Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 14/09/2017
Ngày cập nhật:
15/9/2017
Từ sáng sớm hôm nay (14-9), người dân các xã ven biển bãi ngang Nhân Trạch (Bố Trạch); Hải Ninh (Quảng Ninh) và 3 xã Ngư Thủy (Lệ Thủy) tỉnh Quảng Bình, đã huy động cả làng khiêng tàu thuyền, được coi là “gia sản” của họ vào sâu trong rừng dương, ngõ làng, bãi đất cao để tránh cơn bão số 10.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Quảng Bình, tại các xã bãi ngang Nhân Trạch (Bố Trạch), Hải Ninh (Quảng Ninh) và 3 xã Ngư Thủy (Lệ Thủy) vào sáng nay, công tác ứng phó với cơn bão số 10 đã được lãnh đạo các địa phương và người dân rốt ráo triển khai. Tại xã Nhân Trạch (Bố Trạch) đến thời điểm 14 giờ chiều nay, toàn bộ tàu thuyền, được xem là “gia sản” của ngư dân đã được huy động người dân cả làng cùng nhau khiêng lên neo đậu, chằng néo những nơi cao, khuất để tránh bão được an toàn.
Bà Phan Thị Luân ở thôn Nhân Nam, xã Đức Trạch vừa cột lại những sợi dây thừng cuối cùng neo chặt con thuyền của gia đình vừa cho biết, rút kinh nghiệm những cơn bão trước, mọi người thường chủ quan, chỉ kéo tàu thuyền lên bờ cát, chằng néo sơ sài nên khi bão vào, sóng đánh trôi tàu thuyền, làm vỡ và hỏng tàu nên trước cơn bão số 10 được dự báo là rất mạnh, rất nguy hiểm này, ngay từ sáng sớm, gia đình bà đã "đổi công" góp sức với người làng, đưa tàu thuyền của mình lên thật cao, trong sát nách nhà để chằng néo cho an toàn.
Ngư dân Ngư Thủy Nam huy động lực lượng cả thôn hỗ trợ nhau đưa thuyền đến nơi an toàn
Trong khi đó, tại xã Ngư Thủy Nam, ông Nguyễn Phương Lâm, Bí thư Đảng ủy xã cùng các đồng chí lãnh đạo trong xã ngay từ sáng sớm đã triển khai các phương án, phân công nhau trực tiếp về các thôn chỉ đạo và động viên bà con ngư dân khiêng tàu thuyền lên vùng an toàn để neo đậu, trú ẩn. Ông Lâm cho biết, xã Ngư Thủy Nam có tất cả 350 phương tàu thuyền, đến thời điểm hiện tại (13 giờ ngày 14-9) đã được bà con tập trung đưa vào sâu trong rừng dương để trú ẩn.
Ông Lê Hữu Thông (39 tuổi) ở thôn Liêm Bắc (xã Ngư Thủy Nam) cho biết, gia đình ông có 2 chiếc thuyền (mỗi chiếc trị giá hơn 50 triệu đồng) sáng nay đã được người làng giúp đỡ đưa vào nơi trú ẩn an toàn. "Tui nghe thông tin từ báo, đài cho biết, cơn bão này có sức gió rất mạnh, giật trên cấp 15 nên rất lo lắng, gia đình tui và bà con nơi đây đã triển khai chống bão từ chiều 13, trước hết là phải hỗ trợ nhau đưa tàu thuyền, phương tiện mưu sinh vào nơi an toàn, tránh hư hỏng để sau bão có thể ra biển mưu sinh ngay được..." - ông Thông chia sẻ.
Còn ở xã Ngư Thủy Bắc, ông Trần Quang Cả - Phó Chủ tịch UBND xã cũng cho biết, đến thời điểm này, toàn bộ 480 chiếc tàu thuyền của địa phương đã được lực lượng tại chỗ của xã và bà con ngư dân đưa vào nơi trú ẩn an toàn. "Ngoài việc đưa các phương tiện vào nơi neo đậu, chằng néo chỗ an toàn, xã chúng tôi cũng có 76 nhà tạm với 266 nhân khẩu sinh sống trong đó. Với các hộ này, chúng tôi cũng đặt trong tình trạng báo động, khi tình hình nguy hiểm, bà con sẽ được di tản đến nơi an toàn ngay" -ông Cả nói.
Chùm ảnh phóng viên Báo Quảng Bình ghi lại không khí khẩn trương đưa tàu thuyền lên nơi trú ẩn an toàn của ngư dân các xã ven biển bãi ngang sáng nay:
Người dân Nhân Trạch tập trung lực lượng hỗ trợ nhau đưa những chiếc tàu thuyền cuối cùng lên bờ
Ngư dân Ngư Thủy Nam đưa ngư lưới cụ vào nhà cất giữ tránh bão
Người dân xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh thu hoạch tôm chạy bão số 10
Phan Phương (thực hiện)
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.