Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 25/08/2017
Ngày cập nhật:
27/8/2017
Những năm qua, cùng với việc chuyển đổi các thửa ruộng chiêm trũng kém hiệu quả thành vùng thâm canh nuôi trồng thủy sản hiệu quả, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tam Hồng (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) đã thành lập mô hình nhóm liên kết nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao năng suất, giá trị vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình.
Với gần 1 ha nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả, nuôi vịt sinh sản, gia đình anh Nguyễn Văn Hồng, thành viên nhóm liên kết nuôi trồng thủy sản xã Tam Hồng (Yên Lạc) thu lãi 150-200 triệu đồng/năm. Ảnh Hoàng Long
Hiện nay, xã Tam Hồng có trên 100 hộ nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích gần 200 ha, sản lượng ước đạt trên 150 tấn/năm, hầu hết các hộ nuôi đều áp dụng theo mô hình VAC và có hướng chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi bán công nghiệp nhằm nâng cao năng suất, giá trị vật nuôi. Tuy nhiên, hầu hết các hộ đều chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên không phát huy hết lợi ích từ chăn nuôi đem lại do đầu ra bị động, khó khăn về vốn, kỹ thuật nuôi trồng... Trước thực trạng đó, năm 2016, 11 hộ gia đình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đã thành lập nhóm liên kết nuôi trồng thủy sản với phương châm đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau về vốn, con giống và kỹ thuật chăm sóc.
Ông Nguyễn Kim Ngọc, Chủ tịch Hội nông dân xã Tam Hồng cho biết: Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mô hình nhóm liên kết nuôi trồng thủy sản bước đầu phát huy hiệu quả, đem lại những lợi ích thiết thực cho các thành viên. Với 11 hộ gia đình, được chia làm hai nhóm: Nhóm liên kết vùng Thượng Lưu, có 6 thành viên và nhóm liên kết vùng Phú Lâm, có 5 thành viên. Sau khi thành lập, nhóm liên kết đã được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi 500 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và trao đổi kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản và phát triển mô hình trang trại. Nhờ đó, các hộ đã mạnh dạn đầu tư vào con giống, thức ăn và đem lại doanh thu từ vài trăm đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Tiêu biểu như gia đình anh Nguyễn Văn Hồng, thành viên nhóm liên kết vùng Phú Lâm cho biết: Năm 2004, nhận thấy những diện tích đất chiêm trũng trồng lúa không hiệu quả, gia đình tôi đã chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi vịt, trồng bưởi diễn và mít thái với tổng diện tích trên 1ha. Những năm đầu chuyển đổi do kinh nghiệm chưa nhiều, kiến thức còn thiều, gia đình tôi đã gặp không ít khó khăn. Với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương cũng như Hội Nông dân xã cùng sự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của những mô hình trang trại hiệu quả kinh tế cao, đến nay, trang trại gia đình tôi đã hoạt động ổn định và cho thu nhập cao. Đặc biệt, từ khi gia nhập nhóm liên kết nuôi trồng thủy sản, chúng tôi đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ nông dân, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ đó, năng suất và giá trị vật nuôi của gia đình đã tăng lên rõ rệt. Hiện nay, với 1 ha nuôi trồng thủy sản, gần 200 gốc bưởi diễn, 20 gốc mít thái và trên 700 con vịt sinh sản, gia đình tôi thu lãi 150-200 triệu đồng/năm. Nhờ đó, chúng tôi có điều kiện xây dựng nhà cửa và nuôi dạy các cháu ăn học đầy đủ.
Bên cạnh việc giúp đỡ nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật, con giống và xử lý dịch bệnh, các thành viên trong nhóm liên kết đã giúp nhau có một đầu ra ổn định, tránh sự ép giá của các thương lái. Ông Vũ Văn Thâu, Trưởng nhóm liên kết vùng Phú Lâm cho biết: Trước đây, vào mùa thu hoạch cá, các hộ nuôi trồng thủy sản ồ ạt thu hoạch cùng một lúc, nhiều khi xuất bán không kịp, thương lái ép giá người dân dẫn đến giá trị kinh tế thấp. Từ khi thành lập nhóm liên kết nuôi trồng thủy sản, chúng tôi đã phân định thời gian thu hoạch cho từng hộ, khi hộ này thu hoạch xong mới đến hộ tiếp theo thu hoạch. Cùng với đó, nhóm liên kết đã giúp các hộ nông dân đang sản xuất đơn lẻ, manh mún tạo ra một vùng sản xuất ổn định và bền vững, giúp các hộ mạnh dạn hơn trong đầu tư và mở rộng quy mô, diện tích nuôi trồng của gia đình. Đặc biệt, các thành viên có thể trực tiếp phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi và tham gia tìm kiếm thị trường đầu ra để cùng nhau cùng tiến bộ và phát triển. Hiện nay, trong nhóm có một số thành viên rất muốn chuyển đổi nuôi cá truyền thống sang chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Tuy nhiên, sự khó khăn về nguồn vốn vẫn đang là rào cản lớn nhất khiến các hộ chưa thực hiện được dự định của mình. Mong rằng, các cấp, các ngành cùng chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi nhiều hơn nữa để ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn được phát triển và bền vững hơn.
Với những thành công bước đầu từ mô hình nhóm liên kết nuôi trồng thủy sản xã Tam Hồng, hy vọng rằng đây sẽ là tiền đề để nhiều hơn nữa những mô hình hợp tác, tổ hợp tác, nhóm liên kết cây trồng, vật nuôi trên địa bàn sẽ được thành lập. Cùng với đó sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích hơn nữa của các cấp, các ngành để chăn nuôi thủy sản nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung ngày càng phát triển góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Hồng Tính
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.