• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nam Định: "Lộc biển" ở rừng sú vẹt Nam Điền

Nguồn tin: Báo Nam Định, 22/09/2017
Ngày cập nhật: 23/9/2017

Hệ thống rừng sú vẹt ngập mặn dọc đê biển Cồn Xanh (Nghĩa Hưng, Nam Định) được người dân ví như “tường thành xanh” bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái biển, góp phần giảm thiểu thiệt hại do mưa, bão, lũ gây ra. Không những vậy, các bãi sú vẹt ở đây góp phần cố định phù sa để tạo nên các bãi bồi mới, làm vườn ươm và cung cấp thức ăn cho các loài thủy sinh, đồng thời đóng vai trò cân bằng sinh thái của khu vực. Từ lâu, nhiều người dân xã Nam Điền đã mưu sinh bằng nghề nhặt “lộc trời” từ rừng sú vẹt, những sản vật có giá trị kinh tế cao. Trong đó, nghề “săn” sam đất đang mang lại thu nhập cao cho bà con.

Có mặt tại rừng sú vẹt từ 8h sáng, chúng tôi đã thấy những người phụ nữ thoăn thoắt dùng những chiếc thuổng xắn lôi từng con sam đất lên từ bãi bùn lầy sú vẹt. Theo những người dân ở đây, việc bắt sam đất diễn ra hầu như quanh năm, cứ khi thủy triều xuống là có thể đi bắt được. Sam đất sống dưới bùn trong các cánh rừng vẹt, ở sâu dưới lớp bùn lầy từ 30-60cm nên việc bắt sam khá vất vả, phải thường xuyên dầm mình trong bùn. Bà Lương Thị Tho ở xóm 3, xã Nam Điền cho biết: Để bắt được sam đất phải lội bùn lầy vào các khu hang sam. Muốn bắt được nhiều sam đất mọi người phải nắm được lịch thủy triều lên, xuống, khi nước cạn thì mới lộ ra các hang sam. Trung bình một người có thể bắt được từ 5-7kg. Hiện tại, sam đất đang được thu mua với giá từ 60-70 nghìn đồng/kg. Tính ra, mỗi người có thể kiếm được từ 300-400 nghìn đồng/ngày, cá biệt có những người bắt sam chuyên nghiệp có thể đạt mức thu nhập trên 500 nghìn đồng/ngày. Hiện tại, ở xóm 3 đã có 5-6 người tổ chức thành đội săn sam đất chuyên nghiệp như các bà Trần Thị Hồng, Hoàng Thị Quy, Trần Thị Tháo… Sam đất có bề ngoài nhìn gần giống với con trai nước ngọt nhưng bề ngang chỉ bằng khoảng 3 đầu ngón tay (5-6cm), chiều dài chỉ khoảng 10cm và dày mình hơn trai, từ 4-6 con/kg. Đặc biệt, sam đất có thể chế biến được nhiều món ăn ngon như nướng, xào, hấp… do thịt của sam có độ giòn và vị ngọt tự nhiên, sam lại không ngậm cát việc vệ sinh sơ chế dễ dàng nên được các nhà hàng, khách sạn rất ưa chuộng. Bà Phạm Thị Hiện, chủ đầu mối thu mua sam đất và các loại hải sản khác cho biết, săn sam đất có thu nhập tốt nhưng không phải ai cũng làm được mà đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm và chịu khó mới bắt được nhiều. Thông thường một ngày lao động bắt đầu từ 6h sáng đến tận 4h chiều trong ngày khi con nước thủy triều cuối ngày bắt đầu lên.

Người dân thu gom thủy hải sản tại bãi sú vẹt xã Nam Điền (Nghĩa Hưng).

Ngoài sam đất, người dân nơi đây còn kiếm bộn tiền từ cua rèm, ngao, tôm, cá các loại. Bà Trần Thị Hồng ở xóm 3 cho biết, không chỉ con sam đất, con ngao dầu, vạng nứa, cua biển, ốc, cáy cũng tìm đến bãi sú vẹt làm nơi trú ngụ góp phần làm đa dạng hệ sinh thái đồng thời tăng thêm thu nhập cho những người mưu sinh dựa vào rừng sú vẹt như chúng tôi. Đối với con ngao dầu, người dân phải dùng cào tay để bới từ bùn lầy. Bình quân mỗi người một ngày có thể cào được từ 30-50kg. Cua thì bắt cả loại to và bé, với con cua rèm bé được người dân góp nhặt, mỗi ngày được gần 100 con, con khỏe bán cho người nuôi làm giống, con yếu làm thức ăn; tiền công phụ thuộc vào thị trường, bình quân thu nhập từ 120-200 nghìn đồng/ngày. Theo kinh nghiệm của các bà, bắt cua không hề dễ bởi cua không di chuyển theo đàn mà đi riêng lẻ, muốn bắt phải có kinh nghiệm. Cua thường đào hang dưới gốc sú vẹt hay nơi đất cứng. Có khi hang sâu trên 1m, phải dùng móc câu là thanh sắt nhỏ dài khoảng 1m, hai đầu uốn cong. Khi phát hiện hang có cua ở, lấy thuổng đào và dùng móc câu dụ cho cua kẹp vào móc rồi nhẹ nhàng kéo ra. Nếu nghe tiếng động, cua sẽ nhào xuống nước và lặn mất tăm. Cá biệt có con lớn từ 500g-1kg bán ra chợ; ngày nào may mắn câu được vài con là “yên tâm bỏ túi vài trăm nghìn đồng”. Ngoài các sản vật thủy hải sản, rừng sú vẹt nơi đây còn là nguồn để nuôi ong và khai thác mật. Mật ong sú vẹt rất được thị trường ưa chuộng bởi là loại mật duy nhất được khai thác từ cây rừng mọc ngoài biển, hoàn toàn có nguồn gốc tự nhiên, không bị nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài đặc điểm sạch sẽ, mật ong hoa sú vẹt còn được dùng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh, thời điểm “vàng” để thu “mật của biển” là từ tháng 5 cho đến hết tháng 7, đây là lúc hoa sú, vẹt bắt đầu bung nở rực rỡ nhất nên việc nuôi ong cũng rất thuận lợi. Hiện mới có anh Phạm Văn Chinh ở xã Xuân Hòa (Xuân Trường) đưa ong đến khai thác mật từ rừng sú vẹt mỗi vụ hoa với 1.200-1.500 thùng ong.

Rời rừng ngập mặn ở xã Nam Điền, chúng tôi nhìn thấy bức tường thành xanh mướt của rừng sú vẹt trải đến tận mép biển. Không chỉ vững chãi đứng chặn sóng gió bảo vệ bờ bãi và làng mạc bên trong, cánh rừng ấy còn nuôi dưỡng bao sản vật - những món quà của biển giúp cuộc sống của người dân thêm ấm no, bình yên. Chính vì thế việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn là trách nhiệm chung các cấp chính quyền và người dân góp phần phòng chống bão lũ, thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tạo sinh kế bền vững cho người dân nơi đây./.

Đức Toàn

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang