Nguồn tin: Nhân Dân, 30/01/2017
Ngày cập nhật:
1/2/2017
Cua Năm Căn (Cà Mau) không chỉ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước mà đã xuất khẩu ra nước ngoài. Ảnh: LÂM PHÚ
Tỉnh Cà Mau do có vị trí địa lý đặc biệt với ba phía giáp biển, cho nên không chỉ có tài nguyên phong phú đa dạng, nhiều sản vật thiên nhiên từ rừng biển, mà còn là những điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Vấn đề đặt ra là Cà Mau làm gì để khai thác lợi thế “thị trường nội tại” để đặc sản Đất Mũi đến với mọi miền Tổ quốc.
Sản vật từ rừng, biển
Thời gian qua tỉnh Cà Mau đã có nhiều nỗ lực xây dựng nhãn hiệu tập thể cho một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản có sản lượng lớn, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng và đang dần trở thành thương hiệu uy tín, có doanh số bán ngày càng tăng. Trong đó đáng chú ý nhóm đặc sản vùng rừng ven biển được chế biến từ tôm, cua, sò huyết, nghêu, vọp, ốc leng, cá dứa... ngon có tiếng, như “tôm khô Rạch Gốc”, “cua Năm Căn - Cà Mau”. Hay nhóm đặc sản vùng rừng tràm cũng có “mật ong U Minh” và các sản phẩm nuôi trồng, chế biến truyền thống khác như “khô cá bổi Trần Văn Thời”, “mắm cá lóc Thới Bình”, hay “cá chình, cá bống tượng Tân Thành”... đều là những thương hiệu đã có chứng nhận, được ưa chuộng và đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế của địa phương, số loại sản phẩm đặc sản có được chứng nhận nhãn hiệu còn khá khiêm tốn. Vì vậy sắp tới Cà Mau sẽ có thêm nhiều nhãn hiệu tập thể cho những mặt hàng đặc sản có chất lượng tốt, sản lượng lớn, được người tiêu dùng ưa chuộng, như dưa bồn bồn, khô cá khoai, chuối khô...
Đây là hướng đi phù hợp trên tiến trình hội nhập và quan trọng hơn giúp thay đổi nhận thức của cả người sản xuất, lẫn người tiêu dùng theo hướng tích cực. Từ tổ chức nuôi trồng, khai thác, chế biến một cách khoa học, nguyên liệu phải đạt kích cỡ thương phẩm chất lượng cao, không chấp nhận khai thác “bán non”, từ đó hạn chế cách “săn bắt hái lượm” tự nhiên sẽ dẫn đến lạm sát, gây cạn kiệt nguồn lợi tài nguyên rừng biển.
Có thể vươn xa
Người dân Đất Mũi xác định, xây dựng được thương hiệu đã khó, nhưng để giữ được và quảng bá thương hiệu trên thị trường còn khó hơn. Do đó, các chủ nhãn hiệu tập thể không chỉ đầu tư, suy nghĩ để phát triển, bảo vệ vùng nguyên liệu cho các sản phẩm đặc sản đã có nhãn hiệu, mà còn buộc phải tổ chức sản xuất thành làng nghề phù hợp có kiểm soát theo chuỗi chất lượng từ vùng nguyên liệu đầu vào, đến tận đầu ra của thành phẩm.
Thí dụ như để thương hiệu “cua Năm Căn - Cà Mau” được người tiêu dùng ưa chuộng, thì các chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể này phải “khoanh vùng nuôi” để thu gom cua nguyên liệu đạt chuẩn, hướng dẫn nông dân, cơ sở thu mua chọn và phân loại cua đạt kích cỡ từng loại. Các chủ nhãn phải biết liên kết, hợp tác và cùng quyết tâm không thu mua, không dán nhãn, xuất bán sản phẩm chưa đạt kích cỡ chuẩn, nhằm tránh tình trạng khai thác bán cua non hay khai thác tận diệt, vừa bảo đảm uy tín chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng, có như thế thương hiệu “cua Năm Căn - Cà Mau” mới phát triển bền vững và có thể vươn xa hơn.
Tương tự, thương hiệu “mắm cá lóc Thới Bình - Cà Mau” hiện đã có uy tín, cần phải có giải pháp giữ cho bền vững bằng việc duy trì chất lượng thơm ngon ổn định, luôn có đủ sản phẩm để bán trên thị trường.
Còn các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch bằng nguyên liệu địa phương như đũa đước, giá võng, hàng tre trúc… cần có sự hợp tác thành làng nghề, được đăng ký nhãn hiệu, có trang bị điều kiện đóng gói hàng thành đai kiện gọn nhẹ để dễ vận chuyển.
Về lâu dài, để tham gia và đứng vững được trên thương trường trong thời kỳ hội nhập hiện nay, tỉnh Cà Mau cần tiếp tục hoàn thiện những bước đi và có tầm nhìn chiến lược cho từng thương hiệu đặc sản “quê mình” một cách bài bản theo hướng chuẩn hóa các khâu sản xuất để luôn bảo đảm uy tín chất lượng.
NGUYỄN VĂN THƯỚC
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.