Nguồn tin: VOV, 24/09/2017
Ngày cập nhật:
25/9/2017
Tỉnh Quảng Ngãi không cho đăng ký thêm phương tiện làm nghề lặn mà chỉ duy trì ổn định số lượng hiện nay.
Nghề lặn bắt thủy sản của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi nổi tiếng trên cả nước. Hàng ngàn ngư dân địa phương có cuộc sống ổn định từ nghề truyền thống này của cha ông.
Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt nghề lặn trong khi sản lượng thủy sản ngày càng cạn kiệt đã ảnh hưởng các hệ sinh thái biển và thu nhập của ngư dân. Do vậy, tỉnh Quảng Ngãi không cho đăng ký thêm phương tiện làm nghề lặn mà chỉ duy trì ổn định số lượng hiện nay.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có khoảng 220 chiếc tàu làm nghề lặn. Đặc thù của nghề lặn là chỉ đánh bắt ở những vùng nước nông, xung quanh các đảo, rạn san hô, bãi đá ngầm và khai thác các loại cá đáy là loại cá không di cư.
Nếu như chuyến lặn nào mà ngư dân trúng đậm hải sâm thì coi như bằng mấy chuyến biển khác. Bởi loại hải sản này vừa đưa lên bờ được thương lái đến mua ngay, có thời điểm mỗi ký bán hơn 1,6 triệu đồng. Ngư dân gắn bó với nghề này thu nhập cũng ổn định hơn.
Ngư dân Phạm Văn Quang ở xã An Hải, huyện Lý Sơn bộc bạch, mỗi năm sẽ đi lặn biển từ 4 - 5 phiên. Nếu phiên bình thường, mỗi lao động đi 1 tháng sẽ kiếm được khoảng 10 - 12 triệu đồng, người nào đạt cao thu nhập được khoảng 15 triệu đồng.
Xã An Hải, huyện Lý Sơn và xã Bình Châu, huyện Bình Sơn là những nơi có nghề lặn phát triển mạnh ở tỉnh Quảng Ngãi. Tại xã Bình Châu hiện có hơn 100 phương tiện với trên 1.000 ngư dân hành nghề lặn, chủ yếu là bắt hải sâm.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hội nghề cá xã Bình Châu cho rằng, các cơ quan chức năng cần tập huấn, hỗ trợ trang thiết bị để ngư dân làm ăn hiệu quả hơn.
“Để đảm bảo cho việc lặn bắt hải sản, nhà nước nên có tập huấn, hướng dẫn, đầu tư thiết bị để làm sao bà con làm nghề lặn có cuộc sống được đảm bảo, an toàn”, ông Hùng đề xuất.
Những năm gần đây, nguồn lợi cá đáy ở quần đảo Trường Sa đang suy giảm nghiêm trọng, đánh bắt không hiệu quả. Trong khi đó, các phương tiện hành nghề lặn đang phát triển vượt khả năng cho phép. Cách đánh bắt theo kiểu hủy diệt đã làm ảnh hưởng các hệ sinh thái biển và nghề này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, để nghề lặn phát triển ổn định, hiệu quả thì việc tạm dừng không cho phát triển thêm nghề lặn là cần thiết.
“Hiện tại việc khai thác hải sản từ nghề lặn đã vượt quá khả năng phát triển của nguồn lợi thủy sản, do đó nên hạn chế, không cho phát triển thêm, đảm bảo cho việc khai thác hải sản bền vững và lâu dài”, ông Toàn cho biết.
Như vậy, chủ trương của tỉnh Quảng Ngãi không sẽ cấm nghề lặn bắt thủy sản, chỉ tạm thời không cho phát triển thêm phương tiện hành nghề này. Với tình trạng nguồn lợi thủy sản đang cạn kiệt như hiện nay, đây được xem là một trong những giải pháp cần thiết để tái tạo nguồn lợi thủy sản và giúp ngư dân làm nghề lặn có thu nhập ổn định./.
CTV Tiến Công/VOV-Miền Trung
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.