• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Trị: Nuôi cá lồng bè trên sông Hiếu

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 15/09/2017
Ngày cập nhật: 18/9/2017

Nghề nuôi cá lồng bè ở hạ lưu sông Hiếu, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị hình thành vào đầu năm 2016 do một hộ gia đình khởi sinh. Từ sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, người dân nơi đây đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống lồng bè nổi sát ngay cửa biển để nuôi cá nước lợ. Nghề mới này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nhưng đầu ra vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nghề mới ở Cửa Việt

Là vùng cửa lạch nên từ trước đến nay, người dân thị trấn Cửa Việt chủ yếu hành nghề đánh bắt thủy sản ở ngư trường khơi xa trên những con tàu công suất lớn. Thế nhưng, có một người đã chủ động tìm tòi hướng làm ăn mới để chuyển đổi sinh kế bằng nghề nuôi cá lồng. Đó là ông Lê Xuân Chiến (60 tuổi) ở khu phố 4. Theo lời chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm về nhà ông Chiến khá dễ dàng. Lồng bè nuôi cá nước lợ của ông cũng ở cách đó không xa.

Mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Hiếu cho năng suất cao

Trò chuyện cùng chúng tôi trên những lồng cá được gắn kết chắc chắn với nhau, ông Chiến cho hay, đầu năm ngoái, trong một lần xem trên ti vi thấy mô hình nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông nảy ra ý nghĩ “Cũng là vùng sông nước, người ta nuôi được sao mình lại không thử nuôi?”. Thế rồi, ông chủ động tìm tòi thông tin về nguồn giống, kỹ thuật nuôi cá lồng bè từ sách báo, truyền hình và gặp trực tiếp những người có kinh nghiệm nuôi cá lồng bè ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Khi đã định hình và nắm vững được cách thức nuôi cá nước lợ, ông Chiến bắt tay vào việc huy động nguồn vốn và nhân lực để xây dựng nên hệ thống lồng bè nổi nơi cửa sông.

Nguồn cá giống được ông cất công đi tìm mua ở nhiều nơi khác nhau. Sau vụ đầu tiên nuôi thử nghiệm thành công, ông Chiến mở rộng quy mô và xây dựng thêm hệ thống lồng bè để nuôi cá chẽm (hay còn gọi là các vược) và cá hồng Mỹ. Ông chia sẻ: “Khoảng đầu tháng 2/2016, sau khi tìm hiểu kỹ, tôi quyết định xây dựng lồng bè và nhập cá giống về nuôi thử nghiệm. Vì tôi thấy Cửa Việt có điều kiện tự nhiên thuận lợi và phù hợp để nuôi cá lồng bè. Vụ đầu tiên, mặc dù tôi nuôi số lượng ít nhưng cá lớn nhanh, khỏe mạnh và không bị bệnh”.

Sau quãng thời gian vừa nuôi, vừa đúc rút kinh nghiệm, đến nay ông Chiến đã nắm chắc kỹ thuật nuôi cá lồng bè. Hiện tại, gia đình ông đang nuôi 2 loại cá chẽm và hồng Mỹ trong 4 lồng bè, trong đó 3 lồng nuôi các chẽm và 1 lồng nuôi cá hồng Mỹ. Vụ vừa rồi, ông thu hoạch được hơn 4 tấn cá và thu về lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Từ thành công ban đầu của ông Chiến, nhiều hộ gia đình ở thị trấn Cửa Việt đã chủ động tìm tới ông học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn xây dựng lồng bè trên sông để nuôi cá nước lợ.

Đây được xem là nghề mới ở thị trấn Cửa Việt đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Rời bè cá của ông Chiến, chúng tôi đến thăm bè cá lồng của anh Lê Văn Quang (sinh năm 1985) cách đó không xa. Trước đây, anh Quang thường theo các chú bác, anh em trong dòng họ vẫy vùng nơi biển khơi. Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, anh chuyển sang làm nhiều nghề khác nhau để mưu sinh. Đầu năm 2017, anh vay mượn vốn để đầu tư nuôi cá lồng bè.

Được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ những người đi trước, anh Quang cùng người chú ruột là ông Lê Quang Tiến xây dựng hệ thống lồng bè nơi hạ lưu sông Hiếu để nuôi cá chẽm và cá hồng. “Lứa đầu tiên, tôi thả 4.000 con giống, sau 6 tháng là thu hoạch được. Hiện tại, tôi đang nuôi 2 lồng cá chẽm và hồng Mỹ. Ước tính đến cuối vụ này, tôi sẽ thu hoạch khoảng 4 tấn cá”, anh Quang nói.

Chưa có thị trường ổn định

Mặc dù nghề nuôi cá lồng đạt hiệu quả, năng suất và sản lượng nhưng đầu ra cho thủy sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các chủ lồng chỉ xuất bán cá dưới hình thức nhỏ lẻ, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Anh Lê Văn Quang cho biết: “Hiện tại, thị trường của chúng tôi mới dừng lại ở mức bán lẻ cho người dân hoặc đem ra các chợ trong vùng. Các tiểu thương cũng chỉ mua cá với số lượng ít. Đầu ra là yếu tố quyết định cho sản phẩm, không có thị trường tiêu thụ thì coi như phá sản rồi. Chúng tôi đã nhiều lần chủ động đi tìm kiếm thị trường nhưng tình hình vẫn chưa mấy khả quan”.

Cũng trăn trở về vấn đề này, ông Trần Đình Cảm, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt cho biết, thị trấn hiện có 10 hộ nuôi cá trên sông Hiếu với tổng cộng 30 lồng bè, thể tích nuôi cá là 2.424 m3 , thả khoảng 60.000 con cá giống/vụ. Mặc dù là nghề mới nhưng năng suất, sản lượng và chất lượng cá lồng rất đạt. Tuy nhiên, đầu ra cho thủy sản còn yếu. Hiện nay, giá thị trường của 1 kg cá chẽm và cá hồng Mỹ giao động từ 70 - 80 ngàn đồng/kg với hình thức bán lẻ là chủ yếu. “Địa phương đã nhiều lần liên hệ, kết nối với các nhà hàng, quán xá trong vùng nhằm tăng mức tiêu thụ cá lồng nhưng đến nay, hiệu quả vẫn chưa cao.

Chính quyền và người dân thị trấn kiến nghị ban, ngành các cấp có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ những người nuôi cá lồng bè sớm tìm được thị trường tiêu thụ ổn định. Vì đây đang là vấn đề nan giải của địa phương”, ông Cảm nói. Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề xung quanh nghề nuôi cá lồng bè, ông Phan Văn Nghi, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, hiện nay, toàn huyện có thể tích nuôi cá lồng bè khoảng 3.400 m3 , tập trung ở thị trấn Cửa Việt và xã Gio Hòa. Các giống cá được nuôi chủ yếu là cá chình, cá chẽm, cá nâu, cá mú, cá hồng Mỹ.

Ông Nghi cho biết thêm: “Nghề nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng làm ăn triển vọng cho người dân ven sông hồ, đặc biệt là nơi có nhiều gia đình làm nghề sông nước như khu vực thị trấn Cửa Việt. Thời gian tới, huyện sẽ có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn và khuyến khích chính quyền, người dân địa phương chủ động tìm đầu ra ổn định cho thủy sản; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho nhân dân, nhất là các hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo để qua đó giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống”.

Trần Tuyền

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang