• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Rộn ràng mùa đánh bắt thủy sản

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 18/08/2017
Ngày cập nhật: 21/8/2017

Những ngày gần đây, mưa bão kết hợp với triều cường, lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về làm cho mực nước trên các nhánh sông ở Hậu Giang dâng cao tạo điều kiện cho không khí đánh bắt thủy sản của người dân trở nên nhộn nhịp.

Tại một số điểm chợ huyện trên địa bàn tỉnh, sản lượng cá đồng ngày một nhiều và giá bán khá ổn định.

Vẫn như mọi ngày, hơn 4 giờ chiều, chạy dọc theo các cánh đồng thuộc tuyến Quốc lộ 61C (đường nối Vị Thanh - Cần Thơ) không khó để thấy không khí đánh bắt cá của người dân. Cách thức khai thác thủy sản của người dân địa phương cũng khá phong phú như: giăng lưới, đặt trúm, cắm câu, đặt lờ, đặt dớn, đẩy côn… Anh Bùi Công Thành, ở ấp 11, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: “Hơn nửa tháng nay, chiều nào tôi cũng tranh thủ thu xếp công việc gia đình, tất bật chuẩn bị mồi để đặt 150 ống trúm kiếm thêm thu nhập”.

Trên thực tế, chịu ảnh hưởng từ những cơn mưa bão vừa qua, mực nước tại ruộng và các nhánh kênh, sông ở địa phương lên nhanh, ước cao hơn 2 tấc so với cùng kỳ năm rồi. Với mực nước lý tưởng này, không riêng anh Thành mà người dân địa phương sống bằng nghề câu, lưới đã chính thức vào vụ đánh bắt thủy sản. Anh Thành cho hay, thông thường anh đi dọc những mảnh ruộng quanh nhà để đặt trúm, trung bình kiếm được khoảng 5kg lươn đồng/ngày. Khi mang ra chợ bán lẻ với giá 80.000-110.000 đồng/kg, đã thu về từ 350.000-400.000 đồng/ngày, sau khi trừ chi phí.

Tương tự, hơn 5 năm mưu sinh trên sông nước, ông Nguyễn Văn Sơn, ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, cho hay: “Để chuẩn bị cho mùa nước nổi năm nay, vợ chồng tôi đã mua 500m lưới giăng và hơn 300 cái lọp để đánh bắt cá, tép… Đồng thời, sẽ kết hợp với việc chuẩn bị lưới mùng để làm vèo nuôi thêm cá lóc, cá thát lát kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt gia đình”.

Theo ông Sơn, mấy năm gần đây, nguồn lợi thủy sản bản địa tự nhiên đã cạn kiệt đi rất nhiều. Do vậy, sự thay đổi cách thức bắt cá sang bắt tép sẽ giúp gia đình ông thu về nhiều thành quả đáng kể. Ngay tại thời điểm này, tuy mực nước chưa chụp đồng, nhưng với số lưới và lọp đặt tép kể trên đã giúp ông đánh bắt hơn chục ký cá, tép mỗi ngày.

“Đầu vụ mà được vậy thì đến cao điểm mùa nước nổi năm nay tôi nghĩ nguồn lợi thủy sản chắc chắn sẽ nhiều hơn. Lúc đó, tùy tình hình mà tôi có thể sử dụng thêm một số ngư cụ khác để khai thác thêm. Bởi lẽ, tôi còn nghe thông tin các đập thủy điện ở đầu nguồn sông Mekong đang xả nước nên ít nhiều gì các loài sản vật tự nhiên như: tôm, cá, tép… sẽ theo dòng nước về phía hạ nguồn lưu trú và sinh sản. Mùa lũ này, nhiều người sống bằng nghề câu, lưới như chúng tôi chắc chắn sẽ ăn nên làm ra”, ông Sơn hy vọng.

Còn bà Nguyễn Thị Vui, tiểu thương bán cá tại chợ Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, cho hay: “Kể từ khi vào mùa mưa bão đến nay, sản lượng cá đồng tại chợ này bắt đầu tăng và tôi mua đi bán lại khoảng 20kg cá đồng/ngày. Tuy sản lượng không nhiều, nhưng so với một vài năm trước thì mừng rồi. Phấn khởi hơn là thời điểm này giá cá đồng vẫn giữ ở mức khá cao và ổn định. Cụ thể, cá rô đồng, cá lóc, cá trê vàng, cá chạch bùn có giá bán từ 50.000-120.000 đồng/kg; tép, cá lòng tong, cá chốt, cá sặc dao động từ 30.000-110.000 đồng/kg”.

Có thể nói, từ xưa đến nay, các loài sản vật miền sông nước tự nhiên như: tôm, cua, cá chưa bao giờ mất đi giá trị vốn có. Vì vậy, hễ bước vào giữa tháng 7 hàng năm, cùng với một số tỉnh thượng nguồn như: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… thì người dân chuyên sống bằng nghề câu lưới ở Hậu Giang đã sẵn sàng tư thế đón cá mùa nước nổi. Còn tại các điểm chợ huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh, không khí trao đổi, mua bán của các tiểu thương với người tiêu dùng diễn ra rộn ràng và tấp nập hơn bao giờ hết…

Chí Công

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang