Nguồn tin: Báo An Giang, 27/09/2017
Ngày cập nhật:
28/9/2017
“Về đầu nguồn An Phú mùa này thú vị lắm!”. Lời mời của cô bạn quê ở Vĩnh Hội Đông vừa chân tình, vừa mang hơi hướng quảng bá cho vùng đất vốn có nhiều nét hấp dẫn nơi miền biên viễn, nhất là vào mùa nước nổi.
Nhịp sống mùa nước nổi
Chiếc đò ngang nổ máy từ từ ra giữa sông, nơi giao nhau giữa ngã ba Dung Thăng trong cơn gió nồm thổi nhẹ. Đưa tay chỉ về quãng sông từ đình Dung Thăng ngược về Phú Hội, Thúy An, cô bạn quê Vĩnh Hội Đông, giới thiệu: “Năm nay lũ lớn hơn mọi năm nên nước về từ sớm. Lâu lắm rồi, người dân đầu nguồn mới có được lũ lớn để có dịp làm ăn, khai thác lợi thế từ mùa nước nổi (MNN)”. Theo hướng tay chỉ của An, phía trước là quãng đồng mênh mông trời nước, thấp thoáng xa xa là những chiếc ghe có mui, xuồng cui, vỏ composite đang thả lưới, giăng câu… giữa bốn bề bát ngát. Cảnh vật tuy mênh mông nhưng không buồn tẻ, ngược lại có phần nhộn nhịp, sinh động của cuộc sống nơi vùng lũ.
Trên đồng nước, câu chuyện mưu sinh đã bắt đầu từ nhiều tuần trước. Các xóm ghe từ khắp nơi như Chợ Mới, Châu Thành, Châu Phú (An Giang), Đồng Tháp… tề tựu về đây ngày một đông. Những căn chòi nhỏ dựng tạm ngay trên đồng nước dưới những rặng cây lao xao trong gió quyện làn khói bếp từ xa như điểm xuyết cho bức tranh thơ mộng của MNN.
Vừa thu hoạch xong mẻ lưới cá linh sau hơn 2 giờ lặn ngụp trên đồng nước, anh Dũng (ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hội Đông) cho biết: “Năm nay lũ về nhanh, cá chưa kịp lớn nên thu hoạch còn ít. Mỗi ngày, vợ chồng tui giăng lưới chỉ kiếm được vài chục ký cá linh bán cho các chủ hầm nuôi cá hoặc làm nước mắm cá linh”. Do cá mắc lưới sau khi mang lên đều ương nên giá bán khá rẻ so cá linh đặt dớn, đặt lọp, chỉ 8.000 đồng/kg. “Cá, tôm bây giờ ngày càng cạn kiệt, năm nay lũ lớn nhưng đánh bắt cũng không được bao nhiêu, nhiều người phải sang Campuchia thuê đồng làm ăn. Tôi chở xuồng lọp đi khắp các nơi trong vùng. Mỗi ngày với 200 lọp cá linh cũng chỉ kiếm được vài chục ký cá, đủ nuôi gia đình. Ráng tranh thủ MNN kiếm tiền, chứ qua mùa khô là “phơi lọp”, mưu sinh bằng nghề khác!”- anh Phường (ngư dân quê Đồng Tháp) chia sẻ.
Lợi thế từ MNN thì ai cũng biết, mang lại biết bao sinh kế cho người dân. Lũ về, người dân đầu nguồn vui mừng khôn xiết. Những xóm câu, lưới nhộn nhịp ngày đêm để chuẩn bị cho cuộc mưu sinh. Là nghề “hạ bạc” nhưng mỗi khi nước lũ về đã nhen nhóm trong lòng cư dân vùng lũ niềm vui khôn tả, bởi đây là mùa làm ăn, mùa sinh lợi. Song, do năm nay nước lũ lên nhanh nên nhiều ruộng rẫy của bà con sản xuất ngoài đê bao không kịp thu hoạch gây thiệt hại không nhỏ, nhiều nơi mất trắng. Bởi vậy, trong niềm vui đón lũ vẫn còn chút lo toan, suy tính phải sống sao cho hài hòa với thiên nhiên trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường hiện nay.
Những phiên chợ vui
Năm nay, MNN về sớm, vì thế các chợ vùng biên cũng diễn ra sôi động, tấp nập cảnh mua bán đông vui! Tại chợ biên giới Khánh Bình, Khánh An… ngày thường khá vắng vẻ, nhưng hơn 1 tháng nay bắt đầu nhộn nhịp do MNN đang vào cao điểm, sản vật bày bán nhiều hơn. Chính vì thế, MNN không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn mang đến cho bà con niềm vui lạ thường.
Thú vị nhất là được tận mắt chứng kiến cảnh vận chuyển cá đồng, cua, rắn… từ xuồng lên các điểm thu mua. Dưới thuyền nhộn nhịp bao nhiêu thì trên bến cũng sôi động bấy nhiêu. Những bó bông súng dài hơn 2m, hẹ nước, bông điên điển, bông lục bình… cũng được tập kết về các vựa nơi đây. Chị Hồng (xã Khánh Bình, An Phú) cho biết: Bông súng bán được tính bằng “tay” (mỗi tay chừng 20 bông) giá chỉ 5.000 đồng. Mỗi buổi sáng, chị nhổ khoảng 50 “tay”, cũng kiếm được ít tiền trang trải cuộc sống.
Anh Dũng, chủ vựa cua đồng ở Khánh An cho biết: Năm nay nước lũ về nhiều nên cua đồng nhiều hơn mọi năm, mỗi ngày cân khoảng 4 tấn bán cho các thương lái để đi các chợ trong và ngoài tỉnh. Ốc đồng cũng là đặc sản có nhiều ở các chợ biên giới An Phú. Ngoài ngư dân địa phương, người dân Campuchia còn mang ốc sang các vựa ở Khánh An, Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông… để bán. Hiện, trung bình mỗi ngày các vựa thu mua khoảng 6 - 7 tấn ốc đồng, sau đó phân loại bán cho tiểu thương các chợ trong vùng.
Gắn bó gần trọn cuộc đời với miền quê sông nước, bà chín Niệm (chợ Khánh An) phấn khởi cho biết thêm: “Lâu lắm rồi mới thấy được lũ lớn như vầy. Nhớ hồi xưa, mỗi khi nước lũ tràn đồng, tôm, cá không biết bao nhiêu mà kể. Bà con trong xóm chỉ cần kéo mẻ lưới là có mấy chục ký cá, tôm. Nhiều năm rồi lũ không về, tôm cá cũng ít đi, những buổi chợ quê càng thêm vắng vẻ. Năm nay nước lũ về đầy các nhánh sông, nên chợ quê nhộn nhịp hơn, với nhiều sản vật như: Cá, tôm, cua, ếch, ốc… và các loại rau đồng như: Bông điên điển, bông súng, bông lục bình, ngó sen… Những người lớn tuổi như tôi cũng thêm ấm lòng, được trở về với không khí của những mùa lũ năm xưa!”
Cứ như một quy luật, năm nào MNN càng cao thì sản vật mang về càng nhiều. Nước lũ năm nay dồi dào, kỳ vọng tôm, cá sẽ nhiều hơn, góp thêm niềm vui cho những phiên chợ biên giới, để cuộc sống bà con đỡ phần vất vả!
Hữu Huynh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.