• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Triển vọng làm kinh tế từ trang trại nuôi cá cảnh quý hiếm

Nguồn tin: Báo Tây Ninh, 30/01/2017
Ngày cập nhật: 2/2/2017

Những ngày Xuân về Tết đến, chúng tôi có dịp đến ngắm những loài cá quý hiếm được ông Nguyễn Thành Sang, 58 tuổi, nuôi sinh sản thành công.

Trang trại của ông Sang được thành lập hai năm nay ở ấp Khởi Trung, xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu với diện tích hơn 2.000m². Trong đó có 40 hồ, diện tích mỗi hồ khoảng 3m², kinh phí đầu tư gần 500 triệu đồng.

Tuyển chọn cá Ranchu.

Ông Sang nuôi sinh sản thành công ba loại cá quý hiếm là Ranchu có nguồn gốc từ Nhật Bản, cá bảy màu Thái Lan và cá Râu tiên ba sọc.

Ông Sang hướng dẫn chúng tôi xem trong những hồ cá nối tiếp nhau, mỗi hồ có vài chục con cá Ranchu đang được nuôi dưỡng. Trong đó cá Ranchu bố mẹ to hơn cổ tay người lớn; có lứa cá mới bằng ngón chân cái… Các lứa cá này đều rất đẹp. Thân ngắn, đuôi ngắn. Có con toàn thân màu vàng lấp lánh trông như một thỏi vàng. Một số con khác có màu trắng pha vàng hoặc toàn trắng, trông rất lạ.

Ông Sang cho biết, sở dĩ có được đàn cá đẹp như thế này là do ông tuyển chọn từ cả trăm con mới có được một con có ngoại hình đạt yêu cầu.

Cá bảy màu đen thuần chủng được ông Sang nuôi sinh sản thành công.

Theo ông Sang, dù cá còn nhỏ, chưa trưởng thành, nhưng đã có thương lái ở TP.Hồ Chí Minh "đặt cọc" bao tiêu toàn bộ.

Người có công rất lớn trong việc nuôi sinh sản thành công loài cá khó tính này là con trai của ông Sang, anh Nguyễn Anh Khoa, trạc 30 tuổi. Anh Khoa hiện làm chủ một xưởng in, xưởng may quần áo xuất khẩu ở TP.Hồ Chí Minh.

Từ khi còn bé, chàng trai này đã đam mê nuôi cá kiểng. Lớn lên, trong quá trình học Đại học Bách Khoa, Đại học Tin học ở TP Hồ Chí Minh và sản xuất, kinh doanh quần áo, Khoa có điều kiện tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng thành công kỹ thuật nuôi cá Ranchu.

Hiện nay, Khoa là người chịu trách nhiệm về kỹ thuật sinh sản cho cá. Ông Sang lo việc chăm sóc, quản lý trang trại.

Đàn cá Ranchu chưa lớn đủ kích thước đã được thương lái mua hết.

Ngoài việc nuôi cá Ranchu, trang trại của ông Sang còn thành công trong việc nuôi sinh sản cá bảy màu Thái Lan. Gọi là cá bảy màu, vì chúng có hình dáng, kích thước giống cá bảy màu ta thường thấy, chứ thực chất loài cá này quý hiếm ở chỗ thuần chủng, chỉ có một màu đen tuyền hoặc đỏ tươi.

Trung bình, mỗi cá mẹ sinh ra khoảng 50 cá con/lần và chỉ được cho sinh sản không quá 3 lần. 10 tuần sau khi sinh, cá con trưởng thành, được bán ra với giá 9.000 đồng/con. Loài cá này cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh, Singapore và Thái Lan.

Tuy nhiên, để nắm được bí quyết nuôi cá bảy màu loại này sinh sản là chuyện không phải dễ. Hơn hai năm qua, cha con ông Sang đã trải qua bốn lần thất bại ê chề, vì cá sinh sản không thành công hoặc cá chết hàng loạt. "Nhiều khi cá chết hàng loạt, buồn, nản, không dám vô trại", ông Sang nhớ lại.

Ông Sang giới thiệu khu nhân giống cá bảy màu Thái Lan.

Cha con ông “khăn gói” đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều trại nuôi cá kiểng khác trong khắp cả nước, nhưng đến các trang trại khác cũng chẳng ích lợi gì, vì họ cũng gặp tình trạng cá chết mà không tìm được nguyên nhân.

Trở về nhà, sau nhiều tháng quan sát, nghiên cứu tỉ mỉ, cuối cùng ông Sang và con trai hiểu được tập tính, quy luật của loài cá bảy màu này và tìm ra cách thức cho cá sinh sản đạt hiệu quả.

Ngoài hai loại cá quý hiếm kể trên, cha con ông Sang còn sở hữu bí quyết nuôi loại cá Râu tiên ba sọc sinh sản. Hiện tại, trong các hồ của ông đang có hàng ngàn chú cá Râu Tiên mới lớn bằng ngón tay út và đang sinh trưởng tốt.

Một góc trang trại nuôi cá kiểng của ông Sang.

Ông Sang chia sẻ: nghề nuôi cá kiểng rất công phu. Phải nhập hệ thống lọc khí từ Nhật Bản, phải biết canh độ pH của nước, giăng lưới hạn chế nhiệt độ, ánh sáng. Khu nhân giống phải bao kín bằng lưới kẽm để không cho một số sinh vật khác vào ăn cá.

Quan trọng là phải biết chủ động nguồn thức ăn. Ngoài việc phải mua trùn nước và Artemia (một loại thức ăn cao cấp của cá kiểng), ông Sơn còn phải tự nuôi bo bo (còn gọi là rệp nước) để làm nguồn thức ăn bổ sung.

Tính đến nay, ông Sang là người duy nhất ở Tây Ninh nuôi sinh sản được những giống cá quý hiếm này. Mặc dù còn không ít khó khăn, nhưng nghề nuôi cá kiểng của cha con ông Sang hứa hẹn nhiều triển vọng.

Đại Dương - Quốc Sơn

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang