Nguồn tin: Báo Ninh Thuận, 27/09/2017
Ngày cập nhật:
29/9/2017
Tỉnh Ninh Thuận có bờ biển dài trên 105 km, có nhiều đầm, vịnh, vùng cửa sông, bãi triều thích hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó có nghề trồng rong sụn.
Được trồng chủ yếu tại Khánh Hội (xã Tri Hải), Mỹ Hiệp (xã Thanh Hải, Ninh Hải) và Phước Dinh, Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam); trước đây với diện tích mặt nước mỗi năm hàng trăm ha, rong sụn có lúc được coi là cây “xóa đói, giảm nghèo”, cây “làm giàu chính đáng”. Tuy nhiên trong gần 10 năm qua, diện tích trồng rong sụn ở tỉnh ta giảm dần. Nguyên nhân vì sao?
Cho đến hiện nay, nhiều người làm trong ngành Thủy sản vẫn không quên thời “hoàng kim” của cây rong sụn. Đỉnh cao là năm 2005 khi toàn tỉnh đạt diện tích trồng trên 400 ha mặt nước, bao gồm 50 ha tại vùng Cà Ná, Phước Diêm, gần 30 ha tại vùng Mỹ Hiệp, 20 ha ở khu vực cửa biển Khánh Hội và tập trung nhiều nhất gần 300 ha ở vùng Sơn Hải-Mũi Điện (xã Phước Dinh), với sản lượng thu hoạch 1.200 tấn rong khô, cao nhất từ trước đến nay. Anh Đỗ Kim Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (KN) tỉnh cho biết: Theo định mức kỹ thuật, cứ 8 tấn rong tươi cho ra 1 tấn rong khô, song thường người dân chỉ làm 7 tấn tươi. Thời điểm ấy với giá bán 10.000-12.000 đồng/kg cho khách hàng nước ngoài, người trồng rong sụn lời to. Chúng tôi còn nhớ hồi ấy ở vùng Sơn Hải-Mũi Điện, rong sụn trồng dày thành 3 dãy từ bờ ra mặt nước biển đến 500 m. Trong vùng đã có nhiều hộ dân nhờ trồng rong sụn mà xây nhà khang trang, mua sắm các phương tiện sinh hoạt và cải thiện cuộc sống. Điển hình có gia đình và các anh em ông Phạm Văn Vầm, là những người trồng rong sụn đã khá giả hẳn lên, tạo dựng được cơ ngơi bề thế với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt gia đình.
Đang được xem là loài thủy sản có khả năng thay thế dần con tôm thịt có nhiều rủi ro vì dịch bệnh, rong sụn bỗng nhiên mất vị thế và dần thu hẹp mặt nước thả trồng. Người trồng liên tục gặp thất bại, mất mùa, chỉ tính trong năm 2009, mỗi hộ trồng ở các thôn Sơn Hải 1, Sơn Hải 2 lỗ bình quân từ 4-5 triệu đồng tiền giống, vật tư, không kể công chăm sóc. Đến năm 2011, nhờ có dự án trồng rong sụn của Trung tâm KN quốc gia, tiếp đó là Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh hỗ trợ, nghề trồng rong sụn tỉnh nhà khởi sắc trở lại. Thế nhưng đến năm 2014, Dự án Cạnh tranh nông nghiệp kết thúc, người trồng rong sụn lại lao đao vì không còn nhận được tài trợ, diện tích theo đó giảm dần. Năm 2016, diện tích rong sụn trồng trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn 45 ha, sản lượng thu hoạch rất thấp, chỉ đạt 950 tấn, đạt 38% kế hoạch năm. Riêng từ đầu năm đến nay, với diện tích rong sụn trồng 37,8 ha (25,2% kế hoạch), sản lượng thu hoạch 215 tấn, tức chỉ đạt 9,8% so với kế hoạch năm, trong khi đó giá bán rong sụn lại cao, dao động từ 3.200-3.500 đồng/ kg rong tươi và 20.000-23.000 đồng/kg rong khô.
Thực trạng trên cho thấy nghề trồng rong sụn không còn hiệu quả mà nguyên nhân được cho là có liên quan đến biến đổi khí hậu. Theo Trung tâm KN tỉnh, trước hết là do thời tiết tác động, mùa nắng nóng có nhiều tháng nhiệt độ cao và mưa bất thường kéo dài, mùa bấc thì sóng gió ngày càng nhiều hơn. Biển ấm lên và ô nhiễm làm xuất hiện nhiều đàn cá kình sống gần bờ sẵn sàng ăn sạch rong thả trồng. Diện tích thả trồng giảm, kết hợp rong sinh trưởng kém, bị rong mền (teo thân, cong nhánh) và cá kình ăn nên các hộ trồng phải thu non, một số bị thua lỗ do phải mua rong giống giá cao. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện hoạt động trồng rong sụn chỉ diễn ra tại khu vực huyện Ninh Hải, riêng ở Phước Dinh đa số người trồng không có vốn để tiếp tục tái đầu tư thả trồng. Năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra kế hoạch trồng diện tích 150 ha rong sụn, sản lượng thu hoạch đạt 2.200 tấn và phấn đấu đến năm 2020 đạt mục tiêu 8.500 tấn rong sụn. Với những gì đang diễn ra, rõ ràng kế hoạch năm 2017 coi như không thực hiện được và là dự báo không tốt cho những năm đến.
Tuy nhiên, dù đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, chủ trương của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn là phải tìm giải pháp khôi phục diện tích trồng rong sụn, hướng đến hoàn thành mục tiêu đến năm 2020. Theo anh Đỗ Kim Tâm, trước mắt từ nguồn vốn của Dự án Giảm nghèo bền vững tỉnh, trong tháng 10, Trung tâm KN tỉnh sẽ triển khai thực hiện trồng rong sụn cho 17 hộ (3,4 ha) ở Mỹ Hiệp và hằng năm từ kinh phí tỉnh cấp cho hoạt động KN, Trung tâm KN tỉnh sẽ bố trí vốn cho việc tăng diện tích trồng lên 30 ha vùng đầm Nại. Bên cạnh đó, Trung tâm KN tỉnh đề xuất Trung ương đầu tư xây dựng tại tỉnh ta một Trung tâm sản xuất giống rong sụn để giúp địa phương chủ động về rong giống. Đặc biệt, đề xuất tỉnh tạo điều kiện cho hộ trồng rong sụn nghèo, thiếu vốn được vay vốn đầu tư tái sản xuất.
Bạch Thương
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.