• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cộng đồng cùng chung tay bảo vệ thủy sản

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 05/09/2017
Ngày cập nhật: 6/9/2017

Tỉnh Hậu Giang có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt và khai thác thủy sản nội đồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc khai thác quá mức đã dẫn đến nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên giảm mạnh.

Các đoàn viên, thanh niên tham gia thả cá để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất phát từ nguyên nhân trên, UBND tỉnh và ngành chức năng, các địa phương đã lập nhiều kế hoạch bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong đó, hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản hàng năm là một cuộc vận động thiết thực nhất. Mục tiêu của hoạt động này là bổ sung, tái tạo một số loài thủy sản bản địa đã suy giảm, đồng thời đa dạng các loài thủy sản. Cùng với đó, tạo điều kiện cho nguồn thủy sản sẽ tiếp tục phát triển, giúp cho cộng đồng sống bằng nghề đánh bắt cá ổn định thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn.

Để cuộc vận động thành công, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng cùng vào cuộc. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì thực hiện. Sở phối hợp với Ban chỉ đạo huyện, thị, thành vận động kinh phí, tuyên truyền. Chi cục Thủy sản tỉnh là đơn vị trực tiếp chuẩn bị nội dung và sự kiện thả cá. Chi cục đã phối hợp với địa phương thường xuyên tuyên truyền công tác bảo vệ thủy sản thông qua hệ thống truyền thanh của huyện, thị, thành phố nhằm nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho người dân. Chi cục trực tiếp kiểm soát chủng loại và chất lượng cá trước khi thả ra, không có sinh vật ngoại lai. Chi cục còn phối hợp với Hội Thủy sản tỉnh vận động các mạnh thường quân quyên góp tiền, cá giống. Ông Bùi Văn Chợ, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh, cho biết: “Hội đã vận động được hơn 10 mạnh thường quân, công ty và một số hộ thả cá thường niên góp trên 15 triệu đồng. Trong đó, thành viên Hội Thủy sản tỉnh thành phố góp được 10 triệu đồng”.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cũng tạo động lực lớn cho cuộc vận động thành công. Qua tuyên truyền, hàng ngàn tăng ni, phật tử đã nhận thấy được ý nghĩa của hoạt động thả cá, phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Vì vậy, mấy năm gần đây, nhiều địa phương như thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy… đã tổ chức được nhiều đợt thả cá do người dân, tăng ni thực hiện. Đặc biệt, tại khu vực 1, phường III, thành phố Vị Thanh, đã thành lập được điểm thả cá thường xuyên. Điểm thả cá đã duy trì hơn 1 năm nay, sinh hoạt vào thứ 7 hàng tuần, thu hút hàng trăm lượt người dân, tăng ni tham gia. Ông Trần Văn Hải, thành viên Điểm thả cá thường xuyên ở phường I, thành phố Vị Thanh, cho hay: “Chúng tôi muốn huy động xã hội hóa công tác tái tạo nguồn lợi, thả bổ sung giống thủy sản trên địa bàn, qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an sinh xã hội…”.

Cũng như mọi năm, cuộc vận động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản được tổ chức ra quân cao điểm từ tháng 8 đến 9-2017. Năm nay, địa điểm thả cá sẽ diễn ra tại sông Nước Đục - khu vực bến đò Tư Sáng, nơi giao nhau giữa 2 xã Tân Tiến (thành phố Vị Thanh) và xã Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ). Đợt này, hàng trăm ngàn con cá thát lát, hô, trê, rô đồng, phi, sặc rằn, hường, chép… sẽ được thả ra ngoài môi trường tự nhiên. Dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 135 triệu đồng. Phần lớn là nguồn vận động xã hội hóa.

Bà Lê Kim Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, nhấn mạnh: “Hàng năm, hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi được thực hiện không chỉ vì mục đích tái tạo mà còn mang thông điệp kêu gọi sự đồng thuận, chung tay của cả cộng đồng. Để công tác bảo vệ nguồn lợi thực sự có hiệu quả và bền vững đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của toàn xã hội. Chúng tôi kêu gọi toàn dân không đánh bắt cá non, cá nhỏ mùa sinh sản để chúng tiếp tục sinh sản, nhân đàn. Có như vậy mới tạo được sinh kế cho người nông thôn, đánh bắt, duy trì cuộc sống”.

Trúc Linh

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang