Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 26/09/2017
Ngày cập nhật:
28/9/2017
Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thủy sản được đánh giá một trong những ngành có được lợi thế lớn nhất. Tuy nhiên, sản phẩm thủy sản sẽ phải đối mặt với những biện pháp phòng vệ quyết liệt hơn bao gồm các rào cản kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm và các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, trợ cấp... Muốn vượt qua thách thức, Việt Nam cần có những phương thức tiếp cận mới trong tạo lập chính sách, đặc biệt là các chính sách về tài chính.
Khó tiếp cận vốn
Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển liên kết chuỗi giá trị nông sản nói chung và thủy sản nói riêng và đều đề cập đến các giải pháp cho vấn đề tài chính.
Đơn cử như: Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn đến năm 2015; Quyết định số 644/2014/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị khu vực nông nghiệp, nông thôn”…
Tuy nhiên, theo ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, hỗ trợ tài chính luôn là vấn đề nhạy cảm trong quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do cũng như TPP vì dễ vướng vào các vụ kiện về trợ cấp. Hiện nước ta vẫn còn thiếu những nghiên cứu đánh giá về chính sách và đề xuất khung chính sách tài chính khuyến khích phát triển chuỗi liên kết thủy sản.
Thu hoạch tôm tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Mỹ Thanh
Việt Nam có những cơ chế cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhưng trên thực tế, để người nông dân tiếp cận được các nguồn vốn này lại không hề đơn giản.
“Theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định các trường hợp vay không phải thế chấp tài sản gồm: vay tối đa 100 triệu đồng với hộ nông dân, 300 triệu đồng đối với đơn vị kinh doanh, 500 triệu đồng đối với hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác hải sản xa bờ có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ chức chế biến và xuất khẩu trực tiếp và tối đa 2 tỉ đồng với hợp tác xã nuôi trồng, khai thác hoặc cung cấp dịch vụ khai thác hải sản xa bờ, chủ trang trại nuôi trồng thủy sản"-Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Thị Phi Hoài, Học viện Tài chính, nói.
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Thị Phi Hoài, rõ ràng, Chính phủ hết sức ủng hộ và khuyến khích cho vay phát triển chuỗi thủy sản. Phía ngân hàng cũng thừa vốn thể hiện qua tỷ lệ dư nợ cho vay đối với ngành thủy sản tăng lên nhưng người dân và doanh nghiệp (DN) thủy sản cần vốn để mở rộng sản xuất lại không thể tiếp cận được tín dụng. Nguyên nhân một phần do nông dân chưa nắm được thông tin, còn lại là gặp rắc rối trong thủ tục vay vốn.
Tiến sĩ Trần Ngọc Hùng, Trưởng Phòng Đào tạo, Khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ NN&PTNT, cho biết: “Những khó khăn trong tiếp cận tín dụng của DN và ngư dân hiện nay gồm: Các tổ chức tín dụng ngại cho vay trong lĩnh vực thủy sản do sợ rủi ro không thu hồi được nợ; chính sách tín dụng tương đối đầy đủ nhưng thiếu rõ ràng (về điều kiện vay vốn, về xử lý nợ xấu do rủi ro,…) và thiếu nguồn lực để thực hiện".
Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Hùng, việc sử dụng công cụ hỗ trợ lãi suất (từ ngân sách) làm gia tăng áp lực nhu cầu vốn và tiềm ẩn nguy cơ vướng vào các vụ kiện về trợ cấp. Ngoài ra, chúng ta vẫn thiếu cơ chế hỗ trợ để các DN có năng lực huy động nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức tài chính ngoài nước. Đối với những hộ nông dân đơn lẻ với đặc tính sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì quá trình tiếp cận nguồn vốn ưu đãi càng nan giải.
Cho vay theo chuỗi giá trị
Tại Hội thảo “Chính sách tài chính khuyến khích phát triển chuỗi liên kết thủy sản trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, các chuyên gia đầu ngành khẳng định, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là hướng đi phù hợp, tất yếu đối với sự phát triển bền vững ngành thủy sản.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Thị Phi Hoài, Học viện Tài chính, cho rằng, Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý quy định và chế tài đủ mạnh trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ, mua bán giữa DN và nông dân, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng… Đồng thời, khuyến khích ngân hàng và tổ chức tín dụng tham gia vào mối liên kết chiến lược giữa ngân hàng - DN - hộ sản xuất.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Thị Phi Hoài cũng cho rằng ngân hàng cần linh hoạt hơn trong việc xem xét giãn nợ và cho vay mới để hỗ trợ ngư dân và DN thủy sản. Song song đó, phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương, hiệp hội để nắm thông tin cần thiết về thị trường, DN, hộ dân và tính khả thi của dự án.
Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Hùng, Trưởng Phòng Đào tạo, Khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Cán bộ quản lý NN&PTNT, Bộ NN&PTNT, hướng đến các chính sách tài chính khuyến khích phát triển chuỗi liên kết thủy sản trong bối cảnh hội nhập TPP phù hợp, các bộ ngành hữu quan cần tiếp cận với những nhận thức mới, bao gồm: hiểu đúng bối cảnh hội nhập TPP; hiểu rõ vị thế của ngành thủy sản trong bối cảnh hội nhập TPP; hiểu rõ các sản phẩm thủy sản trong hệ thống định vị các sản phẩm trong bối cảnh hội nhập TPP và định vị đúng, gắn kết trúng các công cụ chính sách vào chuỗi giá trị liên kết.
Một số ý kiến đề xuất khung chính sách tài chính khuyến khích phát triển chuỗi liên kết thủy sản đúng với cam kết cũng như tiến trình thực hiện cam kết TPP. Bao gồm: đối tượng hỗ trợ (DN, hợp tác xã, nông dân…), công cụ hỗ trợ (đầu vào, đầu ra, vốn ưu đãi, bảo hiểm nông nghiệp…), phương thức hỗ trợ (Nhà nước hỗ trợ trực tiếp, Nhà nước ủy thác cho DN) và lộ trình hỗ trợ.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, phân tích: “Dù cho vay chuỗi giá trị được khuyến khích tới 70-80% tín chấp và các điều kiện thuận lợi về cơ cấu lại nợ nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng tín dụng và phát triển bền vững của các ngân hàng thương mại".
"Do đó, cần hoàn thiện thêm các chính sách như: thế chấp tài sản, đăng ký, xử lý thế chấp tài sản trên đất nông nghiệp được Nhà nước giao hoặc cho thuê; trách nhiệm vào cuộc của các bộ ngành, UBND các cấp, trong xác nhận công nhận chuỗi giá trị thuận lợi nhất cho người dân và DN, bảo đảm môi trường sinh thái cho chuỗi giá trị nông sản phát triển bền vững; dịch vụ bảo hiểm cho sản xuất, chăn nuôi, an toàn của chuỗi giá trị…”-ông Phạm Xuân Hòe nói.
Song song đó, các bộ ngành hữu quan cần vận dụng rộng rãi hơn tiếp cận đa chiều trong quá trình tạo lập chính sách, qua đó, hướng đến nâng cao hiệu quả công tác tạo lập chính sách ở các cấp. Đồng thời, tổ chức diễn đàn trao đổi phù hợp, có tính chuyên ngành nhằm hướng đến tối ưu hóa hệ thống chính sách tài chính khuyến khích phát triển chuỗi liên kết thủy sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay.
Mỹ Thanh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.