Nguồn tin: Báo Đà Nẵng, 26/01/2017
Ngày cập nhật:
30/1/2017
Tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (tỉnh Đà Nẵng) ngày cuối năm, người lên tàu ra biển, người khẩn trương về quê, cũng có nhiều người tất bật mua những mớ cá cuối cùng đem về chợ bán cho kịp phiên chợ cuối năm.
Đón Tết trên biển
Vận chuyển lương thực, thực phẩm lên tàu để đón Tết trên biển
Dẫu cái Tết cổ truyền đang đến cận kề nhưng một số ngư dân vẫn đang khẩn trương lấy đá, nhiên liệu để ra biển. Với họ, chuyến biển này là chuyến biển xuyên Tết, đón Giao thừa và ăn Tết trên biển.
Năm nay thời tiết không thuận lợi nên số lượng ngư dân ra biển để khai thác trong Tết cũng giảm hơn so với năm trước.
Ngư dân Nguyễn Văn Tuấn (quê Bình Định) cho biết, anh vừa trở về đất liền để bán cá sau chuyến biển dài 15 ngày. Anh và các lao động về quê thăm gia đình 3 ngày rồi quyết định trở lại tàu, chuẩn bị nhiên liệu, thực phẩm để ra biển, chấp nhận đón Tết xa nhà. Để cho ngư dân cũng có không khí xuân, anh chuẩn bị 5 thùng bia kèm nước ngọt, rượu, mứt, bánh chưng, thịt heo để sẵn trên tàu.
“Năm nay là năm thứ ba tôi và các lao động đón Tết trên biển. Đã vài Tết rồi nên chúng tôi cũng quen với không khí xuân trên biển. Vì vậy, khi tôi thông báo tàu sẽ đi qua Tết thì anh, em ai cũng đồng thanh đi. Chuyến biển xuyên Tết lúc nào cũng được “lộc”, sau Tết có thu nhập cao”, anh Tuấn nói.
Ngư dân chuẩn bị đá cho chuyến biển xuyên Tết
Cùng với anh Tuấn, con tàu hơn 1.000 CV của anh Nguyễn Toàn (trú Quảng Bình) cùng với 12 lao động làm nghề lưới rê ba lớp cũng quyết tâm ăn Tết trên biển. Anh Toàn cũng chuẩn bị đầy đủ bia, nước ngọt, các loại thức ăn, bánh trái để ngư dân đón Tết trên biển vui tươi, đầm ấm.
“Chúng tôi dự định ngày mồng 5 Tết sẽ cập cảng để bán cá. Chuyến đi tuy ít ngày nhưng dự báo sẽ cho thu nhập cao vì thời tiết trong Tết sẽ ấm lên. Hơn nữa, dịp Tết, ít ngư dân ra biển, giá cả sẽ cao hơn ngày thường”, anh Toàn chia sẻ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong những ngày Tết Nguyên đán, nhiều tàu cá ngư dân vẫn bám biển vừa sản xuất vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh thành ven biển quan tâm động viên tinh thần, vật chất cho các hộ ngư dân này ngay trong dịp Tết, cũng như theo dõi, bám sát tình hình diễn biến thời tiết, khai thác trên biển để kịp thời hỗ trợ, giúp ngư dân yên tâm sản xuất…
Cá thu lên ngôi
Sáng 28 và 29 tháng Chạp, Cảng cá Thọ Quang ít người hơn hẳn so với những ngày bình thường. Bởi thời gian này, đa phần ngư dân đã nghỉ Tết, tàu thuyền được neo đậu cẩn thận.
Một số ngư dân tranh thủ chuyến biển cuối năm với hy vọng trúng nhiều cá thu để đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong dịp Tết.
Ngư dân Nguyễn Văn Hà (Mộ Đức, Quảng Ngãi) cùng với 7 lao động vừa trở về sau chuyến biển cuối năm ở ngư trường Hoàng Sa. Sản lượng đem về không nhiều nhưng với giá cả cuối năm rất cao nên mỗi lao động cũng lận lưng hơn 10 triệu đồng/10 ngày ra biển.
“Năm nào tôi cũng là những ngư dân cuối cùng chở cá về cảng để bán. Năm này thời tiết trên biển xấu nên sản lượng đánh bắt ít nhưng đổi lại giá cao nên cũng dư chút đỉnh về quê ăn Tết”, anh Hà chia sẻ.
Những ngày này, các tiểu thương cũng tranh thủ đến sớm để mua cá về bán phiên chợ cuối năm. Thời tiết xấu nên những ngày cận Tết rất ít cá, cá thu vẫn là sự lựa chọn của nhiều tiểu thương, mặc dù giá rất cao.
Bình thường giá cá thu trung bình từ 150.000 đồng đến 180.000 đồng thì nay tăng lên gấp đôi. Dẫu vậy, ai cũng kiếm cho mình vài chục ký cá thu để đem về chợ bán.
Chị Nghĩa chuyên bán cá ở chợ Hòa An cho biết, phiên chợ cuối năm giá cả rất đắt đỏ nhưng mua về bao nhiêu bán hết bấy nhiêu nên cũng rất mừng. “Cá ở cảng mấy hôm nay khan hiếm vì ngư dân ít ai ra khơi. Hầu như trên cảng chỉ có cá thu nên chị em tiểu thương đến đây buộc phải mua loại cá cao cấp này về bán lại. Tuy vậy, nhờ đời sống của người dân được nâng cao nên họ cũng chuộng loại cá này”, chị Nghĩa vui mừng nói.
Theo Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, những ngày cận Tết Đinh Dậu, lượng hải sản về cảng cá thấp so với Tết năm ngoái. Nguyên nhân năm nay biển động nên ngư dân nghỉ Tết sớm, chỉ còn một bộ phận ngư dân Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định ra khơi muộn nên mới có cá đem về để bán cho người dân.
NGỌC PHÚ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.