• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

An Giang: Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầu nguồn

Nguồn tin: Báo An Giang, 12/10/2017
Ngày cập nhật: 13/10/2017

Thông qua hoạt động thả cá bản địa về tự nhiên, UBND huyện Tịnh Biên (An Giang) mong muốn nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong người dân địa phương. Đây là việc làm thiết thực, nhằm duy trì, giữ gìn nguồn lợi tự nhiên cho thế hệ tương lai.

UBND huyện Tịnh Biên vừa phối hợp Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức hoạt động thả cá về tự nhiên tại tuyến kênh Trà Sư. Đây là lần đầu tiên Tịnh Biên triển khai hoạt động này nhưng đã tạo được hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tịnh Biên Trần Hiếu Thuận cho biết: “Tuy không có thế mạnh về phát triển thủy sản nhưng Tịnh Biên là huyện đầu nguồn có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia dọc theo kênh Vĩnh Tế dài gần 20km. Đồng thời, diện tích đất ngập nước vào mùa lũ tại địa phương cũng chiếm khoảng 11.000 héc-ta nên việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản cần được quan tâm”.

Theo ông Trần Hiếu Thuận, thủy vực sinh thái trên các tuyến kênh tại Tịnh Biên có nhiều loại cá thuộc diện “đặc sản” của hệ thống sông Mê Kông được sưu tầm và ghi nhận, như: Cá vồ đém, cá linh, cá chạch bông, cá tra dầu… Ngoài ra, còn có sự hiện diện của các loài cá có nguy cơ tuyệt chủng như: Cá còm, cá mang rổ, cá dày. Do nhu cầu thực phẩm của người dân ngày càng tăng nên hoạt động khai thác thủy sản với quy mô và cường độ mở rộng, gây xáo trộn nghiêm trọng đến sự cân bằng và tính tự phục hồi của quần thể thủy sản tự nhiên.

Thả cá về thiên nhiên

“Thời gian qua, việc người dân sử dụng nhiều phương thức khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, như: Dùng xung điện bắt cá, sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ để khai thác quanh năm... Nghiêm trọng hơn, việc khai thác như vậy đã dẫn đến tình trạng tuyệt diệt cá con, cá non, cá bố mẹ trong giai đoạn sinh trưởng, sinh sản. Đây chính là nguyên nhân gây sụt giảm nhanh chóng nguồn lợi thủy sản trong hệ sinh thái thủy vực tại địa phương và nhiều nơi khác. Do đó, hoạt động thả cá giống bản địa về với tự nhiên mang ý nghĩa tuyên truyền rất lớn để người dân, nhất là những hộ theo nghề câu lưới tự nâng cao ý thức trong việc giữ gìn nguồn lợi thủy sản” - ông Thuận phân tích.

Trong đợt này, UBND huyện Tịnh Biên đã thả hơn 200kg cá giống các loại với hơn 30.000 cá thể về môi trường sống tự nhiên. Đặc biệt, còn có 1.000 con cá hô, vốn được đánh giá là loài cá quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, được về lại tự nhiên là tín hiệu tích cực trong việc phục hồi hệ sinh thái nguyên sinh trước đây. Là người trực tiếp tham gia hoạt động thả cá, ông Nguyễn Văn Toản, người dân địa phương cho biết: “Tôi khai thác cá đã nhiều năm nên bản thân nhận thấy sự sụt giảm nhanh chóng của cá, tôm. Dân bà cậu bây giờ đánh bắt “mạnh tay” quá chứ không như thời tôi còn trẻ, chỉ cần chài lưới đơn sơ cũng đủ ăn. Nghe địa phương vận động thả cá, tôi tích cực tham gia với mong muốn những con cá mình thả hôm nay sẽ được “để dành” cho thế hệ sau này. Bởi người ta khai thác cá bằng điện đã khiến cá lớn, cá nhỏ chết sạch nên khoảng 10 năm nay thủy sản ở mấy cánh đồng ngập nước còn rất ít”.

Bên cạnh hoạt động thả cá về tự nhiên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tịnh Biên yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác thủy sản tại địa phương. “Chúng tôi thường xuyên phối hợp các xã, thị trấn kiểm tra, xử lý đối với những hộ khai thác cá bằng đăng (dớn), đánh bắt cá con, cá non hay sử dụng xung điện khai thác thủy sản. Biện pháp chủ yếu là tuyên truyền nhưng nếu ngư dân không có hướng khắc phục sẽ bị tịch thu ngư cụ. Việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và sự chuyển biến trong nhận thức của người dân vì sinh kế của chính họ trong tương lai” - ông Thuận cho hay.

Thông qua hoạt động thả cá về tự nhiên, ngành Nông nghiệp huyện Tịnh Biên mong muốn tất cả mọi người thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. “Chúng tôi kêu gọi toàn thể người dân hãy tích cực tham gia công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho hiện tại và thế hệ tương lai, hướng tới việc sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững những “món quà” của thiên nhiên”.

Thanh Tiến

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang