Nguồn tin: Báo chính phủ, 13/09/2017
Ngày cập nhật:
13/9/2017
Dự kiến từ chiều tối và đêm 15/9, bão đổ bộ vào Thanh Hóa - Quảng Trị. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4 (cấp độ nguy hiểm chưa từng có). Sáng 13/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã họp khẩn; Bộ Công an đã ban hành công điện chỉ đạo ứng phó bão.
Hồi 13 giờ ngày 13/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 đến 90 km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và mạnh lên.
Đến 13 giờ ngày 14/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão; gió bão mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 15; biển động dữ dội.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): trong khoảng từ 13,0 độ Vĩ Bắc đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 109,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn tiếp tục mạnh thêm.
Đến 13 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh Nghệ An - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Từ gần sáng ngày 15/9, ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 7-8, giật cấp 11; từ chiều ngày 15/9, vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió bão mạnh dần lên cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15.
Cấp độ rủi ro thiên tai bão vùng biển ven bờ khu vực Nghệ An đến Quảng Bình: cấp 4.
Cấp độ rủi ro thiên tai bão các khu vực ảnh hưởng khác: cấp 3
Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và đi vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị.
Cảnh báo mưa lớn: Từ gần sáng ngày 15/9 đến hết đêm 15/9, ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Hà Tĩnh có mưa to đến rất to (100-300mm/đợt, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400mm.
Từ chiều 15/9 đến hết ngày 16/9, mưa lớn mở rộng ra ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La (100-200mm/đợt, riêng Nghệ An, Thanh Hóa 300-350mm).
Công điện chỉ đạo ứng phó bão số 10
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành công điện số 62/CĐ-TW gửi các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Định và các bộ, ngành trung ương chỉ đạo ứng phó bão số 10.
Theo đó, để chủ động ứng phó với bão số 10 và mưa lũ sau bão, đặc biệt là khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra mưa lớn kéo dài trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ ủy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương, bộ ngành thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, đối với các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định.
Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Thứ hai, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra thời gian qua, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 10, mưa, lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất, các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước do địa phương quản lý đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du.
Thứ ba, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai căn cứ nhiệm vụ được giao, chủ động rà soát kế hoạch, phương án để đảm bảo an toàn cho người, cơ sở hạ tầng và sản xuất, môi trường, sức khỏe của người dân, cộng đồng trong khu vực bị ảnh hưởng của bão, mưa, lũ.
Thứ tư, các bộ ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Thứ năm, Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên cập nhật về diễn biến của bão, mưa, lũ; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Thứ sáu, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo trung ương Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.