Nguồn tin: Báo ảnh Đất Mũi, 23/09/2017
Ngày cập nhật:
25/9/2017
Gần đây, nghề nuôi tôm ở Cà Mau phát triển cao hơn theo hướng siêu thâm canh, đến giờ đã đạt hơn 600ha. Đây thật sự là tín hiệu đáng mừng, vì đáp ứng nhu cầu nguồn nguyên liệu lớn cho chế biến xuất khẩu… Tuy nhiên cũng thật đáng lo, bởi nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn; thiệt hại về kinh tế nhiều hơn một khi người sản xuất nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, nuôi không đúng theo quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Ao lắng được xử lý nguồn nước ổn định trước khi cấp vào ao nuôi.
Thông tin về tình hình nuôi tôm trên địa bàn, ông Võ Trường Giang - Chủ tịch UBND huyện Phú Tân cho biết sản lượng thủy sản đạt 73% kế hoạch năm, riêng sản lượng tôm đạt đến 81% kế hoạch năm. Kết quả tốt đẹp trên có sự đóng góp rất lớn của 122ha nuôi tôm siêu thâm canh (NTSTC), mới hình thành trên địa bàn, tập trung tại các xã Tân Hải, Phú Tân và thị trấn Cái Đôi Vàm.
Toàn huyện Đầm Dơi có khoảng 200 hộ NTSTC. Qua kiểm tra của cơ quan chuyên môn, chỉ có 120ha đủ điều kiện, 84 hộ cần bổ sung một vài phần việc để hoàn thiện hình thức nuôi, 48 hộ không đủ điều kiện để thả nuôi. Ông Võ Chí Linh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện: “Với những hộ không đủ điều kiện, chúng tôi vận động họ chuyển sang nuôi tôm theo các hình thức khác, phù hợp với điều kiện và năng lực hiện có và phần lớn họ đều vui vẻ, đồng thuận làm theo hướng dẫn”. Tại xã Tạ An Khương Nam, qua kiểm tra, chỉ có 28/38 hộ NTSTC đạt theo quy trình hướng dẫn của Sở NN&PTNT. Ông Vương Vũ Linh, Chủ tịch UBND xã, cho biết chính quyền địa phương cùng với cán bộ Nông nghiệp bám sát địa bàn, trực tiếp hướng dẫn cho 10 hộ chưa hoàn thiện quy trình nuôi.
Trong khi đó, thông tin tại Hội nghị trực tuyến thường kỳ tháng 8 của UBND tỉnh mới đây, ông Võ Trường Giang cho biết mới đi kiểm tra điều kiện nuôi tại 90 hộ; các hộ còn lại, Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân đang kiểm tra, chưa tổng hợp kịp.
Nuôi tôm siêu thâm canh cần nguồn vốn đầu tư lớn, hoàn thiện điều kiện nuôi theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, mới mong mang lại những vụ mùa bội thu và phát triển bền vững.
Cuối tháng 6 qua, UBND tỉnh đã mở Hội nghị chuyên đề chỉ đạo tổ chức sản xuất, trong đó chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện và TP. Cà Mau triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong chỉ đạo sản xuất đến tận cơ sở, trong đó trọng tâm là kiểm tra điều kiện đối với các hộ NTSTC. Hộ nào đủ điều kiện mới cho thả nuôi, hộ nào không đủ điều kiện thì vận động chuyển sang nuôi theo các hình thức phù hợp; tránh nuôi ngoài quy hoạch, nuôi nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại sản xuất… Vừa qua, đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đã trực tiếp kiểm tra quá trình chỉ đạo sản xuất tại cơ sở. Qua đi thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng việc triển khai kế hoạch chậm so với yêu cầu chỉ đạo của tỉnh. “Sản xuất phải theo mùa vụ, mà mùa vụ thì không thể chờ đợi chúng ta. Một số nơi chưa khảo sát, chưa nắm được bao nhiêu hộ NTSTC đã đủ điều kiện hay chưa đủ điều kiện - đây là thiếu sót trong thực thi nhiệm vụ”, ông Lê văn Sử đánh giá.
Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đề nghị ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng cường giám sát, cùng với UBND các huyện, TP. Cà Mau thực hiện nhanh khâu kiểm tra, xác nhận sản xuất cho người NTSTC. “Tôi rất không đồng tình khi tỉnh đã có chủ trương từ khá lâu, nhưng các địa phương lại triển khai rất là chậm”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đồng thời đặt câu hỏi: Mỗi địa phương có bao nhiêu điểm NTSTC? Phải chăng đã qua, cách làm có quá máy móc nên đến giờ vẫn chưa có được con số chính thức? Chủ tịch tỉnh đề nghị tăng cường trách nhiệm, làm như đã qua là không thể chấp nhận, không ổn. Việc xác định nguồn nước xung quanh vùng NTSTC có ô nhiễm hay không, chỉ cần bộ thiết bị kiểm tra nguồn nước hiện nay của cán bộ kỹ thuật phụ trách nông nghiệp - thủy sản cấp xã là đã xác định được, không cần thiết phải chờ tỉnh đầu tư thêm thiết bị mới, hiện đại.
Các địa phương cần vào cuộc một cách cụ thể, quyết liệt hơn. Cần thiết thì từ Chủ tịch, Phó Chủ tịch huyện và xã đi kiểm tra, khảo sát, đánh giá, hướng dẫn người dân sản xuất - nhấn mạnh điều này, Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở: Bài học về nuôi tôm vẫn còn nguyên giá trị, khi nuôi tôm công nghiệp trước đây chính quyền buông lỏng, để người sản xuất nuôi tràn lan, làm thiệt hại khá lớn. Đây là chúng ta có tội với dân, nay không để tình hình này lặp lại khi hình thức nuôi mới này có khả năng gây ô nhiễm môi trường lớn hơn nếu không theo đúng quy trình, nếu xảy ra dịch bệnh thì sẽ thiệt hại nhiều về kinh tế.
Với diện tích gần 278.000ha nuôi tôm theo các hình thức: Siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp đã mang về cho tỉnh 99.800 tấn tôm trong 8 tháng năm 2017. Tuy nhiên, do vùng nuôi chưa được kiểm soát, nhất là việc xả thải chưa qua xử lý, đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng - một trong những tác nhân gây nên 252ha tôm công nghiệp và 9.083ha tôm quảng canh, quảng canh cải tiến bị nhiễm bệnh trong 8 tháng qua. Việc xử lý nước bằng hóa chất Chlorine, thuốc tím… có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, suy thoái đất.
Được biết, thông qua lãnh đạo tỉnh, Công ty N.G Việt Nam đang NTSTC tại huyện Ngọc Hiển sẽ phối hợp với doanh nghiệp tỉnh Nagasaki (Nhật Bản) thí điểm quy trình xử lý nước thải trong NTSTC tại Cà Mau với quy mô 15ha. Khi thành công, sẽ hợp tác chuyển giao công nghệ xử lý nước thải phù hợp với điều kiện thực tế của người nuôi tôm tại Cà Mau.
Trần Nguyên
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.