Nguồn tin: Người lao động, 15/09/2017
Ngày cập nhật:
15/9/2017
Lúc 9 giờ ngày 15-9, tại Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, trời bắt đầu mưa to gió lớn, nhiều cây xanh bị gãy đổ.
Quảng Trị: Gần 150 nhà tốc mái, hàng trăm ha cao su, hồ tiêu bị gãy đổ.
Ghi nhận đến 10 giờ 30 phút, tại tỉnh Quảng Trị mưa gió rất to và đã có gần 150 nhà dân bị tốc mái cùng hàng trăm ha cao su, hồ tiêu bị gãy đổ.
Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch huyện Vĩnh Linh xác nhận trên địa bàn đã có hơn 100 nhà dân bị tốc mái ở thị trấn Cửa Tùng, xã Vĩnh Giang, Vĩnh Kim. Hàng trăm ha cây cao su, hồ tiêu đã cho kinh doanh bị ngã đổ hoàn toàn ở các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Chấp, Vĩnh Lâm... "Khả năng khi bão số 10 đổ bộ vào đất liền, thiệt hại sẽ rất lớn cho người dân trên địa bàn", ông Hùng nói.
Tại huyện miền núi Đakrông, mực nước sông Đakrông đang dâng cao, đã có gần 30 nhà dân bị tốc mái, 4 xã Ba Lòng, Hải Phúc,. Ba Nang, A Vao bị nước lũ chia cắt, cô lập hoàn toàn. Huyện đã 400 hộ dân sống gần khe suối đến nơi an toàn
Theo lãnh đạo huyện miền núi Hướng hoá, hiện tại trên địa bàn trời mưa rất to, đã có hơn 200 hộ dân ở thị trấn Lao Bảo được di dời đến nơi an toàn.
Hàng trăm ha cao su, hồ tiêu ở huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị bị ngã đổ
Tại huyện Gio Linh, ông Trương Chí Trung - Chủ tịch UBND huyện nói rằng, đã đi kiểm tra ở địa bàn, thiệt hại chủ yếu là cây gãy đổ, những nhà không kiên cố, cấp 4 bị tốc mái. "Do mưa to, gió đang lớn nên chúng tôi chưa có thống kê cụ thể" - ông Trung, cho hay.
Trước đó, theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Quảng Trị, trong đêm 14-9 rạng sáng 15-9 trên địa bàn tỉnh có mưa to và rất to, lương mưa từ 100-200 mm.
Đặc biệt Cửa Việt lượng mưa 278mm, TP Đông Hà 223mm, Cam Lộ 220mm. Mực nước các sông đang ở báo động cấp 1. Đã sơ tán tránh bão 6.506 hộ với 20.136 người. Hiện chưa có thiệt hại về người.
Hiện tại ở thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) có hai tàu tải trọng 3.000 tấn đang cập cảng Cửa Việt. Theo quy định của luật hàng hải không được neo đậu vào thời điểm này, nhưng vì tình thế cấp bách, nên các đơn vị liên quan đang tìm cách xử lý.
Tại huyện đảo Cồn Cỏ mưa gió giật cấp 13, toàn bộ người dân trên đảo đã được sơ tán về trụ sở huyện an toàn.
Tại huyện Vĩnh Linh, trời mưa rất to. Đã có một số nhà dân bị tốc mái, nhiều cây cao su bị gãy đổ tại xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim.
Cây bắt đầu gãy cành
Tại huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông mưa rất to, trên 300ml, nhiều tuyến đường liên xã, thôn bị nước lũ dâng cao, chia cắt.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu lãnh đạo huyện miền núi khẩn trương di dời dân sống ở vùng thấp gần khe suối để tránh lũ ống, lũ quét. Đồng thời cấm tất cả các phương tiện trên sông suối, nhất là khu vực sông Sê Pôn ( biên giới với nước bạn Lào).
Hiện toàn tỉnh có 20.000 người dân đã được sơ tán đến khu vực tập trung, an toàn.
Thanh Hoá: Đường phố Sầm Sơn biến thành sông
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, khoảng 11 giờ trưa ngày 15-9, dù bão số 10 không trực tiếp đổ bộ vào Thanh Hóa, nhưng do đây là cơn bão lớn nên khi vào gần đất liền nước ta đã gây gió to, sóng lớn trên diện rộng nên tỉnh Thanh Hóa đang có mưa rất lớn. Tại các huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hậu Lộc, TP Sầm Sơn có gió giật mạnh, sóng biển dâng cao.
Tại TP Sầm Sơn, sóng biển dâng cao, có nơi lên tới cả mét khiến nước tràn vào phía trong đê làm cho tuyến đường Hồ Xuân Hương chạy dọc bờ biển chìm trong nước, khiến cho nhiều phương tiện xe máy, ô tô lưu thông rất khó khăn. Đặc biệt, vòng xuyến đoạn giao với đại lộ Nam Sông Mã, nước biển ngập sâu khiến nhiều xe máy khi lưu thông qua đây bị chết máy.
Đáng chú ý, ngay khi "siêu bão" số 10 đang tiến vào đất liền, rất nhiều người dân, du khách tỏ ra tò mò, thích thú đã lao ra sát bờ biển Sầm Sơn để chụp ảnh, quay phim sóng biển.
Ngay trong buổi sáng 15-9, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, bà Lê Thị Thìn và ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cũng đã về các địa phương theo dõi diễn biến cơn bão để có biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Đến 12 giờ 30 phút trưa nay 15-9, Thanh Hóa đang có mưa rất lớn, nguy cơ ngập úng có thể xảy ra ở các huyện đồng bằng, lũ ống, lũ quét, sạt lở ở các tỉnh miền núi.
Một số hình ảnh đường phố Sầm Sơn - Thanh Hóa chìm trong nước biển trưa ngày 15-9:
Nhiều tuyến phố chìm trong nước biển
Nước ngập sâu khiến nhiều xe máy phải đi lên vỉa hè để tránh chết máy
Nghệ An: Nước ngập nhiều tuyến đường, cây gãy đổ
Vào 9 giờ 30 phút sáng 15-9, theo ghi nhận của PV Báo Người Lao Động tại thị xã (TX) Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, trời xuất hiện gió và mưa lớn, nước ngập nhiều tuyến đường, cây xanh gãy cành la liệt. Ông Lê Hải Toàn, cán bộ Trạm đo nước dâng trong bão tại TX Cửa Lò, cho biết gió cấp 7-8, giật cấp cấp 9-10, mưa lớn nước dâng lên 2 m, sóng từ 2 - 3 m.
Lúc 11 giờ, mưa to, gió lớn, nhiều cây xanh đã bị gãy đổ. Tại TX Cửa Lò, sóng biển dâng cao 2-3m, nhiều đoạn đường ở thị xã nước biển đã tràn vào.
Gió to, mưa tớn tại TX Cửa Lò
Phóng viên Báo Người Lao Động tại hiện trường TX Cửa Lò, tỉnh Nghệ An
Hà Tĩnh: Cột đài truyền hình TX Kỳ Anh gãy đổ
Có mặt tại thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) khi bão số 10 bắt đầu đổ bộ, phóng viên ghi nhận gió mạnh, mưa lớn, thị xã đã mất điện, nhiều công trình nhà cửa đã bị sập.
Tại phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, rất nhiều cây cối đã bị đổ, gãy, cột điện chiếu sáng bị kéo gãy nằm rải rác, nhiều mái tôn của nhà người dân đã bị gió lật tung bay xuống đường.
Tại âu thuyền Kỳ Trinh, trước lúc bão vào, những ngư dân đang hối hả để đưa thuyền vào bờ sâu hơn để giảm thiệt hại.
Ông Mai Ngọc Tình (SN 1966, trú tại xóm 2 xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh) cùng vợ vừa đẩy thuyền lên bờ vừa than: "Chưa có đời mô có cơn bão như ri, giờ chưa giật cấp 15 chứ mà nếu có như vậy thật thì số thuyền neo đậu ở đây cũng không còn mô chú ơi, dù chúng tôi đã kéo vào rất sâu trong đất liền rồi".
Bà Nguyễn Thị Hoài Nam, Chánh văn phòng phòng chống thiên tai tại thị xã Kỳ Anh, thông tin: Theo số liệu thống kê cho đến hiện tại Kỳ Anh có 2 trường mầm non ở Kỳ Hà và Kỳ Thịnh bị tốc mái, 2 cột điện ở phường Kỳ Trinh bị gãy đổ. Nhà dân bị tốc mái rất nhiều, hiện tại chưa thể thống kê được".
"Thông tin từ trạm đo Hoành Sơn, hiện tại gió đã mạnh giật cấp 12, tại vùng tâm bão đã có gió giật cấp 13"- bà Nam cho biết thêm.
Vào 11 giờ 30 phút, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch TX Kỳ Anh, cho biết: Hiện tại TX Kỳ Anh, mưa to, gió rất lớn, hàng loạt nhà dân, trường học đã bị tốc mái. Đặt biệt cột đài truyền hình của TX Kỳ Anh đã bị gãy đổ, trụ sở ủy ban cũng bị tốc mái, thiệt hại tại thị xã là rất lớn.
Tôn của nhà người dân bay xuống đường
Tại Thừa Thiên - Huế: Gần 400 nhà bị tốc mái
Sáng 15-9, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung lực lượng gồm công an, quân đội để giúp dân sửa chữa lại nhà cửa bị tốc mái do bão số 10 gây ra. Tại phường Thủy Phương, Thủy Dương, thị xã Hương Thủy có khoảng 320 nhà bị tốc mái, hiện đang khắc phục. Ông Trương Văn Công, Chủ tịch UBND phường Thủy Phương, cho biết vào khoảng 21 giờ ngày 14-9, do ảnh hưởng của bão số 10 nên đã xảy ra gió mạnh khiến 219 nhà dân bị tốc mái, trong đó có 70 nhà bị tốc mái hoàn toàn, 2 người bị thương.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh có gần 350 nhà dân ở thị xã Hương Thủy và huyện Phong Điền bị tốc mái, 1 người đã chết, bãi biển bị sạt lở nặng, nhiều cây xanh gãy đổ. Tại thị trấn Thuận An (Phú Vang), mưa lớn kèm gió to nên 2 chiếc ghe neo đậu trong phá Tam Giang bị đánh chìm.
Một số hình ảnh bão tại Huế:
Cây ngã do bão gây ra ở Huế
Quảng Bình: Nhiều nhà bị tốc mái, cột điện, cây cối bị gãy đổ
Tại Quảng Bình, khoảng 2 giờ sáng nay (ngày 15-9) bắt đầu xuất hiện những đợ gió lớn kèm theo nhưng cơn mưa kéo dài.
Đến khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, bão số 10 chính thức đổ bộ với sức gió giật từ cấp 8 đến cấp 10. Tại TP Đồng Hới, gió liên tục quần đảo khiến nhiều cây cối trên các tuyến đường bị gảy đổ, nằm ngổn ngang, một số nhà dân bị tốc mái.
Đến 10 giờ, gió ngày một mạnh hơn. Tại các con sông như sông Gianh mực nước dâng cao đến mức báo động, một số nhà dân sống ven sông Gianh ở thị xã Ba Đồn bị ngập lụt, mưa vẫn không ngớt.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác ứng phó bão số 10 tại Quảng Bình
Lúc 10 giờ 30, ông Nguyễn Quang Năm - Bí thư Huyện uỷ Lệ Thuỷ (Quảng Bình) thông tin cho PV Người Lao Động rằng bão càn quét đến địa phương với sức gió khoảng cấp 8 trên cấp 8, chính quyền và người dân đã chủ động các biện pháp ứng phó trước, sơ tán dân nên chưa xảy ra thiệt hại gì về người và tài sản.
Còn ông Nguyễn Quang Vũ - Chủ tịch huyện Bố Trạch cho biết hiện tại nhiều xã trên địa phương đã bị thiệt hại do bão số 10 gây ra, nhiều nhà dân bị tốc mái, cột điện, cây cối bị gãy đổ. Nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng.
H.Phong - Đ.Ngọc- Q. Tám - B. Anh- M. Tuấn - T. Minh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.