là đối tượng nuôi chính, tôm rảo, rau câu và các loại cá). UBND xã Đa Lộc đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền cho bà con xây dựng hệ thống cống, cải tạo ao đầm đúng kỹ thuật; chọn mua con giống bảo đảm chất lượng và đã qua kiểm dịch của cơ quan chức năng; thả nuôi đúng hướng dẫn kỹ thuật để đạt hiệu quả cao và bền vững.
Thực tế cho thấy so với nuôi độc canh tôm sú trên cùng diện tích, nuôi luân canh, xen canh các đối tượng thủy sản khác giá trị tăng cao hơn khoảng 30 -40%. Giá trị nuôi trồng thủy sản của xã đạt từ 22 tỷ đồng (năm 2015) lên 34 tỷ đồng (năm 2016). Hàng chục hộ gia đình trong xã như Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Văn Giang, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Hữu... có kinh nghiệm, kỹ thuật và nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống cống, cải tạo ao đầm đúng kỹ thuật, mua con giống đảm bảo chất lượng đã làm giàu từ nghề nuôi thủy sản.
Để nghề nuôi thủy sản của xã phát triển bền vững và có hiệu quả, nhằm tạo thêm việc làm, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân vùng triều, UBND xã Đa Lộc đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, kêu gọi nguồn vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp, thoát nước đầu mối và nâng cấp đê bao vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, phát tài liệu đến hộ nuôi kỹ thật cải tạo ao đầm, kiến thức kiểm tra, đánh giá chất lượng tôm giống, chăm sóc, quản lý tôm nuôi, quản lý môi trường vùng nuôi, sử dụng hóa chất, thức ăn, thuốc kháng sinh đúng liều lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và bảo vệ môi trường. Xây dựng các mô hình trình diễn và chuyển giao khoa học - kỹ thuật nuôi các đối tượng thủy sản mới cho hộ nông dân học kinh nghiệm; tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng con giống trước khi cung cấp cho người nuôi. Từ các mô hình nuôi thủy sản có hiệu quả, xã sẽ tiến hành tổng kết thực tiễn sản xuất, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể, chi tiết về đối tượng nuôi để phổ biến rộng rãi cho người dân. Tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đưa 100% diện tích nuôi thủy sản vào nuôi đa con, đa canh và đa thời vụ. Chuyển một số diện tích nuôi nội đê sang nuôi công nghiệp, bán công nghiệp các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm he chân trắng. Xã khuyến cáo các chủ đồng nuôi cần mua tôm giống của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có đủ giấy chứng nhận kiểm tra, kiểm dịch, đưa vào nuôi đúng hướng dẫn kỹ thuật để đạt hiệu quả kinh tế cao. Khi phát hiện tôm, cá nuôi có hiện tượng dịch bệnh, có biện pháp xử lý theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, không tùy tiện thải nước bừa bãi trong ao nuôi tôm có dịch bệnh ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh trong vùng.
Thùy Dương
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.